Thông tin sét đánh
Sáng 30/6/1983, trên một con phố buôn bán sầm uất ở Paris, Bernard Boursicot – một nhân viên của Bộ Ngoại giao Pháp – thong thả dạo bước. Sau nhiều năm mong mỏi, cuối cùng ông ta cũng đã có thể đưa con trai Thời Độ Độ - mà ông ta hay gọi là Bertrand – rời khỏi Trung Quốc. Chỉ ngày mai thôi, Boursicot sẽ đưa Bertrand tới Brittany để gặp gỡ người thân.
Khi Boursicot đang mải mê với những suy nghĩ thì 2 người đàn ông tự xưng là điệp viên cơ quan phản gián Pháp đột ngột xuất hiện, khống chế ông ta. Tại trụ sở của họ, 2 điệp viên dường như biết khá rõ về Boursicot. “Ông đã làm việc tại Đại sứ quán Pháp ở Bắc Kinh từ năm 1969 đến 1972 và Đại sứ quán Mông Cổ từ năm 1977 đến 1979. Có 500 tài liệu đã biến mất”, một trong 2 người lên tiếng. Người kia thì hỏi: “Thời Bội Phác là ai? Tại sao lại ở chỗ ông?”.
Đến lúc này, Boursicot nghĩ rằng không thể tiếp tục che giấu bí mật mà ông ta từng hứa sẽ giữ kín cho Thời. “Bội Phác là một phụ nữ, là mẹ của con trai tôi”, Boursicot nói. Ông ta bị khởi tố về tội gửi thông tin của Pháp cho điệp viên nước ngoài và bị tống giam. 1 ngày sau, Thời cũng bị bắt.
Ngày 8/7 cùng năm, khi phiên tòa xét xử Boursicot và Thời Bội Phác diễn ra, Boursicot đã trở nên nổi tiếng khắp cả nước bởi một tình huống trớ trêu: ông ta đã qua lại với một người đàn ông trong suốt 18 năm mà vẫn nghĩ rằng đó là một phụ nữ, thậm chí còn bị lừa đã có con với ông ta! Ban đầu, Boursicot không tin nhưng đến khi tòa trưng ra kết luận giám định, theo đó khẳng định Thời Bội Phác – một người có ngoại hình giống hệt đàn ông, mặc đồ đàn ông – đúng là đàn ông thì Boursicot mới chấp nhận sự thật.
Câu chuyện lâm ly
Tháng 2/1969, một tháng sau khi Tổng thống Charles de Gaulle tuyên bố công nhận chính phủ cộng sản ở Trung Quốc, Pháp trở thành cường quốc phương Tây đầu tiên mở đại sứ quán ở Bắc Kinh kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên. Chàng thanh niên 20 tuổi Bernard Boursicot cũng được điều tới Trung Quốc làm kế toán. Giáng sinh cùng năm, Boursicot được mời tới bữa tiệc do một người Anh tổ chức. Suốt cả buổi, giữa bao nhiêu cô gái xinh đẹp nhưng anh ta lại chỉ chú ý tới một người đàn ông Trung Quốc có vóc dáng thấp bé như một cô gái.
Boursicot tiến đến làm quen và được người này giới thiệu tên Thời Bội Phác, 26 tuổi, là giáo viên dạy tiếng Trung cho con của chủ tiệc. Về Boursicot, dù đã 20 tuổi nhưng anh ta chưa từng yêu phụ nữ. Khi còn trung học, anh ta chỉ bị thu hút bởi những nam sinh và đã có quan hệ tình dục với vài người trong số đó.
Sau những lần như vậy, Boursicot đều cảm thấy tội lỗi và quyết định sẽ chỉ hẹn hò với những cô gái. Nhưng, khi gặp Thời, Boursicot lại nhanh chóng quên đi quyết tâm của mình. Tiệc tàn, Boursicot cũng có được địa chỉ của Thời.
Chỉ sau vài lần gặp gỡ, Boursicot và Thời đã trở nên thân thiết. Thời dẫn Boursicot đi khắp những ngõ ngách ở Bắc Kinh, kể cho anh ta nghe những câu chuyện vô cùng thú vị. Hai người thân đến mức dường như có thể nói với nhau mọi chuyện sâu kín nhất. Một buổi tối nọ, Thời kể cho Boursicot câu chuyện về tình yêu của Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài. Vài ngày sau, khi 2 người đang đi dạo cùng nhau, Thời kể lại câu chuyện Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài và bất ngờ nắm lấy tay anh ta. “Nhìn em đây. Đó cũng là câu chuyện của em”, Thời nói.
Thời kể rằng, trước khi sinh anh ta, mẹ anh ta đã có 2 người con gái. Ông bà Thời tuyên bố nếu mẹ anh ta không sinh được con trai thì người cha phải đi lấy vợ 2. Cha mẹ Thời rất lo lắng về chuyện này nên khi Thời Bội Phác sinh ra – cũng là một bé gái – cả 2 đã quyết định nói dối bà nội của Thời rằng đó là một bé trai. Theo lời Thời, anh ta sau đó lớn lên trong vỏ bọc nam giới và cũng được đối xử như con trai.
