Thí sinh chọn ngành yêu thích chứ không chỉ đỗ đại học

(PLO) - Trước những thay đổi về Quy chế thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga nhấn mạnh, việc này nhằm tạo điều kiện cho thí sinh dự thi thuận lợi hơn, đồng thời khuyến khích các em đăng ký xét tuyển vào ngành mình yêu thích thay vì chọn trường chỉ để đỗ đại học.

Có thêm thời gian ôn thi

Xin Thứ trưởng cho biết cụ thể Quy chế thi năm nay có những điểm mới nào?

- Rút kinh nghiệm năm 2015, năm nay Quy chế tuyển sinh sửa đổi, bổ sung khắc phục hạn chế năm 2015 và nhân rộng những kinh nghiệm tốt. Những sửa đổi nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để TS sẽ chọn được ngành mình yêu thích hơn là cố chọn được một trường chỉ để đỗ vào ĐH. Năm nay TS không phải rút, nộp hồ sơ mà được nộp cùng lúc nhiều trường thay vì một trường như năm ngoái.

Cụ thể, đợt một các em được nộp hai trường, mỗi trường hai nguyện vọng, đợt hai được nộp ba trường, mỗi trường hai nguyện vọng. Riêng đối với các nhóm trường tổ chức chung, các em có thể nộp tất cả các nguyện vọng trong nhóm trường này và có thể  nộp nhiều trường chứ không phải nhất thiết hai trường như quy định chung. 

Đối với bậc cao đẳng, năm nay Bộ đã có thay đổi căn bản nhất là không còn quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Điều này phù hợp với quy định của Luật Giáo dục Nghề nghiệp. Các trường vẫn phải tuyển sinh từ cao xuống thấp, cho đến khi đạt chỉ tiêu, cho nên các trường phải có những kế hoạch cụ thể.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga

Nhiều người lo ngại việc thầy cô trông và chấm bài của học sinh mình tại địa phương sẽ không khách quan. Ông có thể cho biết  nơi công bố điểm của các thí sinh phân chia như thế nào cho hợp lý, thưa Thứ trưởng?

- Về cụm thi không thay đổi nhiều so với năm 2015. Vẫn tổ chức thành 2 cụm thi khác nhau để xét tốt nghiệp THPT và cụm thi dành cho TS vừa xét tốt nghiệp vừa thi ĐH, CĐ. Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho các TS vùng giáp ranh trong việc di chuyển tới nơi thi, Bộ đồng ý cho các TS vùng giáp ranh được tự chọn cụm thi phù hợp.

Về thời gian thi, có nhiều ý kiến cho rằng TS thi vào tháng 7 khá nóng nực, nhưng Bộ vẫn giữ nguyên thời gian này vì các trường ĐH, CĐ đã kết thúc năm học nên sẽ thuận lợi cho việc điều động cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên tham gia kỳ thi; việc bố trí giảng đường, ký túc xá phục vụ TS và người nhà lưu trú trong những ngày thi cũng thuận lợi hơn.

Tổ chức thi THPT quốc gia vào đầu tháng 7 cũng sẽ giúp cho các trường ĐH, các Sở GD-ĐT không phải thay đổi kế hoạch năm học, tạo thuận lợi cho tổ chức thi. Với TS, thi vào tháng 7 sẽ có thêm một tháng ôn tập, cũng có sự yên tâm, thoải mái hơn về mặt tâm lý, chuẩn bị cho kỳ thi được kỹ càng hơn.

Về công bố điểm số sau khi thi, trường ĐH nào chủ trì thi thì trường đó sẽ công bố điểm thi cho các thí sinh, tránh việc lo lắng các giáo viên tỉnh nhà chấm thi cho học sinh không khách quan. Các trường ĐH chủ trì cụm thi là những trường có nhiều kinh nghiệm, có lực lượng cán bộ dồi dào để thực hiện các khâu tổ chức thi.

