Lễ hội Lam Kinh (Thanh Hóa) gắn với câu chuyện cảm động Lê Lai liều mình cứu chúa và những câu chuyện về các trung thần trong cuộc kháng chiến vĩ đại chống quân Minh.
Lễ hội Lam Kinh được tổ chức hàng năm vào ngày 22 tháng 8 âm lịch (ngày giỗ của vua Lê Thái Tổ) tại di tích Lam Kinh thuộc huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá - nơi an táng vua Lê Thái Tổ, thu hút hàng vạn người dân tham dự.
Theo sử sách, vua Lê Thái Tổ băng hà vào ngày 22/8 (âm lịch) năm Quý Sửu (1433) và thi hài được đưa về an táng tại đất Lam Sơn. Vùng đất này còn là nơi an táng của các vua, hoàng hậu triều Lê Sơ và trở thành sơn lăng của nhà Lê Sơ. Ðể thuận lợi cho việc cáo yết tại lăng miếu, các triều vua đã cho dựng điện và các tòa Thái miếu để thờ cúng.
Vì vậy, Lam Sơn được gọi là Lam Kinh. Trước giỗ vua Lê một ngày, người dân đã làm giỗ tưởng nhớ vị tướng trung quân Lê Lai nên có câu “hai mốt Lê Lai, hai hai Lê Lợi”. Lý giải việc tướng Lê Lai giỗ trước vua Lê một ngày là câu chuyện cảm động về vị tướng trung quân, liều mình cứu chúa.
Trung thần Lê Lai quên mình cứu chúa
Theo sử sách, trong giai đoạn đầu của khởi nghĩa Lam Sơn do Bình Định vương Lê Lợi lãnh đạo, lực lượng nghĩa quân còn ít, thế giặc lại mạnh. Nghĩa quân nhiều lần rơi vào thế bị bao vây tưởng chừng tan vỡ. Ba lần rút lên núi Chí Linh là ba lần tuyệt nguồn lương thực, tưởng không thể chống đỡ nổi. Trong Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi từng tái hiện giai đoạn lịch sử gian khó này bằng những câu thơ nổi tiếng: “Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần/Khi Khôi huyện quân không một đội”.
Năm 1419, quân khởi nghĩa rút lên núi Chí Linh (thuộc miền Tây Thanh Hóa) lần thứ hai, quân giặc bao vây chặt, nghĩa quân hết lương ăn, phải ăn thịt cả con ngựa chiến cuối cùng. Để đánh lạc hướng quân giặc, duy trì cuộc khởi nghĩa, Lê Lai đã mặc áo hoàng bào giả làm chủ tướng Lê Lợi, cùng với 500 quân cảm tử xuống núi quyết chiến với quân Minh. Giặc bắt được Lê Lai tưởng là Lê Lợi nên rút quân khỏi núi Chí Linh, nhờ vậy cứu nguy cho quân khởi nghĩa. Tấm gương hi sinh của Lê Lai mãi được nhà Lê ghi nhớ.
Lễ hội Lam Kinh được UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức thường xuyên từ năm 1995 đến nay với quy mô hoành tráng. Phần lễ được thực hiện theo đúng nghi thức cổ truyền, tái hiện nhiều sự kiện trọng đại thời Lê như: Màn trống hội (biểu diễn đánh trống đồng và trống da các loại), cờ hội, rước kiệu; đặc biệt là những nghi thức tế lễ từ thời vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông truyền lại. Phần hội sẽ là các chương trình nghệ thuật tái diễn các sự kiện như: Hội thề Lũng Nhai, Lê Lai cứu chúa, giải phóng thành Đông Quan, vua Lê Thái Tổ đăng quang, Phát huy hào khí Lam Sơn…
Trong các ngày diễn ra lễ hội còn có những trò chơi, trò diễn truyền thống của xứ Thanh. Lễ hội mang đậm nét văn hóa dân gian truyền thống tạo nên dấu ấn của một vùng đất anh hùng, đồng thời góp phần bảo tồn nền văn hoá của dân tộc.
Năm 1428 ngay sau khi lên ngôi Hoàng đế, Lê Lợi đã truy tặng cho Lê Lai là Đệ nhất Khai quốc công thần, soạn hai bài văn thề mãi mãi ghi nhớ công lao của Lê Lai. Trước khi mất Lê Lợi dặn lại vua nối ngôi Trần Thái Tông rằng: “Ta có được ngày hôm nay là nhờ có Lê Lai. Do ngày mất của Lê Lai không rõ nên sau khi ta chết phải làm giỗ cho Lê Lai trước khi làm giỗ cho ta một ngày”.
Ngày 22 tháng 8 năm 1433, vua Lê Thái Tổ băng hà. Thuận theo lời trăng trối của vua Lê, từ đó ngày giỗ Lê Lai được tổ chức trước ngày giỗ vua Lê Thái Tổ một ngày. Dân gian Thanh Hóa nay có câu “Hai mốt Lê Lai, hai hai Lê Lợi” bắt nguồn từ việc này.
Câu chuyện cảm động về người đã hy sinh thân mình cứu chủ tướng Lê Lợi thoát khỏi vòng vây của quân Minh, về tấm lòng trung quân, chí khí cao cả, cương trực, giàu lòng yêu nước căm thù giặc. Để tưởng nhớ người có công với dân tộc, với giang sơn xã tắc và sự trân trọng ngưỡng mộ, triều Lê và nhân dân đã xây dựng đền thờ Lê Lai trên đất Kiên Thọ vào năm Thái Hòa thứ 7 triều vua Lê Nhân Tông (1450). Đền nằm trên sườn đồi phía trước là hồ sen thơm ngát, xa xa là cánh đồng dài bất tận tạo nên với vị trí đẹp mà theo thuyết phong thủy là đất tụ linh, tụ phúc, hổ chầu, long tụ. Đền thờ trung thần Lê Lai nằm trong quần thể khu di tích Lam Kinh đã được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia, nơi tưởng nhớ vị tướng tài đã có công lao to lớn với nhân dân và triều đình được sử sách ghi nhận, nhân dân tôn kính.
