Họ đã hoàn thành nhiệm vụ đưa những chuyến hàng cuối năm về bến đỗ. Chỉ vài ngày nữa, họ sẽ được trở về mái ấm gia đình để đón một mùa xuân mới.
Thủ phủ của tre luồng
Chúng tôi trở về Tây Tiến khi mùa xuân đang mon men đánh thức những chồi non, những bông hoa rừng vừa hé nở khoe hương sắc sau một giấc ngủ đông dài. Nhưng cảnh sắc khiến chúng tôi cảm tưởng như lạc vào vùng đất của những “cột trụ trời” là rừng tre luồng xanh bạt ngàn.
Nhìn đâu chúng tôi cũng thấy tre luồng, từ vực sâu cho đến những sườn núi cao, sương phủ quanh năm. Tre luồng ở nơi đây tròn trịa, thẳng tít tắp, bởi hàng chục đốt nối đuôi nhau, đưa ngọn luồng vươn mình lên cao chót vót như muốn chạm đến trời xanh.
Vùng đất phía Tây xứ Thanh hình thành bởi những đồi, núi cao khiến địa hình bị chia cắt mạnh, tạo nên những con dốc khúc khuỷu, vô cùng hiểm trở. Nhưng chính sự hoang sơ đó đã tạo dựng một môi sinh lý tưởng cho tre luồng.
Với diện tích che phủ hơn 60 vạn héc ta, người ta ví thượng nguồn sông Mã là “thủ phủ” của tre luồng. Đây cũng chính là nơi Trung đoàn Tây Tiến được thành lập năm 1947, mà từ đó bài thơ Tây Tiên của Quang Dũng ra đời.
Chính vì thế, từ ngàn đời nay tre luồng đã gắn bó với đồng bào dân tộc thiểu số (Mường, Thái, H’Mông…) nơi đây. Tre luồng không chỉ là nguồn sống chủ yếu mà còn hiện hữu trong từng nếp sống, nếp nghĩ của người dân. Từ những mái nhà sàn, chiếc xa quay đưa nước từ suối lên nương, cho đến chiếc gùi, khung dệt thổ cẩm đều được làm từ thân tre luồng.
Con đường tre luồng
Là một người hơn 20 năm phiêu lưu trên những chuyến bè luồng về xuôi, ông Hà Thế Ba (60 tuổi, bản Bút, xã Nam Sơn, Quan Hóa) cho biết: Từ xa xưa người dân nơi thượng nguồn sông Mã đã biết cách tận dụng sức nước của dòng sông để vận chuyển những tre luồng xuống miền xuôi.
Nay, chính quyền địa phương nhận thấy cây tre, luồng là mũi nhọn để phát triển kinh tế các huyện miền tây Thanh Hóa nên có nhiều chính sách khuyến khích trồng và phát triển các ngành chế biến lâm sản nên nhu cầu vận chuyển luồng đi tiêu thụ ngày càng nhiều hơn.
Dường như tạo hóa thấu hiểu cho cuộc sống của người dân nơi đây mà đưa dòng sông Luông (một chi lưu của sông Mã) bắt đầu từ Lào ở Cửa khẩu Na Mèo lại chảy xuyên giữa trung tâm vùng tre luồng lớn nhất nước Việt. Vì thế, sông Luông trở thành huyết mạch để cây luồng ra khỏi chốn rừng sâu hẻo lánh, núi non hiểm trở.
Hơn cả, sông Luông mặc dù gập gềnh nhưng cứ từng chặng lại có một khoảng rộng bất ngờ, người dân hay gọi là búng nước. Búng nước chính là địa điểm lý tưởng để cây luồng tập kết đến đây và kết thành những bè mảng lớn.
Vì vậy, hầu hết người lái bè đều chọn sông Luông làm điểm tập kết luồng nhưng để đi xa hơn nữa thì phải nhờ sông Mã.
Lướt sóng trên dòng nước dữ
Tình cờ chúng tôi gặp được ông Hà Văn Dân (khu 6 Na Sài, Quan Hóa) - một người lái bè điêu luyện của xứ Mường. Sự điêu luyện của ông được dân đi bè ca tụng là "con cá Lăng của sông Mã" (một loại cá lớn chỉ xuất hiện ở sông Mã).
Người ta ca tụng ông như vậy bởi trong kháng chiến chống Mỹ, một mình ông chèo lái hàng vạn cây luồng từ Mường Lát xuôi sông Mã về phục vụ chiến trường. Có những chuyến đưa bè ông Dân bị máy bay địch tấn công, ném bom, bắn đạn xối xả... những bè luồng vỡ tan nhưng ông Dân vẫn kiên cường hì hụp giữa dòng nước xiết nối lại những mảng bè.
Chính vì những chiến công đó mà ông đã được Hồ Chủ tịch gửi tặng huy chương và được phong danh hiệu Anh hùng Lao động.