Để đảm bảo chất lượng công tác coi thi, trường ĐH chủ trì phải huy động tối thiểu 50% cán bộ coi thi và ít nhất 1/2 tổng số cán bộ giám sát phòng thi ở mỗi điểm thi; trường ĐH, CĐ phối hợp cử ít nhất 20% cán bộ tham gia coi thi; còn lại là giáo viên do Sở GD-ĐT điều động.

Nhóm trường - thí sinh không còn tù mù chọn trường?

Việc trao cho thí sinh nhiều nguyện vọng đăng ký xét tuyển sẽ khiến các trường khó xác định mức điểm trúng tuyển bởi tỷ lệ hồ sơ “ảo” cao. Bộ giải quyết vấn đề này thế nào?

- Tình trạng TS “ảo” đã được Bộ lường trước và có giải pháp cần thiết giúp các trường giảm bớt khó khăn do TS đăng ký “ảo”. Thứ nhất, chúng tôi khuyến khích các trường tuyển sinh theo nhóm. Theo đó, các trường chủ động gộp lại để cho TS đăng ký, TS trúng tuyển nguyện vọng 1 rồi sẽ không được xét tuyển nguyện vọng tiếp theo. Thứ hai, yêu cầu TS trúng tuyển phải nộp giấy báo trong thời hạn quy định, quá thời hạn TS xem như không đỗ, trường có quyền tuyển TS khác, không phải đợi đến khi nhập học như mọi năm. Thứ ba, điểm trúng tuyển đợt sau phải cao hơn hoặc bằng điểm trúng tuyển trước để các trường chủ động hơn trong xác định chỉ tiêu trúng tuyển. 

Trong giấy đăng ký xét tuyển, TS phải ghi rõ những trường mình tham gia xét tuyển cùng đợt để các trường có thể phán đoán được số lượng TS đăng ký để xác định được mức điểm trúng tuyển.

Tuyển sinh theo nhóm trường thì lợi ích thuộc về chính các trường đó, vậy quyền lợi của thí sinh có được đảm bảo? Và hiện Bộ đã nắm được có bao nhiêu nhóm trường đăng ký xét tuyển chung? 

- Hoàn toàn không có lợi ích nhóm ở đây mà vì lợi ích của TS cũng như tạo thuận lợi cho các nhà trường. Ví dụ như Quy chế năm nay quy định đối với các trường tuyển sinh theo nhóm đợt 1 các em được 4 nguyện vọng thì có thể nộp 4 nguyện vọng ấy vào 4 trường của nhóm này cùng ngành, nếu không trúng tuyển trường top trên thì các em có thể trúng tuyển trường top dưới. Cách làm này sẽ khuyến khích các em chọn ngành mình yêu thích hơn là chọn trường bất kỳ.

Khi tuyển sinh theo nhóm như thế thì sẽ giảm được hồ sơ “ảo”, nếu thí sinh nộp tất cả các nguyện vọng vào những nhóm trường này. Vì vậy, việc lập các nhóm trường cùng xét tuyển sẽ vừa có lợi cho TS vừa có lợi cho nhà trường. 

Việc lập nhóm là tự nguyện của các trường. Hiện ở phía Bắc có ĐH Bách khoa Hà Nội đang chủ trì thành lập các nhóm có nhiều trường tham gia. Nhóm trường này đang xây dựng đề án tuyển sinh theo nhóm để báo cáo Bộ, sau đó sẽ triển khai. Tới đây có thể sẽ là một số trường khác đứng ra thành lập nhóm.

Trường top dưới lo ngại không tuyển được thí sinh nếu các trường top trên thành lập nhóm và “hút” hết thí sinh vào các trường này. Bộ đã lường trước vấn đề này chưa?

- Việc tuyển sinh ở các trường đều bị khống chế bởi chỉ tiêu, dù nhóm hay không nhóm cũng chỉ chừng đó TS, không thể tuyển vượt chỉ tiêu cho phép nên không ngại về vấn đề này.

Kỳ thi năm 2016 đã tới gần, các thí sinh vẫn còn băn khoăn về đề thi năm 2015 chưa có tính phân hóa cao giữa việc thí sinh chỉ cần đỗ tốt nghiệp so với thí sinh có nhu cầu thi ĐH, CĐ. Vậy, Bộ có điều chỉnh gì ở đề thi năm 2016 này không?