Thời nói với Boursicot rằng mình có tình cảm với Boursicot và tin tưởng anh ta nên mới quyết định nói ra bí mật của mình. Câu chuyện nghe vô cùng hoang đường nhưng Boursicot lại tin. Không những thế, Boursicot còn quyết định sẽ chăm sóc và bảo vệ Thời, làm mọi thứ có thể để “cô” có thể trở lại làm một cô gái, kể cả kết hôn với Thời nếu cần.
Bernard Boursicot |
Cú lừa ngoạn mục
Một tháng sau đó, Boursicot và Thời chính thức qua lại với nhau. Theo lời Boursicot về sau, khi 2 người quan hệ tình dục, Thời luôn là người chủ động. Cô ta cũng nói rằng mình có ngoại hình giống nam giới nhiều hơn do thường xuyên dùng hormone nam khiến Boursicot không mảy may nghi ngờ và thậm chí còn nghĩ rằng mình chính là người đã lấy đi trinh tiết của Thời.
Cuối tháng 12/1965, Boursicot nhận được lệnh về nước. Cùng lúc, Thời thông báo cô ta đã có thai. Trước khi rời đi, Boursicot dặn Thời nếu sinh con trai thì đặt tên là Bertrand còn con gái thì đặt tên Michele cùng lời hẹn ước sẽ quay trở lại. 4 năm sau đó, Boursicot quay trở về Trung Quốc thật. Sau một thời gian phải lén lút hẹn hò, Thời gọi điện cho Boursicot, báo tin đã được cấp trên đồng ý cho gặp Boursicot 2 lần mỗi tuần tại nhà riêng để dạy cho anh ta về Tư tưởng Mao Trạch Đông.
Tại nhà Thời sau đó, Thời cho Boursicot xem ảnh một đứa trẻ mà cô ta nói là con của Boursicot, sinh vào ngày 12/8. Vẫn theo lời Thời, người dân Trung Quốc khi đó rất ghét người nước ngoài; những người có quan hệ với người nước ngoài sẽ bị theo dõi, gây khó dễ, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng nên cô ta đã phải gửi con tới nhờ một người sống ở gần biên giới với Nga nuôi nấng ngay từ khi sinh ra.
Việc dạy và học diễn ra được 2 tháng thì bị yêu cầu dừng lại. Sau vài ngày suy nghĩ, Boursicot quyết định mặc cả với cấp trên của Thời là Kang và đạt được thỏa thuận: anh ta sẽ gửi cho phía Trung Quốc các tài liệu được các nhà ngoại giao Pháp ở các đại sứ quán Nga và Mỹ chuyển tới để đổi lấy việc tiếp tục được gặp Thời. Boursicot thường lén giấu tài liệu bên trong áo hay cặp táp và mang tới để Kang sao chép rồi mang trở về trả lại đại sứ quán. Trong thời gian này, theo lời Boursicot, anh ta và Thời vẫn thường xuyên quan hệ tình dục với nhau.
Đầu năm 1972, Boursicot lại được triệu về nước. Trước khi trở về, anh ta lần đầu được gặp con trai Bertrand, khi đó đã 7 tuổi. Năm 1976, khi nghe thấy tin tức cho biết tình hình ở Trung Quốc có vẻ xáo trộn, Boursicot rất lo lắng cho Bertrand nên khi biết được đại sứ quán Pháp ở Ulan Bator, đang cần người anh ta đã xung phong tới Mông Cổ vì Ulan Bator cách Trung Quốc chỉ 36 giờ đi tàu.
Đại sứ quán Pháp tại Mông Cổ chưa có tòa nhà riêng nên cả phái đoàn vẫn phải ở khách sạn trong điều kiện an ninh vô cùng lỏng lẻo. Két sắt chứa tài liệu thì bị hỏng nên Đại sứ Georges de Bouteiller không có nơi để lưu trữ tài liệu mật.
Tháng 4/1977, Boursicot tới Trung Quốc gặp Thời và Kang và một lần nữa đề nghị được cấp tài liệu mật cho Kang. Đổi lại, Kang phải đảm bảo an toàn cho Bertrand. Kể từ sau cuộc gặp đó, mỗi 6 tuần, Boursicot lại tới Bắc Kinh để cung cấp tài liệu về các hoạt động của Nga ở Mông Cổ và các thông tin khác cho phía Trung Quốc.
Về sau, Boursicot nhận thấy công việc gián điệp quá nguy hiểm nên đã quyết định sẽ trở về nước và tìm cách xin visa để Thời và con trai tới Pháp. Tháng 10/1982, mong ước của Boursicot cuối cùng đã trở thành sự thật. Sau khi hết visa, Thời còn được gia hạn visa thêm 1 năm nữa nhưng mối quan hệ giữa 2 người cùng lúc cũng bị phát giác.
Tháng 5/1986, Thời và Boursicot bị buộc tội hoạt động gián điệp và bị kết án 6 năm tù giam nhưng chỉ 1 năm sau đó, cả 2 được Tổng thống Pháp Mitterrand ân xá trong một động thái nhằm hạ nhiệt căng thẳng với Trung Quốc.
Sau khi được thả ra, Thời tiếp tục ở lại Pháp và tiếp tục hành nghề ca hát. Ông ta thú nhận Thời Độ Độ không phải con mình. Bản thân Độ Độ cũng nói rằng ông ta là con của một gia đình người dân tộc thiểu số ở Trung Quốc và đã bị mẹ bán đi khi còn nhỏ. Còn Boursicot thì ôm nỗi xấu hổ và tức giận bị lừa dối cho đến chết.../.