Ngôi đình văn hiến
Làng Vọng Nguyệt nằm bên bờ Nam sông Cầu, nơi đây có phong cảnh sơn thủy hữu tình, với một quần thể di tích đình, đền chùa nổi tiếng của đất Kinh Bắc. Theo cụ Bút (90 tuổi) người ở trong làng Vọng Nguyệt: Trước kia đình được xây dựng ở ngoài đê sông Cầu, trải qua thời gian, thiên tai lụt lội nên mới chuyển về vị trí như hiện nay. Trên dòng niên đại khắc bằng chữ Hán ở câu đầu thời (Hoàng triều Tự Đức 33 (1880) tức tháng 12 năm Canh Thìn niên Quý Đông) cũng ghi lại sự kiện này.
Cụ Bút cho biết: “Đình Vọng Nguyệt tọa lạc trên thế đất con rồng, có bình đồ kiến trúc chữ Đinh (J) gồm Tiền tế 3 gian, 2 chái. Đình được làm bằng gỗ lim hướng mặt về phía Đông, tòa Tiền tế 4 mái, 4 đao. Đình thờ Lý Đông Chinh, một vị quan trung thần, cương nghị chống lại mưu toan làm suy vong triều Lý”.
Đình Vọng Nguyệt có những nét chạm khắc tinh xảo mang đậm phong cách thời Nguyễn như: cốn, con rường, đầu dư, bẩy hiên, đề tài trang trí “tứ linh” và hoa lá cách điệu. Đặc biệt là hai bức cốn tại gian giữa được chạm bằng kỹ thuật nổi. Người thợ dân gian này đã thỏa sức thể hiện tài năng nghệ sỹ của mình với “rồng ngậm ngọc”, “long cuốn thủy”, “quy đồ thư”, “phượng vũ kỳ lân”, “phượng hàm thư”.
Trưởng thôn Vọng Nguyệt, ông Ngô Xuân Hồng cho biết: “Từ xưa đến nay, đình Vọng Nguyệt vẫn là nơi tụ họp để quyết định công việc của làng. Đây cũng là trung tâm chính trị, văn hóa, nơi diễn ra những sự kiện lớn, khắc ghi dấu ấn lịch sử. Bởi những tháng đầu năm 1945, tại sân đình đã diễn ra cuộc mít tinh của mấy nghìn người hưởng ứng cuộc khởi nghĩa vũ trang, lật đổ chế độ cũ, giành chính quyền về tay nhân dân, trong cao trào của Cách mạng Tháng Tám do Đảng ta lãnh đạo”.
Cũng theo ông Hồng, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đình còn là nơi sơ cứu thương binh sau trận đánh đồn Yên Phụ. Năm 1958, đình Vọng Nguyệt vinh dự được chọn là địa điểm diễn ra Đại hội Đảng bộ huyện Yên Phong. Năm 1963, đình lại là nơi diễn ra Hội nghị Thủy lợi toàn miền Bắc và Hội nghị Điện ảnh toàn quốc. Hiện tại gian bên trái của đình là nơi thờ bài vị của 8 đại khoa người làng Vọng Nguyệt (Tiến sỹ Hán học) trong các triều đại phong kiến Việt Nam. Gian bên phải thờ 54 liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của làng Vọng Nguyệt.
Hiện hệ thống cổ vật ở đình Vọng Nguyệt chỉ còn một bức hoành phi “Vạn thọ vô cương” và một ngai thờ niên đại thời Nguyễn, còn lại là các đồ thờ mới tạo tác. Đình Vọng Nguyệt chưa có tài liệu nào nói về sắc phong của các nhân vật được thờ ở đây. Theo truyền thuyết dân gian, thời nhà Lý tại đình đã thờ Lý Đông Chinh.
Bên cạnh kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc, đình Vọng Nguyệt còn thể hiện giá trị tinh thần đậm nét làng xã ở lễ hội truyền thống. Đã thành thông lệ, tại đình làng, đúng ngày Rằm tháng Giêng hàng năm, hơn 700 hội viên Hội Người cao tuổi trong thôn, chỉnh tề trong trang phục quần trắng, áo the, khăn xếp. Riêng các cụ từ 80 tuổi trở lên mang trang phục quần đỏ, áo đỏ, khăn xếp đỏ, dâng hương tưởng nhớ tiền nhân, chúc thọ cụ Thượng và các cụ cao niên trong làng.
Theo ông Hồng, hiện cứ 5 năm làng mới mở hội đình một lần. Xưa kia hội đình kéo dài trong 2 ngày, bắt đầu từ ngày mùng 3 đến hết ngày mùng 4 tháng Giêng. Để lo công việc của đình, từ trong năm làng cử 2 trong 8 giáp chuẩn bị mọi công việc cho ngày hội. Ngày mùng 3 làm lễ mở cửa đình. Mùng 4 chính hội, tổ chức tế lễ các vị thần tại đình, đội tế gồm có 2 ông quan đám làm chủ tế, 8 ông quan trung làm bồi tế và 20 quan viên tế. Ngoài ra hội còn có nhiều trò như đánh đáo, chọi gà, cờ người… đặc biệt nhất là tục “Giáo pháo bình thơ”.
Ngày nay lễ hội và tục “Giáo pháo bình thơ” ở đình Vọng Nguyệt không còn được tổ chức nghi lễ cầu kỳ nhưng những bài thơ “đệ nhất”, “đệ nhị”, “tứ dân” vẫn được nhân dân Vọng Nguyệt gìn giữ và bảo tồn. Thay vào đó là việc tổ chức lễ cầu thọ cho các cụ ở đình. Các cụ vẫn đọc các bài thơ kể trên với ước vọng cầu mong cho toàn thể dân làng một năm mới gặp nhiều may mắn, làm ăn tấn tới, mùa màng bội thu. Đây là nét đẹp của một làng khoa bảng giàu truyền thống nhân văn trên vùng đất cổ Kinh Bắc.
Ông Hồng cho biết thêm: “Hiện làng vẫn đang duy trì những hoạt động văn hóa, tinh thần có từ ngày xưa, bởi đình gắn liền với cây đa, bến nước và con người. Đối với các dòng họ, chúng tôi khuyến khích các cháu noi gương 8 vị khoa bảng trong các triều đại phong kiến. Hiện dòng họ Ngô Năm Chi, họ Nguyễn đang đi đầu trong việc khuyến học của làng. Với những giá trị nêu trên, ngày 15/1/2009 đình làng Vọng Nguyệt đã được UBND tỉnh Bắc Ninh xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa”.