- Đề thi căn bản không thay đổi vì đã định hướng cho TS học ngay từ đầu năm. Đề thi như năm 2015 được các trường ĐH đánh giá tốt và đã chọn được học sinh tốt, đồng đều vào trường, chất lượng tốt hơn các năm trước. Đề thi năm trước được phân ra 60% là kiến thức cơ bản và 40% kiến thức nâng cao để phân loại TS. Mọi người đều đã thấy khả năng phân loại đề thi rất tốt. Phổ điểm rất tốt, phân bố dải đều từ thấp đến cao giúp cho các trường tuyển sinh với mức độ yêu cầu khác nhau.

Năm 2016, Bộ xây dựng trên nguyên tắc giữ nguyên kết cấu đề thi, ngày thi, đợt thi... như năm 2015 nên TS có thể yên tâm ôn tập và chuẩn bị cho kỳ thi. Trong đề thi vẫn có những câu hỏi khá hóc búa dành cho các TS thi ĐH, CĐ, vậy các em hoàn toàn yên tâm để ôn tập cho tốt tại kỳ thi này.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Đọc thêm

Nuôi dưỡng tình yêu sách thời mạng xã hội

Người trẻ vẫn chọn đọc sách, yêu sách giữa thời buổi mạng xã hội lên ngôi. (Nguồn: Tạp chí công dân & khuyến học)
(PLVN) - Giờ đây, mạng xã hội lên ngôi với biết bao điều hay ho, hấp dẫn. Thế nhưng, tình yêu sách vẫn luôn là dòng chảy âm thầm mà bền bỉ, được nuôi dưỡng qua nhiều thế hệ. Để rồi, thế giới số bao la không thể làm lu mờ sức hút của sách, mà còn là công cụ để vun đắp thêm lòng say mê với sách, với việc đọc.

Nhiều điểm mới trong chương trình 'Tiếp sức mùa thi' năm 2024

Buổi gặp mặt báo chí, triển khai Chương trình “Tiếp sức mùa thi” 2024 được tổ chức sáng (16/4), tại Hà Nội.
(PLVN) - Chương trình “Tiếp sức mùa thi” năm nay triển khai nhiều nội dung và hình thức mới: mở sớm tổng đài tư vấn tâm lý, tổ chức hành trình tiếp sức tinh thần tại các điểm trường trên cả nước, tập trung hướng đến hỗ trợ các thí sinh thi vào lớp 10, thí sinh tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực và học sinh có nguyện vọng du học ở nước ngoài...

Lịch nghỉ lễ 30/4 - 1/5 của học sinh, sinh viên

Ảnh minh họa
(PLVN) - Đa số sinh viên cả nước đều được nghỉ lễ 30/4 - 1/5 trong 5 ngày, một số trường đại học cho sinh viên nghỉ dài hơn, có nơi kéo dài 8 ngày. Lịch nghỉ và học bù của học sinh sẽ được điều chỉnh phù hợp.

Hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Trường phổ thông dân tộc nội trú được Nhà nước thành lập cho học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc gia đình định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. (Nguồn ảnh: baochinhphu.vn)
(PLVN) - Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có những chuyển biến đáng kể. Để phát huy những kết quả đã đạt được, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách đã ban hành, đồng thời nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục đối với khu vực này.

Cần chuẩn bị gì cho thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025?

Học sinh cần xác định lộ trình học tập phù hợp với năng lực và kì thi mình tham gia. (Ảnh minh họa - Nguồn: ĐN)
(PLVN) - Kì thi tuyển sinh đại học những năm gần đây đã có nhiều thay đổi cùng với các kì thi riêng của các trường đại học lớn… Đồng thời, kì thi tốt nghiệp THPT cũng đổi mới phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vậy học sinh và phụ huynh cần chuẩn bị gì cho những kì thi từ năm 2025 theo chương trình mới?