Xác nhận có “ì ạch”
Như PLVN đã thông tin, Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long được triển khai bằng nguồn vốn vay trị giá hàng trăm triệu USD từ Ngân hàng Thế giới đang có nguy cơ “lụt” tiến độ trong khi hạn chót đóng Hiệp định tín dụng với nhà tài trợ đang cận kề (31/12/2015).
Ông Nguyễn Văn Thể, Thứ trưởng Bộ GTVT - người trực tiếp theo dõi, chỉ đạo dự án này đã phải đưa ra nhiều biện pháp mạnh để “giải cứu” tiến độ. Đặc biệt, trong cuộc họp tổ chức hôm 14/9, Thứ trưởng Thể đã rất kiên quyết: “Trong thời gian tới, nếu tiến độ dự án vẫn không cải thiện, các tồn tại, vướng mắc của dự án vẫn chưa được giải quyết, Bộ GTVT sẽ chấn chỉnh Ban Quản lý các dự án đường thủy thông qua công tác tổ chức cán bộ”.
“Tôi xác nhận hồi cuối năm ngoái, dự án rất ì ạch do Ban có sự xáo trộn và sắp xếp lại về mặt cơ cấu tổ chức. Gần đây, có 6 gói thầu chậm, trong đó một số gói vướng mặt bằng, nhưng đang từng bước được tháo gỡ. Có lẽ lãnh đạo Bộ chỉ đạo như vậy là vì vấn đề đó, chứ gần đây công tác thi công vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát, thậm chí có lúc đạt và vượt yêu cầu chung...”, ông Lê Huy Thăng - Tổng Giám đốc Ban Quản lý các dự án đường thủy cho biết hôm qua (29/9).
Chi 1 tỷ thuê máy bay vận tải
Trong số 6 gói thầu “rùa bò” được chỉ ra tại cuộc họp kiểm điểm tình hình dự án mới đây, khu vực âu Rạch Chanh vẫn được xác định là một “điểm nóng” về tiến độ, bởi trước đó nhà thầu Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) đã cam kết với Bộ GTVT đến ngày 31/7/2015, hệ thống xi-lanh sẽ được vận chuyển về chân công trình để lắp đặt, nhưng đến nay lời hứa trên vẫn chưa được thực hiện.
“Xi-lanh là một loại thiết bị siêu trường, siêu trọng phải nhập ngoại. Dự kiến ban đầu là sẽ về bằng đường biển, nhưng trước yêu cầu cấp bách về tiến độ, nhà thầu đã thống nhất với chúng tôi sẽ chi thêm khoảng hơn 1 tỷ đồng để thuê máy bay vận tải đưa các xi-lanh này về nước sớm hơn dự kiến. Theo thông báo, khoảng ngày 20/10 những thiết bị này sẽ về tới Việt Nam và chắc chắn sẽ hoàn thành công tác lắp đặt trong tháng 11 này”, Tổng Giám đốc Thăng khẳng định.
Được biết, đối với công trình âu Rạch Chanh, lãnh đạo Bộ GTVT trước đó đã từng tuyên bố nếu PVC thi công không hoàn thành, Bộ sẽ cho cấm thầu hai năm trong lĩnh vực giao thông trên phạm vi toàn quốc.
Vẫn những vấn đề này, trao đổi với PLVN, ông Thăng than phiền nhiều về chuyện giải phóng mặt bằng chậm khiến việc thi công một số gói thầu trên địa bàn TP.HCM, Long An, Bạc Liêu... không như ý. “Có những nơi vướng tới 3, 4 năm không dứt điểm được. Chẳng hạn công trình cầu Chợ Đệm (Gói NW-18) ở TP.HCM mãi mà vẫn chưa xong (mới thi công được một đơn nguyên), hay cầu An Hòa ở Long An do khó khăn buộc phải dùng biện pháp bảo vệ thi công...
Những hạng mục như thế này nếu có mặt bằng “sạch” làm sẽ rất nhanh, ví như công trình cầu Nguyễn Văn Tiếp (Đồng Tháp), mọi việc thuận lợi, chúng tôi dự kiến sẽ hoàn thành chỉ trong vòng 5 tháng”, ông Thăng cho biết thêm.
Đại diện Ban Quản lý Dự án các công trình đường thủy cũng khẳng định đến thời điểm này, những đầu việc thuộc phạm vi thẩm quyền của Ban sẽ được đơn vị chỉ đạo thực hiện rốt ráo trước ngày Hiệp định WB5 đóng lại. Những việc khác như giải phóng mặt bằng, cần có sự vào cuộc mạnh hơn nữa của các địa phương và Ban sẽ chủ động phối hợp để cùng tháo gỡ.
Mặt bằng “cản” tiến độ
“Có những nơi vướng mặt bằng đến 3, 4 năm không dứt điểm được. Chẳng hạn công trình cầu Chợ Đệm ở TP.HCM mãi vẫn chưa xong (mới làm được một đơn nguyên), hay cầu An Hòa ở Long An do khó khăn buộc phải dùng biện pháp bảo vệ thi công... Những hạng mục công trình như thế này nếu có mặt bằng “sạch”, làm sẽ rất nhanh, ví như công trình cầu Nguyễn Văn Tiếp (Đồng Tháp), chúng tôi dự kiến sẽ hoàn thành chỉ trong vòng 5 tháng” - Tổng Giám đốc Ban Quản lý các dự án đường thủy Lê Huy Thăng.