Trong những ngày ở Pháp, tôi đến Musée Grévin (Bảo tàng Grévin) để tìm hiểu và tham quan. Nơi đây nổi tiếng về những tượng sáp được làm y như thật bằng kích cỡ của con người thật. Đây là một bảo tàng tư nhân, nằm ở quận 9 thành phố Paris. Giá vào cửa tham quan ở bảo tàng sáp là 23,50 Euro dành cho người lớn, cỡ hơn 600 ngàn tiền Việt.
Tôi đến gặp một nhân viên sau quầy lễ tân và hỏi nhã nhặn bằng tiếng Pháp: “Tôi là nhà báo thì có được giảm giá không?”. Nhân viên trả lời: “Anh có gì chứng minh là nhà báo không?”. Tôi lôi thẻ nhà báo Việt Nam cấp ra, mặt sau có chữ Press Card, mặt trước có dán ảnh. Nhân viên đón tiếp tươi cười nói: “Tôi cũng muốn làm cái nghề như anh, ở đây là bảo tàng tư nhân, tôi không miễn phí hết, nhưng giảm cho anh còn 16,45 Euro nhé!”. Gần một nửa tiền vé, xem như đã là một ưu ái. Tôi mỉm cười cảm ơn sau khi nhận vé vào cửa, nhân viên kia không quên nói: “Anh nhớ viết về bảo tàng của bọn tôi...”.
Lần khác qua Ý, tôi đến Milano và đến một ngôi nhà khiêm nhường ngoài cổng có khắc chữ LAVS DEO. Nơi đây còn lưu lại những bức họa và cả những bức họa gốc còn dang dở của Leonardo da Vinci trong quãng thời gian ông sống và làm việc ở Milano. An ninh được canh giữ nghiêm ngặt, camera giám sát khắp nơi. Khách tham quan thậm chí còn không được chụp ảnh bên trong.
Lần này thì không thể sử dụng tiếng Pháp và buộc phải sử dụng tiếng Anh, đủ đễ diễn đạt cho nhân viên hiểu rằng có free (miễn phí) cho nhà báo không. Thêm một lần tôi lấy làm ngạc nhiên, họ đưa cho tôi một tờ khai, xem thẻ nhà báo của Việt Nam cấp và rồi cho tôi vào cửa tự do, trong khi một anh bạn đi cùng phải mất 20 Euro mua vé. Tôi còn được cho một đặc ân nhỏ nhẹ: “Nhà báo có thể chụp một vài tấm hình với một điều kiện không chụp bằng đèn Flash!”. Đi kèm với lời dặn, họ cho tôi một tập tài liệu dày cộp bằng tiếng Ý và tiếng Anh kể về cuộc đời của danh họa Leonardo da Vinci và những tác phẩm của ông khi ông sống tại thành Milan.
Trước cổng ngôi nhà lưu giữ các tác phẩm vô giá của Leonardo da Vinci ở Milano - Ý |
Vậy đấy, nghề báo suy cho đến cùng, đi đâu cũng có những sự ưu ái nhất định. Khi ra nước ngoài, những nơi mình đến họ đều muốn nhà báo như một chiếc cầu nối để văn hóa của họ được lan tỏa một cách rộng rãi. Và hơn cả cũng là một thái độ trân trọng của tất thảy nhân loại dành cho nghề này. Là nhà báo, khi đi ra nước ngoài, hãy cầm theo tấm thẻ có in hình Quốc huy của mình, nhiều lúc nó thực sự hữu ích như những ngày tôi học tập và làm nghề ở châu Âu.