Chuyện đời như huyền thoại của 'Đứa trẻ lạ' Kỳ Đồng

 Kỳ Đồng từng liên hệ với Đề Thám mưu sự kháng Pháp
Kỳ Đồng từng liên hệ với Đề Thám mưu sự kháng Pháp
(PLO) -Dẫu được “nước mẹ” Đại Pháp nuôi dưỡng, đào tạo từ thuở thiếu niên đấy nhưng huyết quản Kỳ Đồng thì vẫn chảy tràn máu Việt. Nên, khi được tháo cũi xổ lồng, Kỳ Đồng lại làm cho người Pháp một phen nữa điêu đứng. 

Theo ghi chép trong Thành ngữ, điển tích danh nhân từ điển, thì Kỳ Đồng được người Pháp đưa sang Alger du học trong 9 năm, thời gian 1887-1896. Tại đây, Kỳ Đồng đỗ tú tài khoa học khi tuổi lên 19. Giai thoại làng Nho cho rằng “nước ta đỗ tú tài Pháp, có lẽ ông là người trước nhất”. 

Danh tước là phù du

Ý đồ của người Pháp, xét ra thâm hiểm, nhưng dẫu “lưu đày biệt xứ”, khép Kỳ Đồng vào nếp giáo dục Tây phương mà nào thực dân Pháp có xoay chuyển được cái lòng yêu nước của Kỳ Đồng cũng như bao người dân Việt đâu. 

Trong 9 năm theo học tại Alger, Kỳ Đồng thành thạo Pháp ngữ và tốt nghiệp tú tài khoa học toàn phần. Thời gian ở đây, Kỳ Đồng có mối liên hệ với cựu hoàng Hàm Nghi. Ngay cả người Pháp cũng xác nhận điều đó bởi lá thư của Phủ Toàn quyền Algérie, Nha Bản xứ vụ gửi Giám thị trường Trung học Alger, có đoạn “Ông hoàng cũng được phép thỉnh thoảng gặp người học trò tên Cẩm, người đồng bào trẻ tuổi nhất của ông”. 

Sau khi tốt nghiệp tú tài, người Pháp quyết định cho Kỳ Đồng trở về Bắc Kỳ đầu tháng 11/1986. Hẳn là trong thâm ý, họ tin rằng Kỳ Đồng sẽ trung thành với Pháp và đây sẽ là một “tấm gương” cho đồng bào, nhưng họ đã lầm to. Khi về nước, người Pháp định bố trí cho Kỳ Đồng làm thư ký văn phòng, hoặc thông ngôn, hay phụ trách một trường học…

Tất thảy, Kỳ Đồng đều từ chối. Lạ nỗi, dẫu có tấm bằng danh giá trong tay, nhưng Kỳ Đồng lại chẳng tha thiết gì với việc làm một công chức ăn lương mà muốn… đi khẩn hoang, một công việc chẳng nhẹ nhàng gì cho cam.

Trong thư gửi Phó Toàn quyền, Kỳ Đồng viết: “Chính phủ cần làm việc gì, tôi sẽ làm việc đó. Chính phủ muốn có người để di dân và khai khẩn những vùng đất hoang chăng? Chỉ cần Chính phủ cấp cho tôi dăm chục lính khố đỏ với những trang bị cần thiết cho một cuộc hành quân, và thế là người ta sẽ không còn nghe bàn tán về nạn giặc cướp trên đất Bắc Kỳ này nữa! Xin ngài hãy tin ở tôi. Lời nói của tôi không vượt qua khả năng của tôi đâu”.

Ở thư gửi Toàn quyền Paul Doumer, Kỳ Đồng cũng đề đạt nguyện vọng tương tự và chỉ rõ cái lợi của việc này là “tăng dân ở thượng du; bình định và sinh lợi vùng này; không làm giảm mức sản xuất, chỉ giảm dân số đồng bằng, từ đó tăng trữ lượng hàng xuất khẩu”.

