Hiện nay, nhu cầu chăn nuôi động vật ngày càng gia tăng. Việc tìm kiếm giống vật nuôi trên mạng đã trở thành một xu hướng phổ biến. Nhiều người chăn nuôi đã chuyển sang mua con giống qua mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến, hy vọng tìm được nguồn cung cấp chất lượng với giá cả hợp lý.
Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn. Thực tế cho thấy không ít nông dân đã trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo, khi nhận được giống vật nuôi không đúng chất lượng hoặc không đúng số lượng như đã thỏa thuận, gây thiệt hại nặng nề cho kinh tế gia đình và làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi.
Ông Trương Đức Vinh, một người chăn nuôi tại phường Phú Mỹ, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, là một ví dụ tiêu biểu cho những rủi ro tiềm ẩn trong việc mua con giống qua mạng.
Gia đình ông Vinh đứng trước nguy cơ mất trắng hàng trăm triệu đồng khi mua con giống trên mạng về để chăn nuôi |
Ông Vinh, với mong muốn phát triển mô hình chăn nuôi của mình, đã lên mạng xã hội tìm kiếm các giống động vật như Dúi, Don và Chồn móc. Sau khi lướt qua các trang Facebook và YouTube, ông Vinh đã phát hiện một tài khoản quảng cáo bán giống vật nuôi mà ông cần. Từ đó, ông Vinh đã tìm ra cơ sở chăn nuôi Động vật hoang dã Đ.V.D tại ấp Phú Sơn, Bắc Sơn, Trảng Bom, Đồng Nai. Tin tưởng vào những gì đã thấy, ông Vinh quyết định đến tận nơi để xem và mua giống.
Tại cơ sở chăn nuôi, ông Vinh được hai người tên Đ.V.H và B.C.M dẫn đi xem các giống vật nuôi. Sau khi tham khảo giá cả, ông đã quyết định chi ra tổng cộng 950 triệu đồng cho 4 con Don đực, 14 con Don cái; 14 con Dúi đực, 42 con Dúi cái; và 7 con Chồn móc đực, 14 con Chồn móc cái. Ông Vinh tin rằng đây sẽ là một khoản đầu tư hợp lý cho tương lai chăn nuôi của mình.
Do chưa có kinh nghiệm nên mặc dù thoả thuận mua con cái nhiều hơn nhưng người bán lại giao con đực là chủ yếu |
Tuy nhiên, chỉ một ngày sau khi nhận hàng, ông Vinh đã phát hiện ra sự thật đau lòng. Số lượng giống mà cơ sở chăn nuôi giao không đúng như thỏa thuận. Ông Vinh cho biết, trong hợp đồng, ông đã yêu cầu mua giống cái với cam kết sẽ sinh sản trong vòng hai tháng. Nhưng đến nay, đã hơn sáu tháng trôi qua, những con giống này vẫn không có dấu hiệu sinh sản.
Điều đáng nói là cơ sở đã giao sai số con đực - cái theo đặt hàng của ông, trong khi giá trị của con cái cao gấp 10 lần. Khi liên hệ với cơ sở cung cấp, ông chỉ nhận được những lời hứa hẹn mà không có ai đến giải quyết. "Tôi chỉ mong muốn lấy lại số tiền đã mất và bảo vệ quyền lợi của mình,” ông Vinh chia sẻ với vẻ mặt đầy lo lắng. Vụ việc khến ông không chỉ mất tiền mà còn mất đi niềm tin vào các giao dịch trực tuyến.
Hiện vụ việc của ông Vinh đã được Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đồng Nai tiếp nhận nguồn tin tố giác tội phạm.
Bên bán cam kết sau hai tháng Don sẽ sinh sản nhưng đến nay đã hơn sáu tháng vẫn chưa có dấu hiệu sinh nở |
Ông Vinh không phải là trường hợp hiếm gặp. Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, nhiều người chăn nuôi khác tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Thuận... cũng đã trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo tương tự.
Như gia đình bà T.T.L, một nông dân ở xã Đồi 61, huyện Trảng Bom, Đồng Nai, cũng đã bỏ ra hơn 400 triệu đồng để mua con giống từ cơ sở ông Đ.V.D. Tuy nhiên, họ cũng bị giao không đúng thỏa thuận và nhận được con giống kém chất lượng, dẫn đến toàn bộ con giống chết sạch.
Hiện tại, gia đình bà T.T.L đang rơi vào cảnh nợ nần chồng chất, không biết phải làm gì để khắc phục tình hình. "Chúng tôi đã nghe nhiều người nói về việc mua con giống trên mạng, nhưng không ngờ lại gặp phải trường hợp như thế này. Giờ đây, chúng tôi không chỉ mất tiền mà còn phải đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày,” bà T.T.L chia sẻ với giọng buồn bã.
Theo các cơ quan chức năng, trạng lừa đảo trong lĩnh vực mua bán giống vật nuôi qua mạng đang ngày càng gia tăng. Các cơ sở chăn nuôi không đảm bảo chất lượng, cùng với những quảng cáo hấp dẫn trên mạng xã hội, đã khiến nhiều người chăn nuôi rơi vào bẫy. Những kẻ lừa đảo thường sử dụng các chiêu trò tinh vi để thu hút khách hàng, từ việc tạo dựng hình ảnh đẹp đẽ cho đến việc cam kết về chất lượng sản phẩm.
Ông Vinh mua Chồn móc cái để sinh sản với già gần 20 triệu/con nhưng người bán lại giao Chồn móc đực với giá chỉ hơn 2 triệu đồng/con |
Để bảo vệ quyền lợi của mình, người chăn nuôi cần cẩn trọng hơn trong việc kiểm tra thông tin và nguồn gốc sản phẩm trước khi thực hiện giao dịch. Việc xác minh rõ ràng về cơ sở chăn nuôi, tham khảo ý kiến từ những người đã mua hàng trước đó và không nên tin tưởng vào những lời quảng cáo quá tốt so với thực tế là điều cần thiết. Điều này không chỉ giúp người chăn nuôi tránh được những rủi ro không đáng có mà còn góp phần nâng cao ý thức cảnh giác trong cộng đồng.
Các cơ quan chức năng cũng cần có những biện pháp quyết liệt hơn để xử lý các hành vi lừa đảo trong lĩnh vực này. Việc tăng cường quản lý và giám sát các hoạt động mua bán trực tuyến, cũng như tuyên truyền giáo dục người tiêu dùng về các rủi ro khi mua hàng trên mạng là rất cần thiết. Nếu không, tình trạng này sẽ không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mà còn gây ra những hệ lụy lớn trong xã hội, làm mất lòng tin của người chăn nuôi vào các giao dịch trực tuyến.