Độc đáo ở tính giá trị và riêng có
Làng Trường Lưu (nay là xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) là một trong những làng văn hóa nổi tiếng của Việt Nam, là quê hương của dòng họ Nguyễn Huy với 3 danh nhân văn hóa Việt Nam và nhiều nhà khoa bảng khác. Tại đây, Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1713-1789) đã lập nên “Phúc Giang thư viện” rồi mở trường dạy học gọi là “Trường Lưu học hiệu” để đào tạo nhân tài cho vùng quê xứ Nghệ. Nơi đây có cả một xưởng in với hàng ngàn bản sách được in khắc gỗ.
Dù là gia sản của một dòng họ nhưng mộc bản Trường Lưu có giá trị trong việc khai thác, nghiên cứu nhiều lĩnh vực: văn học, lịch sử, địa lý, kinh tế, chính trị, ngoại giao, giáo dục, kỹ thuật in ấn của Việt Nam. Đây là những trang tư liệu với thư pháp đẹp, tinh xảo, do các danh nhân họ Nguyễn Huy như: Nguyễn Huy Tựu, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Quýnh… sáng tạo, biên soạn và dùng làm tài liệu giảng dạy, truyền bá văn hóa cho học trò và người dân trong vùng.
Mộc bản được khắc với kỹ thuật thủ công truyền thống, khắc ván bằng âm bản tinh xảo trên cả hai mặt, chữ Hán và chữ Nôm được khắc nổi theo thể chân thư. Nếu Mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm là tàng thư liên quan đến hoạt động của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, Mộc bản lưu trữ ở Đà Lạt là tàng thư của triều đình Huế thời Nguyễn, thì bộ Mộc bản Trường Lưu là tàng thư và in ấn sách về giáo dục khoa cử.
Thơ văn chữ Hán trên hệ thống kiến trúc cung đình Huế là một loại hình di sản rất đặc biệt. Đây là một hệ thống di sản nằm trong di sản bao gồm hàng ngàn bài thơ, bài văn, câu đối được thể hiện trực tiếp bằng nhiều loại hình chất liệu khác nhau (gỗ, xà cừ, pháp lam, sành sứ...) trên công trình kiến trúc cung đình triều Nguyễn như một cách thức trang trí đặc biệt, chỉ riêng có tại Cố đô Huế.
Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa trong cả nước đều chung nhận định, hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là nét độc đáo, riêng có. Trải qua thời gian, dù phải chịu đựng sự tàn phá của chiến tranh, hiện nay trên kiến trúc cung đình Huế còn 2.967 ô thơ văn chạm khắc, sơn thếp, cẩn xà cừ trên gỗ; 146 ô thơ văn viết tráng men thành pháp lam; 88 đơn vị ô hộc, câu đối, bài văn đắp ngõa sành sứ. Nội dung của các áng thơ văn được khắc trên các công trình kiến trúc rất phong phú, nhiều chủ đề.
Xứng đáng được công nhận
Ngày 19/5 vừa qua, hai di sản Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế và Mộc bản trường học Phúc Lưu (Hà Tĩnh) đã nhận danh hiệu Di sản Tư liệu Thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Ngay sau khi hai di sản được vinh danh, trả lời báo chí về vấn đề này Tổng Thư ký Ủy ban UNESCO Việt Nam ông Phạm Sanh Châu cho biết, tuy rằng lần này Hội nghị của MOWCAP (Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương thuộc UNESCO) diễn ra ở Việt Nam, nhưng không có nghĩa là Việt Nam có lợi thế sân nhà, mà việc hai di sản nói trên được công nhận là hoàn toàn xứng đáng.
Theo ông Phạm Sanh Châu, với hồ sơ Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế để tránh việc nhiều người nghĩ đây là những thông tin có nội dung mô tả ca ngợi kiến trúc cung đình, đại diện Việt Nam đã phải trình bày ngắn gọn, nhưng thuyết phục rằng đây là hình thức di sản trong di sản và đó là hệ thống những giá trị và tư tưởng vô cùng phong phú về ước vọng thái bình thịnh trị, về tình cảm với vùng đất cố đô, về chính sách nông nghiệp hay đời sống nhân dân của vương triều Nguyễn.
Còn với Mộc bản trường học Phúc Lưu vì Việt Nam trước đó đã có 2 mộc bản được UNESCO vinh danh là Mộc bản triều Nguyễn và Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm nên để thuyết phục Hội đồng, giá trị nội dung của bộ mộc bản này đã được đại diện Việt Nam nhấn mạnh. Đó là bộ mộc bản của một dòng tộc Nho học và cho thấy truyền thống hiếu học đặc biệt trong lịch sử Việt, dạy người học biết cống hiến cho xã hội, sống có nhân cách, hòa hợp cộng đồng. Đây cũng là những tiêu chí mà UNESCO thường đề cao.
Được biết, cả hai hồ sơ Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế và Mộc bản trường học Phúc Lưu đã nhận được số phiếu thông qua tuyệt đối từ Hội đồng xét duyệt. Như vậy, có thể nói, kể từ giờ phút này Việt Nam đã có 6 Di sản Tư liệu thuộc chương trình Ký ức Thế giới. Đây là niềm vui nhưng cũng đồng thời đặt lên vai các nhà quản lý văn hóa, bảo tồn, địa phương có di sản… trách nhiệm lớn lao trong việc bảo tồn và phát huy tính giá trị của di sản.
Bài thơ thể hiện tư tưởng độc lập nơi 13 đời vua triều Nguyễn lên ngôi
Theo Tiến sỹ Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế nội dung của các áng thơ văn được khắc trên các công trình kiến trúc cung đình Huế rất phong phú, nhiều chủ đề. Về chủ đề độc lập thống nhất Tổ quốc, có một bài thơ rất tiêu biểu mà người ta xem như một bài tuyên ngôn của triều đại nhà Nguyễn, được đặt ngay gian giữa điện Thái Hòa - nơi cả 13 đời vua đều lên ngôi tại đây, có 4 câu: “Văn hiến thiên niên quốc - Xa thư vạn lý đồ - Hồng Bàng khai tịch hậu - Nam phục nhất Đường, Ngu”, tức là “Đất nước ta có văn hiến ngàn năm - Nước ta có bờ cõi mênh mông vạn dặm - Từ thời Hồng Bàng mở nước đến nay - Cõi Nam đã khôi phục một quốc gia hùng mạnh như thuở Đường, Ngu bên Tàu”. Có thể nói, đó là bài thơ thể hiện tư tưởng độc lập, thống nhất và cho rằng nước Nam ta không thua kém quốc gia nào, là một nước độc lập, tự chủ, hùng cường ở phương Nam này.