Chùa Vĩnh Nghiêm tọa lạc nơi có vị trí cảnh quan đẹp, đúng thế đất phong thủy của người xưa “đầu gối sơn, chân đạp thủy” là ngôi chùa rất nổi tiếng của Việt Nam, mang giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc tiêu biểu, đặc sắc.
Tương truyền, chùa Vĩnh Nghiêm được khởi dựng vào thời Lý (thế kỷ XI), được tôn tạo và trở nên nổi tiếng vào thế kỷ XIII gắn liền với sự ra đời và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, với thân thế và sự nghiệp của ba vị Tam tổ Trúc Lâm là Đức vua – Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang, những anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu nổi tiếng trong lịch sử.
Đặc biệt, tại chùa Vĩnh Nghiêm còn lưu giữ 3.035 mộc bản với 34 đầu sách này được coi như là bảo vật quốc gia với nhiều giá trị tư liệu, lịch sử, nghệ thuật, văn hóa vô giá. Đó là những trang sách bằng gỗ được các vị sư tổ Thiền phái Trúc Lâm ở chùa Vĩnh Nghiêm cho khắc tạc từ những năm giữa thế kỷ XVIII (triều vua Lê Cảnh Hưng) đến đầu thế kỷ XX. Năm 2012, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã được tổ chức UNESCO ghi danh là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Từ khi phát hiện ra mộc bản, các chuyên gia nhìn nhận được tầm quan trọng của việc bảo vệ giá trị di sản to lớn này nhằm trong tương lai có thể phát huy được hiệu quả giá trị nội dung thông tin của hiện vật và bảo vệ mộc bản cũng là một trong những nhiệm vụ cấp bách. Bởi điều kiện lý tưởng bảo quản mộc bản là nhiệt độ từ 19 đến 24 độ C, độ ẩm từ 45 đến 55%, trong khi đó khí hậu, môi trường vùng nhiệt đới, nóng và độ ẩm cao như ở Yên Dũng nếu không có phương pháp bảo quản đúng cách thì mộc bản bị mục, sứt mẻ, nấm mốc, cong vênh là khó tránh khỏi.
Bởi vậy, việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm có vai trò hết sức quan trọng nhằm giáo dục ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc đồng thời khẳng định vị thế của tư tưởng Thiền phái Trúc Lâm nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung.
Vào ngày 20/3/2016 vừa qua, tại ngôi chùa có bề dầy lịch sử này, UBND tỉnh Bắc Giang đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt cho chùa Vĩnh Nghiêm. Liên quan đến chùa Vĩnh Nghiêm, một trong những trọng trách của tỉnh Bắc Giang là cần khẩn trương lập Quy hoạch tổng thể bảo tồn, xây dựng kế hoạch tu bổ, tôn tạo di tích để bảo vệ và phát huy bền vững giá trị di tích.
Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, làm rõ giá trị di tích chùa Vĩnh Nghiêm gắn với quần thể di tích và danh thắng Yên Tử thuộc dãy núi Yên Tử hùng vĩ để lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản Thế giới những năm tới và tổ chức tuyên truyền sâu rộng giá trị văn hóa lịch sử, khoa học và thẩm mỹ của di tích với cách làm sáng tạo phát huy toàn diện giá trị chùa Vĩnh Nghiêm để nơi đây trở thành điểm đến có sức thu hút lớn du khách trong và ngoài nước.
Khởi công công trình Nhà lưu giữ và trưng bày mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm. |
Khởi công công trình Nhà lưu giữ và trưng bày mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm
Đứng trước nhiệm vụ bảo tồn di sản mộc bản nhằm giữ gìn văn hóa quý giá trường tồn với thời gian, sáng qua (25/4) tại chùa Vĩnh Nghiêm đã diễn ra lễ khởi công và phát mộc công trình Nhà lưu giữ và trưng bày mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm. Đến dự lễ khởi công có Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Linh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Văn Hạnh, Thượng tọa Thích Thiện Văn - Ủy viên Hội đồng trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban trị sự giáo hội phật giáo tỉnh Bắc Giang, Viện chủ Tổ đình Vĩnh Nghiêm và đông đảo tăng ni Phật tử, người dân tỉnh Bắc Giang.
Nhà lưu giữ và trưng bày mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm hoàn thiện, đi vào hoạt động không chỉ góp phần giữ gìn, bảo quản và phát huy giá trị to lớn của mộc bản - di sản tư liệu thế giới mà còn làm cho quần thể di tích, di sản hoàn thiện, linh thiêng hơn, đáp ứng nguyện vọng, mong mỏi của các chư tăng, phật tử, nhân dân, chính quyền địa phương và cũng là báo đáp công đức của các vị Trúc Lâm Tam Tổ đã xây dựng lên Trường Đại học phật giáo đầu tiên của Phật giáo Việt Nam.
Theo đó, công trình nhà lưu giữ và trưng bày mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm với kiến trúc kiểu tàu đao bốn mái, thượng chồng rường cốn mê, hạ con trồng xà nách bẩy, nhiều hạng mục được chạm khắc trang trí hoa văn theo lối truyền thống của đình, chùa cổ như hoa sen, hoa lá tây, tứ quý; vách đố lụa bằng gỗ; mái lợp ngói mũi hài phục chế.