Lạ lùng ở chỗ, dù lực lượng công an có mặt thì người thợ sắt vẫn chấp nhận đưa tiền “đền bù máy bơm” cho Tài. Vậy bị hại có thực sự lâm vào tình trạng “không thể tự vệ” và “tê liệt ý chí phản kháng” do hành vi “dùng vũ lực” của bị cáo?...
Bút tích của anh Tứ thể hiện việc đưa 1,7 triệu đồng sáng 1/3/12014 |
Sáng 28/2/2014, Tài thuê anh Lê Công Tứ và anh Nguyễn Văn Tạo (trú tại huyện Nho Quan, Ninh Bình) đến sửa mái tôn. Chiều cùng ngày, anh Tứ và anh Tạo đến nhà Tài lấy máy móc, đồ đạc để đi làm ở công trình khác. Sau khi anh Tứ và anh Tạo đi thì Tài phát hiện bị mất một máy bơm nước của Hàn Quốc, đã dùng được 5 tháng. Do trước đó, có người thấy anh Tứ vác một bao tải đi nên Tài cho rằng hai người thợ này là thủ phạm.
Theo CQĐT, ngay tại nhà mình, có sự chứng kiến của một người khách, một nhân viên kế toán và vợ mình, Tài đã đấm anh Tứ, anh Tạo rồi ép hai anh này viết giấy thừa nhận việc lấy trộm máy bơm đem bán. Do bị Tài đánh và cầm thanh nhíp sắt dọa đánh nên anh Tứ, anh Tạo phải viết giấy theo nội dung trên, xin để lại chiếc xe máy làm tin, hẹn hôm sau mang tiền đến để đền máy bơm. Sau khi viết giấy xong, hai anh được Tài đưa tiền để đi xe ôm.
Ngày 1/3/2014, sau khi mang 1,7 triệu đồng đến nhà Tài để đền máy bơm và lấy xe máy thì anh Tứ, anh Tạo làm đơn tố giác đến cơ quan công an rằng Tài có hành vi dùng vũ lực để chiếm đoạt tiền của mình. Ngay trong ngày hôm đó, Cơ quan CSĐT Công an TP.Điện Biên Phủ đã khám xét nhà và ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt Tài về tội “Cướp tài sản”.
Tự nguyện trở thành… nạn nhân?
Theo kết luận trên, quá trình phạm tội của Tài diễn ra trong thời gian khá dài, từ chiều 28/2 (thời điểm dùng vũ lực) đến sáng 1/3 (thời điểm nhận tiền) không có bất cứ hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực nào đối với anh Tứ, anh Tạo.
Đánh giá về nội dung trên, Luật sư Nguyễn Đình Khỏe (Văn phòng Luật sư Tràng Thi) có quan điểm, buộc Tài tội cướp tài sản thì CQĐT phải làm rõ bị cáo có hành vi “dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc…” và hành vi “chiếm đoạt tài sản”.
Quan trọng hơn, hai hành vi này phải có quan hệ nhân - quả, tức là việc bị cáo lấy được tiền, việc bị hại đưa tiền phải xuất phát từ việc bị hại lo sợ bị đánh. Đối chiếu với nội dung vụ án thì có thể thấy, việc vợ chồng anh Tứ giao 1,7 triệu cho Tài không phải là do sợ bị đánh mà là “tự nguyện” nhằm đền bù chiếc máy bơm cho Tài.
Nếu không tự nguyện hoặc bị ép buộc thì chắc chắc anh Tứ, anh Tạo đã đến cơ quan công an tố giác trước khi mang tiền đến cho Tài rồi. Anh Tứ, anh Tạo có đủ điều kiện làm điều này bởi trong cả hơn chục tiếng đồng hồ, hai anh hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của Tài, không hề bị Tài dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực.
Một chi tiết nữa cho thấy việc giao 1,7 triệu đồng trong hoàn cảnh không bị đe dọa, đánh đập là sáng 1/3, Tài không ở nhà, nhưng anh Tứ vẫn tự nguyện viết giấy với nội dung “vì sự việc ngày hôm qua, hai anh em chúng tôi lấy của chú Tài chiếc máy bơm đi bán. Chúng tôi đã đến nhà chú Tài nhận lỗi và hoàn trả tiền cho chú Tài. Vì hôm qua không có tiền nên tôi để lại chiếc xe máy của tôi để làm tin với chú Tài. Hôm nay tôi mang tiền đến để trả cho chú Tài và mang xe về…”.
Cùng quan điểm như Luật sư Khỏe, Luật sư Bùi Như Đỗ cho hay: “Làm gì có chuyện đi cướp mà lại hẹn giờ để bị hại đưa tiền; hôm nay dùng vũ lực, ngày mai mới chiếm đoạt; hôm nay bị đánh, ngày mai mới mang tài sản đến nộp cho người đánh mình rồi bảo bị cướp là vô lý”.
Luật sư Đỗ còn cho rằng, để xác định bị cáo Tài có hành vi cướp tài sản hay không thì bắt buộc phải làm rõ hành vi “dùng vũ lực” hoặc “đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc” của bị cáo có khiến cho bị hại “lâm vào tình trạng không thể tự vệ được” hay không?
Diễn biến vụ này cho thấy, ngay cả khi có 3 cán bộ Công an phường Tân Thanh đến nhà Tài để can thiệp, giải quyết vào chiều tối 28/2 (lúc anh Tạo và anh Tứ vừa viết giấy thừa nhận chuyện lấy máy bơm và xin để xe máy lại- PV) thì anh Tứ và anh Tạo vẫn không tố cáo việc mình bị cướp và một mực xin công an cho giải quyết dân sự. Đến sáng hôm sau, vợ chồng anh Tứ còn tự nguyện đến đưa cho gia đình Tài 1,7 triệu đồng. Rõ ràng, nếu bị ép buộc đưa tiền thì bị hại có thừa điều kiện để tự vệ, chống lại sự uy hiếp của bị cáo”.
Không chỉ “xin giải quyết dân sự” khi ở nhà Tài vào tối 28/2 mà ngay tại trụ sở Công an phường Tân Thanh (có rất đông cán bộ, chỉ huy công an phường) thì anh Tạo, anh Tứ cũng không tố cáo cái gọi là hành vi “cướp tài sản” của Tài. Thậm chí, lợi dụng lúc cán bộ công an đang làm việc với Tài thì hai anh này còn bỏ ra ngoài và…đi về nhà.
“Cứ cho rằng anh Tạo, anh Tứ sợ Tài nhưng chẳng lẽ hai anh này sợ cả lực lượng công an đến nỗi khi được công an động viên mà vẫn không dám tố cáo việc mình bị cướp. Chẳng có vụ cướp nào mà khi nó đang diễn ra thì bị hại lại từ chối sự hỗ trợ của công an cả. Nếu coi đây là một vụ cướp thì có lẽ đây là vụ cướp khôi hài nhất ở Việt Nam”- Luật sư Đỗ phát biểu.
Chưa điều tra toàn diện và triệt để
VKSND TP.Điện Biên Phủ cho biết: “CQĐT đã và đang làm rõ nguyên nhân, điều kiện, động cơ phạm tội…và các vấn đề liên quan trong vụ án”. Tuy nhiên, mới đây cơ quan này lại có văn bản trả lời luật sư “đến nay chưa chứng minh được ai là người trộm cắp máy bơm của gia đình Tài”.
Về việc này, Luật sư Nguyễn Đình Khỏe cho rằng việc Tài nghi vấn anh Tạo, anh Tứ lấy trộm máy bơm là có cơ sở. Vì vậy, có điều tra, làm rõ thủ phạm vụ trộm thì mới có thể thấy rõ được nguyên nhân, động cơ, mục đích lấy 1,7 triệu đồng của bị cáo.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com