Báo nháo máy lọc nước
Từ các cửa hàng bán lẻ tới các trung tâm thương mại, sản phẩm máy lọc nước rất đa dạng với nhiều mẫu mã, chủng loại, xuất xứ, đồng thời giá cả cũng chênh lệch từ vài triệu đến cả chục triệu đồng. Tại một cửa hàng trên Đường Láng (gần Ngã Tư Sở), người quản lý giới thiệu một số nhãn hiệu, như Geyser, Jenpec, Kangaroo, Karofi, Hyundai, AO Smith, Dr Sukida... có cả sản phẩm nhập khẩu lẫn lắp ráp trong nước, với giá từ 4 triệu đến hơn 10 triệu đồng, tùy công suất và số lượng tầng lọc.
Trong khi chất lượng nguồn nước sinh hoạt tại nhiều nơi chưa thực sự bảo đảm, máy lọc nước là một trong những mặt hàng có sức hút trên thị trường. Nhưng đứng trước "ma trận" máy lọc nước, việc lựa chọn sản phẩm đạt tiêu chuẩn vô cùng khó khăn. Không ít người nhận phải quả lừa, như bà Phạm Bích Liên (xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) đã nghe lời quảng cáo của chủ cửa hàng và tận mắt nhìn trên thân bình máy lọc nước in dòng chữ màu xanh Lọc được vi khuẩn, vi rút. Uống được ngay, bà Liên yên chí đưa trực tiếp nước giếng khoan vào lọc lấy nước cho cả nhà uống. Hậu quả là đứa cháu gái 7 tuổi của bà bị tiêu chảy ngay trong đêm hôm đó.
Theo tiết lộ của một thợ lắp đặt một hãng uy tín, hiện trên thị trường chỉ có một số máy lọc nước có nguồn gốc rõ ràng, như Geyser, Sunny (Nga), Coway (Hàn Quốc), Kangaroo, hay Karofi, còn lại đều là hàng lắp ráp với giá thành rẻ. Lý do, thuế nhập khẩu linh kiện thấp hơn thuế nhập khẩu nguyên máy nên cho giá thành hạ xuống. Khi lắp ráp, có thể bố trí thêm các lõi và tầng lọc theo nhu cầu người dùng.
Nhưng trong quá trình lắp ráp, các linh kiện cũng dễ dàng bị đánh tráo bằng hàng nhái, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.
Cùng với đó, nhiều cơ sở còn làm nhái nhãn mác gần giống với những thương hiệu nổi tiếng của bình nước nóng, khiến người tiêu dùng lầm tưởng, nhưng thực tế các hãng này không hề có sản phẩm máy lọc nước. Phổ biến nhất là người tiêu dùng thường bị đánh lừa bởi các dòng chữ tiếng Anh, kiểu như “Member: Reverse Osmosis Filmtec – USA”. Đọc qua dòng chữ này nhiều người tưởng là máy được sản xuất ở Mỹ, nhưng thực chất nó chỉ có nghĩa máy lọc nước do nhà khoa học Mỹ Orirajin phát minh năm 1950. Nhìn chung, máy lọc nước không rõ xuất xứ nên không có cơ quan nào bảo đảm độ an toàn và kỹ thuật.
Người tiêu dùng khó phân biệt máy lọc nước thật hay giả. |
Cần kiểm soát chặt chẽ
Thêm nữa, chất lượng nước đạt tiêu chuẩn hay không cũng rất mập mờ. Theo quy định của Bộ Y tế, QCVN 01:2009/BYT là quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống, áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình khai thác nước ăn uống, bao gồm cả các cơ sở cấp nước tập trung cho mục đích sinh hoạt, có công suất từ 1.000m3/ngày đêm trở lên. Còn QCVN 6-1- 2010/BYT là quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai, đòi hỏi nhiều yếu tố về chất lượng hơn, như phải tách các thành phần không bền vững, các hợp chất có chứa sắt, mangan, sulfide hoặc asen bằng cách gạn hoặc lọc; trong một số trường hợp cần thiết có thể xử lý nhanh bằng phương pháp sục khí trước... Đối với máy lọc nước sử dụng trực tiếp, bắt buộc phải áp dụng tiêu chuẩn QCVN 6-1- 2010/BYT, thế nhưng lợi dụng sự thiếu hiểu biết nên nhiều cơ sở đang đánh lận giữa hai quy chuẩn.
Đã đến lúc cơ quan quản lý cần siết chặt việc kiểm soát sản phẩm máy lọc nước nhằm ngăn ngừa, loại bỏ những sản phẩm kém chất lượng, cơ sở làm ăn gian dối, bảo vệ những cơ sở kinh doanh chân chính và người tiêu dùng. Máy lọc nước không bảo đảm chất lượng, quy chuẩn, sẽ cho ra sản phẩm không an toàn, không khác gì thực phẩm “bẩn” làm tổn hại sức khỏe của cộng đồng.