Bè xuôi sông Mã |
Nhờ ông Dân giúp đỡ mà chúng tôi tìm được một nhóm người buôn bè luồng đồng ý cho đi cùng. Hành trình chèo lái bè luồng của chúng tôi bắt đầu từ bến đò Chiềng, thuộc địa phận xã Trung Thành, huyện Quan Hóa. Đây là nơi gặp nhau giữa dòng suối Quýt và sông Mã. Ngay trên bến đò, hàng nghìn cây luồng đã được người dân tập kết để bán cho lái buôn kết thành bè đưa về xuôi.
Hơn chục người đàn ông cao to, nước da ngăm đen, giọng nói ồm ồm như sóng gió trầm mình xuống dòng nước lạnh. Người thì đẩy những cây luồng sát vào nhau, người thì dùng dây thừng siết chặt các cây luồng với nhau. Chỉ một chốc lát, hàng chục bè luồng lớn đã được kết lại chắc chắn, nối đuôi nhau thành một dải dài tầm 70-80m.
Ngay sau đó, người đàn ông lực lưỡng tên Giang và một vài người khác nâng chiếc máy nổ có gắn chân vịt lên chiếc bè rồi buộc chặt vào chiếc bè đi đầu. Chuyến đi bè lần này do Giang làm “bè trưởng”, Giang chỉ đạo mọi người lên bè rồi nổ máy, chiếc bè luồng khẽ cựa mình rồi từ từ rời bến.
Giang vừa lái bè vừa quay lại nói với tôi: “Bây giờ có máy móc phụ trợ đi bè còn đỡ mệt hơn. Ngày trước các cụ toàn dùng xào để lái, mệt lắm! Lát nữa đến đoạn gềnh, nhớ bám chắc vào bè nhé!”.
Như lời cảnh báo trước của Giang, những chiếc bè luồng khi qua hết khúc sông phẳng lặng bỗng chúi xuống một đoạn gềnh. Chiếc bè rung lên bần bật như muốn hất văng mọi thứ trên bè. Những cây luồng được kết chặt như nêm, lúc này cũng rệu rã.
Đầu bè, Giang và một người nữa vẫn bám chặt vào chiếc máy, đẩy sang trái rồi nhào sang phải, có lúc thì xoay vòng đánh lái đưa bè lướt qua hai “hậu vệ” được tạo hóa dựng nên bằng hai rặng đá cánh tả và cánh hữu. Nước xối vào đoạn giữa chính là lối đi duy nhất.
Những người lái bè phía sau cũng bẻ lái theo hướng Giang đi… Khi lướt qua đoạn thác Cánh Kép, khuôn mặt Giang ướt sũng vì nước tạt hay mồ hôi tôi cũng không biết, nhưng Giang vẫn hô to động viên anh em phía sau: “Thoát rồi! Anh em cố lên”.
Qua Hang Ma (Quan Hóa), đoàn bè của chúng tôi dừng lại, lên bờ nghỉ ngơi. Ngồi cạnh tôi, Lò Văn Phên mới 27 tuổi nhưng đã có hơn 10 năm kinh nghiệm đi bè. Phên cho biết, nhà nghèo nên Phên phải nghỉ học theo bố đi bè luồng từ năm 14 tuổi, nay bố Phên sức đã yếu nên Phên là lao động chính trong gia đình.
“Nghề này nguy hiểm lắm, nhất là vào mùa lũ, không thuộc luồng lạch, va phải đá ngầm thì vỡ tan, chỉ có chết thôi! Bơi không lại được nước sông Mã đâu, xiết lắm! Bao năm trên sông tôi chứng kiến nhiều vụ rồi, nhìn thấy mà không làm gì được, chỉ biết nuốt nước mắt thôi”-Phênh tâm sự.
Chúng tôi tiếp tục lên đường vượt qua các địa danh nguy hiểm như thác Cánh Tạng, Cánh Mớ… một cách an toàn. Nhưng sự hung hãn của sông Mã chỉ bộc lộ hết mình ở cung “đường tử” từ Quan Hóa đến Cẩm Thủy. Bởi, hai bên bờ vách đã dựng đứng, nước réo sôi gầm rú, sóng tung bọt trắng xóa, sông Mã “hiện nguyên hình” là một con “ngựa trắng” hung hãn, bất kham.
Nhưng tất cả những “cửa tử” đó đều phải cúi chào những người lái bè anh dũng. Những “điệu múa” uyển chuyển qua gềnh thác, rồi lướt sóng qua những xoáy nước nhẹ nhàng đưa chúng tôi và những chiếc bè luồng cập bến an toàn.
Sau hơn 3 ngày lênh đênh gần 400km đường sông, chúng tôi đã đến được hạ nguồn sông Mã, nước chảy êm đềm. Những người lái bè thụp xuống, nhìn ngắm những bãi bồi màu mỡ… họ thở phào nhẹ nhõm, chuyến hàng cuối của năm đã đến tay người nhận.
Sứ mệnh của họ đã hoàn thành, từ đây hàng triệu cây luồng sẽ tỏa đi khắp đất nước. Ở một nơi nào đó, những cây luồng này sẽ được dựng lên thành cây Nêu, báo hiệu một mùa xuân đã về./.