1. Bốn năm trước, nhận thấy khoảng trống tuyên truyền pháp lý đến đối tượng độc giả là bạn đọc bình dân, cần thiết có một tờ báo dung dị dễ hiểu, giữa năm 2011, Tổng Biên tập Đào Văn Hội giao nhiệm vụ cho một nhóm nhân sự thử nghiệm phát triển mảng ấn phẩm báo “đọc chậm”. Làm gì để cạnh tranh với khoảng 40 tờ báo giấy đang có mặt trên sạp báo?. Làm gì để khác biệt với hàng trăm tờ báo mạng và trang tin điện tử?. Đó là những câu hỏi vô cùng khó trả lời với Ban Biên tập báo và nhóm nhân sự ban đầu chỉ năm người (1 thư ký tòa soạn, 1 họa sĩ, 2 phóng viên, 1 giúp việc hành chính).
Triết lý Ban Biên tập đưa ra chỉ gói gọn trong bốn chữ “thuốc đắng bọc đường”. Báo pháp luật, nội dung chủ đạo phải là những câu chuyện pháp lý, chính sách văn bản pháp luật, những vụ án, vấn đề áp dụng pháp luật trong cuộc sống... chứ không thể “lấn sân” sang mảng văn hóa nghệ thuật, giáo dục, việc làm... Tuy nhiên pháp luật thường khô cứng, khó hiểu, chỉ có thể dễ hiểu nếu pháp luật được lồng vào một tình huống cụ thể, vụ việc cụ thể, thuật lại diễn biến vụ việc, trạng thái tâm lý nhân vật, lý giải sự việc không chỉ ở góc nhìn pháp lý mà còn ở góc nhìn “tình lý”.
Như câu chuyện về một “anh trai làng cạo đầu người yêu chuẩn bị đi lấy chồng, bị truy tố tội làm nhục người khác” ở Đồng Nai. Vấn đề pháp lý chỉ đơn giản gồm 20 chữ trong “nháy nháy” như thế, nhưng phải kỳ công tìm gặp các bên liên quan, mới hiểu câu chuyện của thủ phạm là bi kịch “công anh bắt tép nuôi cò, cò ăn cò lớn cò dò lên cây”. Anh tiều phu suốt ba năm đôi dép chẳng dám mua, bao nhiêu tiền đều dành cung phụng cô gái mình sống cùng, rồi sau đó bị phản bội. Ghen tuông cạo đầu người yêu xong, chính anh phải bán đi đôi gà chọi, xin thêm tiền mua tóc giả cho “nạn nhân” đội. Cô gái sau đó làm đơn tống tình cũ vào tù, còn mình chuẩn bị lên xe hoa.
Những câu chuyện như trên không thể gọi là “lá cải”, là “thị hiếu tầm thường”. Thực tế cuộc sống là như thế, và báo chí phải phản ánh đúng bản chất vụ việc. Nên biết câu chuyện này để lỡ có gặp tình huống tương tự thì bạn đọc có thể tránh dẫm vào “vết xe đổ”, không hành xử như chàng trai nóng giận trên. Thủ phạm cũng có quyền bày tỏ nỗi niềm, để xin tòa một tình tiết giảm nhẹ đúng luật khi tuyên mức án. Pháp lý luôn đi kèm tình lý ở chỗ đó. “Thuốc đắng bọc đường” là ở chỗ đó. Nói đúng và trúng nỗi niềm của bạn đọc, những ấn phẩm của Pháp luật Việt Nam sau đó đã dần có chỗ đứng trong lòng bạn đọc, có sức sống trên thị trường.
2. Tình yêu nghề, hết mình vì bạn đọc, dũng cảm đấu tranh với những cái xấu, luôn bênh vực cái đúng, không “vùi dập” những người yếu thế cũng là những phẩm chất phóng viên phải có, mỗi bài báo phải có để làm nên bản sắc của những ấn phẩm Pháp luật Việt Nam. Một ví dụ đơn giản: Ấn phẩm Xa lộ pháp luật của Pháp luật Việt Nam là một trong số ít những tờ báo có đường dây nóng tư vấn pháp lý miễn phí 24/24h. Những thắc mắc pháp luật đơn giản, bạn đọc có thể gọi điện bất cứ lúc nào để được tận tình giải đáp.
3. Bốn năm kể từ khi thử nghiệm mảng ấn phẩm mới, nhận được niềm tin yêu của độc giả, nhóm năm nhân sự ban đầu sau đó đã phát triển thành Ban Chuyên đề với hơn 20 cán bộ phóng viên nhân viên, có cộng tác viên ở khắp các tỉnh thành, thậm chí cả ở nước ngoài. Từ một tờ tuần báo Pháp luật & Thời đại ban đầu mỗi tuần một kỳ, Ban được giao tổ chức thêm số đặc biệt Pháp luật & Thời đại hàng tháng, rồi tuần báo Xa lộ pháp luật hai kỳ mỗi tuần, xuất bản mỗi tháng khoảng 14 số báo với khoảng 400 trang báo, phục vụ nhu cầu của hàng triệu lượt độc giả.
Kinh nghiệm hơn, tay nghề được rèn luyện hơn và những trăn trở cũng nhiều hơn. Để giữ được bản sắc của tờ báo, giữ đúng tôn chỉ mục đích, duy trì và phát triển số lượng độc giả, không có cách nào khác là mỗi phóng viên phải nhanh nhạy hơn, tay nghề cao hơn, bài viết sâu sắc hơn, góc nhìn sắc sảo hơn, phát hiện độc đáo hơn, tận tâm với bạn đọc hơn. Thực tế nhiều bài viết của các ấn phẩm “đọc chậm” vẫn được các báo điện tử “nhanh – gọn” xin phép đăng lại và thu hút sự quan tâm của bạn đọc báo mạng, đó cũng là niềm vui nho nhỏ của những người làm báo “đọc chậm”.