Và rồi, người Pháp chấp thuận cho cái ý định của Kỳ Đồng, lại cho phép Kỳ Đồng hợp tác với người bạn của mình là bác sĩ Gillard để mộ dân khai khẩn ở Yên Thế. Họ đâu có ngờ là đang thả hổ về rừng. Vả chăng, đất Yên Thế bấy giờ, hùm thiêng Đề Thám đang có mặt đấy. 

Cuộc mưu sự của ông chủ đồn điền

Trước khi bắt tay vào việc khai khẩn, Kỳ Đồng phải lên trình diện Toàn quyền Paul Doumer tại Hà Nội, nhưng chỉ nửa tháng sau đã về Thái Bình. Nhà đương cục phải ra lệnh tìm Kỳ Đồng. Sau khi biết tin Kỳ Đồng đang có mặt ở nhà, lệnh cấm di dời được đặt ra. Rõ là thực dân Pháp vẫn lo lắng về Kỳ Đồng. Không lâu sau, Kỳ Đồng mở trường dạy chữ Nho và Pháp ngữ, nhưng bị Công sứ Thái Bình bắt đóng cửa.

Dẫu xa nước 10 năm, nhưng danh tiếng của Kỳ Đồng thuở nào vẫn còn ảnh hưởng lớn, nhiều thân hào, sĩ phu tìm đến tiếp kiến. Kỳ Đồng xuất hiện ở đâu, là có người tìm đến đó. Dĩ nhiên là người Pháp lo lắng. Lo lắng là phải, bởi những cuộc gặp gỡ, hội họp ấy, thực ra chính là việc nhóm lên phong trào yêu nước mà về sau Kỳ Đồng là yếu nhân. 

Ngay từ dạo tháng 4/1897, Kỳ Đồng đã tuyển lựa người đi mở đồn điền. Thanh niên trai tráng từ khắp các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Hải Dương, Thanh Hóa… nghe tin tìm đến gia nhập. Đến khoảng giữa tháng 9/1897, theo số liệu thống kê của Pháp, những người theo Kỳ Đồng đi khẩn hoang đã lên tới hàng ngàn.

Kỳ Đồng khi bị lưu đày
Kỳ Đồng khi bị lưu đày

Trong bản án kết tội Kỳ Đồng sau này, nhà cầm quyền đã cho hay “từ tháng 9 năm nay, một số đông dân chúng vùng đồng bằng được Nguyễn Văn Cẩm tức Kỳ Đồng gọi lên khu vực Chợ Kỳ và vùng lân cận trong tổng Hương Vỹ, huyện Yên Thế (thuộc đạo binh cùng tên) với số lượng 7.000-8.000 người và đã được Nguyễn Văn Cẩm cùng các tòng phạm trưng mộ theo lối mộ lính”. Còn bác sĩ Gillard thì cho rằng, số cu-li này đã lên tới gần 1 vạn người. 

Không chỉ mộ phu từ miền xuôi, Kỳ Đồng còn liên hệ với cả thổ mục miền núi để mộ phu người dân tộc thiểu số. Được chính quyền cho khai khẩn vùng Chợ Kỳ, Kỳ Đồng đã xây dựng nơi đây không phải là một đồn điền thông thường, mà là một “làng pháo đài” với hầm hào, có lính canh gác, có mật hiệu báo động…

Theo dân địa phương cho hay, có 6 đồn được lập ở Chợ Kỳ, lại có cả nội quy 5 điều cho sinh hoạt trong đồn điền. Một bộ tham mưu được lập ra với Kỳ Đồng là “Quốc sư”, Mạc Đĩnh Phúc làm thủ lĩnh, Nguyễn Bá Ôn làm chủ súy… 

Để kêu gọi người dân tham gia chống Pháp, những bản hiệu triệu được bí mật bỏ vào các hòm sắc trong đình, đền thờ thành hoàng, nội dung kêu gọi nhân dân đánh đổ người Pháp và Nam triều.