Đền thờ Lê Lai. |
Huyền thoại bà chúa Dầu
Góp phần làm nên chiến thắng cuộc kháng chiến chống quân Minh, không chỉ có những trung thần, nghĩa sĩ mà cả những người dân thường cũng dũng cảm phi thường, sau này được phong thần, được người đời sau truyền tụng. Đơn cử như câu chuyện huyền thoại về bà chúa Dầu.
Ở Lam Kinh có ngọn núi Dầu là một trong những vị trí rất quan trọng làm hậu chẩm cho toàn bộ khu trung tâm điện miếu, từng đi vào áng thiên cổ hùng văn “Bình Ngô Đại cáo” của Nguyễn Trãi: “Ta đây- núi Lam Sơn dấy nghĩa, chốn hoang dã nương mình”. Núi Lam Sơn - nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa Lam Sơn nay được gọi với cái tên là núi Dầu. Truyền thuyết kể rằng: Khi Lê Lợi chuẩn bị khởi nghĩa, ông đã tìm ngọn núi ở gần vùng đất Lam Sơn, cho quân đêm đêm đốt đèn trên núi để chiêu quân. Đèn thắp đêm này qua đêm khác để cho nghĩa sĩ bốn phương biết hướng tìm về Lam Sơn tụ nghĩa.
Dầu thắp đèn cần dùng rất nhiều nên phải có người thường xuyên tiếp tế. Do quân Minh bao vây, chặn các ngả đường nên việc tiếp tế dầu thắp, quân lương gặp nhiều khó khăn, hao tổn không biết bao xương máu. Tương truyền, quân Minh gặp bất kì một người đàn ông nào ngược núi đều nghi là người của nghĩa quân và đem sát hại, giết nhầm hơn bỏ sót.
Trong hoàn cảnh đó, có một người đàn bà ở dưới xuôi liều mình lên núi đem dầu bán cho trại chủ Lam Sơn. Không ai biết tên bà là gì, chỉ biết bà bán dầu nên quen gọi là bà Dầu. Để giữ bí mật, Lê Lợi cho quân chỉ mua dầu của người đàn bà ấy. Bà hàng dầu ngày ngày gánh dầu cùng nhu yếu phẩm lên tiếp tế cho nghĩa quân, quân Minh dò biết đã đón đường bắt được bà. Chúng dùng đủ cực hình tra khảo nhưng bà không tiết lộ bí mật, cuối cùng chúng đã giết bà.
Sau khi bà hàng dầu bị giết, có một thời gian quân không đủ dầu thắp, ngọn đèn trên núi không còn le lói như xưa. Lê Lợi biết tin cảm động về lòng yêu nước của bà hàng dầu, nhớ ơn bà, vị chủ tướng sai nghĩa quân đem thi hài của bà về núi Lam Sơn để an táng, đặt tên cho ngọn núi ấy là núi Dầu.
Hiện núi Dầu cách khu di tích Lam Kinh 2km, trên núi có một miếu nhỏ thờ bà chúa Dầu, khách thập phương hành hương đến Lam Kinh thắp hương cho bà Dầu vừa để tưởng nhớ tấm lòng trung trinh của người liệt nữ, vừa để cầu cho bản thân và gia đình giàu có, thịnh vượng. Với người dân xứ Thanh, miếu bà Dầu tương tự như đền bà chúa Kho, được người dân đến xin tài lộc, ngân khố.
Đền Ngọc Lan - trạm chiêu binh của nghĩa quân Lam Sơn
Cách Lam Kinh khoảng 1km là di tích Chiêu Anh Quán - Đền Ngọc Lan, một ngôi đền nhỏ đã gắn liền với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công.
Ngược dòng lịch sử, thời Lê Lợi khởi binh Chiêu Anh Quán - Đền Ngọc Lan chính là nơi trạm canh gác, nơi chiêu binh đầu tiên trước khi quân sỹ vào Lam Sơn. Trạm canh được chủ tướng Lê Lợi giao cho một thôn nữ tài trí mưu lược, sắc nước hương trời, giả mở quán bán hàng nước dưới gốc cây Ngọc Lan để che mắt quân Minh. Đây đồng thời là trạm đưa tin, dò la các hoạt động của giặc để kịp báo cho nghĩa quân Lam Sơn. Quán nước cũng là một cơ sở bí mật lựa chọn tuyển mộ binh lính trong vùng cho chủ tướng Lê Lợi.
Thanh niên trai tráng muốn đầu quân thì tới đây đăng ký tên tuổi để trình lên các tướng lĩnh, sau đó mới được vào vòng trong huấn luyện để gia nhập nghĩa quân Lam Sơn. Với những công trạng của mình, sơn nữ ấy đã giúp Lê Lợi có những người tôi trung, chung sức làm nên chiến thắng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Khi qua đời, cô được sắc phong là công chúa Ngọc Lan, được nhân dân lập đền thờ để tỏ lòng nhớ ơn. Nơi đây vua Lê cũng đặt bàn thờ bảy vị công thần của nhà Lê: Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Xí…
Chiêu Anh Quán - Đền Ngọc Lan đã được xây dựng và tôn tạo khang trang hơn, dưới tán cây ngọc lan ngôi đền đẹp, linh thiêng và huyền ảo. Đền Ngọc Lan được người dân xem như một ngôi đền thờ Thánh mẫu thiêng liêng. Năm 1962, đền Ngọc Lan được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia.