Chỉ hơn tháng nữa, Hiệp định vay vốn đối với Dự án phát triển hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long (WB5) sẽ đóng lại. Vì thế, trong những ngày này, dưới sự chỉ đạo của đại diện chủ đầu tư - Ban Quản lý các Dự án đường thủy, Bộ Giao thông Vận tải (PMUW), tất cả các nhà thầu xây lắp đang thực hiện những cú “bắt tốc độ” cuối cùng để “về đích”.
Nhiều “nút thắt” được tháo gỡ
Còn nhớ thời điểm này năm ngoái, hầu khắp các công trường của Dự án WB5 tiến độ rất ì ạch, nhưng sau khi Bộ GTVT sắp xếp lại tổ chức của đại diện chủ đầu tư, đầu năm 2015 ông Lê Huy Thăng được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc PMUW, đồng thời lãnh trách nhiệm trực tiếp chỉ huy dự án nên WB5 đã “vãn hồi” tiến độ.
Các “nút thắt” trên công trường như Gói thầu NW-16 (cầu An Hòa), NW-19 (cầu Nguyễn Văn Tiếp), NW-12, 13 (nạo vét và nâng cấp hành lang đường thủy số 3), NW-14 (một số công trình ở âu Rạch Chanh)… đã được PMUW chấn chỉnh và bắt đầu tăng tốc thi công trên hiện trường. Đơn cử ở khu vực âu Rạch Chanh - một hạng mục trước từng bị Bộ GTVT “soi” liên tục do nhiều lần thất hứa về tiến độ thì nay đã thi công đạt hơn 90% khối lượng.
“Tại đây, chúng tôi đảm nhận một số hạng mục quan trọng như xây dựng âu tàu và trung tâm điều khiển. Trong quá trình thi công, mặt bằng cũng có vướng, nhưng khó nhất vẫn là việc xử lý nền đất yếu. Với địa hình sông nước nên việc đắp đê quai bảo vệ thi công cho âu tàu phía trong thường xuyên bị đe dọa, nhưng sau nhiều tháng PMUW nỗ lực chỉ đạo, nhà thầu dồn lực, đến thời điểm này mọi việc cơ bản được tháo gỡ”, ông Nguyễn Trung Trí - Phó Tổng Giám đốc TCty CP xây lắp dầu khí nói.
Theo Tổng Giám đốc PMUW Lê Huy Thăng, cuối tháng 10/2015 hệ thống xi lanh, bơm thủy lực… đã được nhập khẩu từ Đức, Italia về Việt Nam. Sau khi hoàn thành cửa phai tại âu, hệ thống xi lanh đang trong giai đoạn được gắn lắp tại công trình và chuẩn bị vận hành thử. Tiếp đó, nhà thầu sẽ thi công phần cảnh quan trên bờ ven âu. Dự kiến cuối tháng 11/2015, toàn bộ hạng mục này sẽ hoàn thành.
Vốn có nhưng khó giải ngân
Cũng như các dự án giao thông khác, đại diện chủ đầu tư chỉ có thể phối hợp với nhà thầu kiểm soát tiến độ nếu đó là những vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết, còn những trở ngại liên quan đến mặt bằng thì dù có cố cũng chưa chắc đạt được kết quả như mong muốn.
“Tôi lấy ví dụ tại “nút thắt” cầu Chợ Đệm (Gói thầu NW-18) ở TP HCM, địa phương hứa với Bộ GTVT sẽ bàn giao mặt bằng vào cuối tháng 12/2014 và mới đây là tháng 5/2015…, nhưng đến tận giờ này, mặt bằng vẫn chưa có. Trong khi theo hợp đồng, cuối tháng 9/2015 công trình này phải hoàn thành”, ông Trần Quốc Bảo - Phó Tổng Giám đốc PMUW nói.
Trao đổi với phóng viên, ông Mai Xuân Hưng - Phó Giám đốc Cty CP tư vấn và xây dựng Phú Xuân (đơn vị thi công cầu Chợ Đệm) cho hay: “Do không có mặt bằng nên đến ngày 22/10/2015, chúng tôi mới bắt đầu lắp được những phiến dầm đầu tiên. Trong quá trình làm, mặc dù không phải trách nhiệm của nhà thầu nhưng có thời điểm đơn vị phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng hỗ trợ riêng cho bà con để lấy mặt bằng thi công, nhưng tới nay vẫn gặp trở ngại tại một số vị trí, trong khi kế hoạch gác dầm phải kết thúc vào cuối tháng 10/2015”.
Được biết, năm 2013 vốn phục vụ việc đền bù giải phóng mặt bằng cho hạng mục nói trên đã được chuyển về Kho bạc Nhà nước huyện Bình Chánh, nhưng sau đó không thể giải ngân do suốt hơn hai năm qua, công tác giải phóng mặt bằng cầu Chợ Đệm và dọc hành lang đường thủy số 2 đoạn qua TP HCM vẫn chưa “chốt” được. Theo thông tin PLVN mới cập nhật, hiện UBND huyện Bình Chánh mới niêm yết quyết định phê duyệt phương án bồi thường và thu hồi đất.
Theo cam kết với Ngân hàng Thế giới, ngày 31/12/2015 Dự án WB5 sẽ phải chấm dứt toàn bộ. Tuy nhiên, do những trở ngại nói trên nên Gói thầu NW-18 đã được gia hạn thêm 5 tháng. Đại diện chủ đầu tư và nhà thầu khẳng định công trình cầu Chợ Đệm kết thúc sớm hay muộn phụ thuộc rất lớn vào sự quyết liệt của chính quyền địa phương cũng như sự ủng hộ từ phía người dân.