Đồng thời, theo Việt Nam danh nhân từ điển, thì “tại Yên Thế, ông hoạt động giúp đỡ Đề Thám và gây tinh thần ái quốc bằng tôn giáo”. Ít nhất 3 lần Kỳ Đồng đã giúp lương thực, tiền bạc cho nghĩa quân Yên Thế. Hồi ký của Péroz cho hay “Đề Thám và Kỳ Đồng thường hội kiến bí mật”. Anh hùng tương ngộ, chí lớn gặp nhau. 

Án lưu đày biệt xứ

Sự có mặt của Kỳ Đồng cùng đội quân khẩn hoang tại Yên Thế gây nên niềm tin mãnh liệt cho dân thời ấy: “Nhất ông Kỳ, nhì ông Thám, thứ ba bá hộ Quần Anh” (Bá hộ Quần Anh, tức Trần Hữu Giảng ở Hải Hậu, Nam Định, đã bắt liên lạc với Kỳ Đồng và cử người lên tăng cường lực lượng cho Hoàng Hoa Thám).

Tại căn cứ của Kỳ Đồng, vũ khí, mà cụ thể là súng đã được chuẩn bị, tiền bạc đã có, lực lượng đã đông, thậm chí “một bản danh sách nhân sự trong bộ máy chính quyền tương lai của Kỳ Đồng gồm bộ trưởng, tướng soái, quan lại… và một bản tuyên cáo về một cuộc nổi dậy đồng loạt”, nhưng “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”.

Dù chuẩn bị ráo riết là thế, lại có thêm lực lượng của Đề Thám bên cạnh, nhưng điệp viên của Pháp vẫn cài cắm được vào trong lực lượng của đồn điền Chợ Kỳ. Mối nguy hiểm từ Kỳ Đồng liên tục được chính quyền Pháp cập nhật, theo dõi và ứng phó, chỉ chờ có cơ hội là “bắt hổ”.

Ngày 21/9/1897, mật thám Pháp đã phát hiện “Vào 1 giờ trưa, người của Kỳ Đồng đang khẩn trương dỡ những kiện hàng dài bó chiếu nhưng vẫn để lộ ra những nòng súng xếp chéo”. Vậy là đã có bằng chứng để bắt vị lãnh tụ khẩn hoang này.

Theo lệnh của Toàn quyền Doumer, đêm 22/9/1897 trời mưa xối xả, Péroz đem một trung đội bộ binh đến đồn điền Chợ Kỳ, bí mật bắt Kỳ Đồng. Kỳ Đồng bị đưa lên một chiếc thuyền máy chờ sẵn ở Phủ Lạng Thương chở ra Hải Phòng rồi lập tức dưa ngay vào Sài Gòn. Trong khi đó, căn cứ Chợ Kỳ mất chủ tướng, cứ thế dần dần tan rã. 

Còn riêng Kỳ Đồng bị giam bí mật ở Sài Gòn 3 tháng. Đầu năm 1898, Kỳ Đồng bị đem đi đày biệt xứ không qua tòa án xét xử. Sau khi ở Nouvelle Calédonie một năm rưỡi, chàng trai yêu nước bị đưa ra Tahiti và giam lỏng ở đó cho đến khi mất.

Dẫu chưa kịp “đốt lửa”, nhưng như Việt Nam danh nhân từ điển cho hay “Cuối năm 1897, khắp các tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Nam Định nổi lên một phong trào cách mạng mà nhà cầm quyền Pháp bấy giờ gọi là “giặc Kỳ Đồng”. Âm mưu việc tấn công Tòa sứ và trại Giám binh không thành, Kỳ Đồng bị bắt đày qua đảo Tahiti và phong trào cách mạng bị đàn áp gắt gao”. 

Nhận xét về Kỳ Đồng, Paul Chark đã cay đắng mà rằng: “Năm 1887, Kỳ Đồng được gởi sang học ở Alger, sống ở đó 9 năm, luôn có quan hệ với Hàm Nghi…, và anh ta đã học được lòng căm thù người Pháp bằng chính học phí do chúng ta cung cấp".

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.