Quả cảm từ bé
Bà Huệ sinh ra tại làng Hương Phát, xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) trong gia đình có 8 anh chị em, mẹ mất sớm. Từ nhỏ, cô con gái út này đã luôn nhớ lời cha dặn “trâu già đi trước, trâu nhỏ đi sau” khi ông vừa hoạt động, vừa hướng con cái theo con đường cách mạng.
11 tuổi, bà Huệ gia nhập đội thiếu nhi, làm nhiệm vụ cảnh giới và đưa thư từ liên lạc cho cán bộ. Đây cũng là giai đoạn địch thực hiện chính sách tố Cộng, diệt Cộng rầm rộ, thẳng tay đàn áp những người tham gia kháng chiến.
Nhiều chiến sĩ cách mạng rơi vào tay giặc, có người bị địch hành hạ cho đến chết. Cha bà cũng bị địch bắt, bị bỏ tù, tra tấn, bị đâm lòi mắt rất dã man. Khi ông lâm cảnh mù lòa, mới được trả tự do, về nhà, ông vẫn một lòng trung thành, biến căn nhà mình thành căn cứ cách mạng.
Cho đến nay, câu chuyện quả cảm về bà Huệ ngay từ khi còn bé vẫn được nhiều đồng đội trong Ban an ninh Quảng Đà nhắc lại. Năm 1953, nhiều đồng chí cán bộ cốt cán như Đào Ngọc Chua, Bùi Đức Thế, Bảy Kình đang tổ chức họp Đảng ngay trong nhà bà. Bất ngờ, địch đến bố ráp.
Thấy vậy, bà Huệ nhanh trí chạy thẳng ra vườn, tháo tất cả cổng chuồng trâu, xua chúng chạy toán loạn ra đường, đồng thời la lớn “trâu xổng chuồng ăn lúa”. Nghe tiếng Huệ, bà con trong làng đổ xô chạy ra giữ vật nuôi, nhân cơ hội đó, một số đồng chí chạy thoát, người còn lại nhanh chân nhảy xuống hầm bí mật. Sau lần đó, bà và cha bị địch bắt.
Năm 1954, hòa bình lập lại, ở quê có rất nhiều người thoát ly tập kết ra Bắc. Gia đình bà Huệ có tới 5 người thoát ly gồm 3 người anh ruột, một anh rể và một chị dâu. Sau khi rà soát danh sách những gia đình đi tập kết, địch bắt tất cả những người còn lại trong gia đình bà Huệ đến trụ sở ủy ban xã đánh đập, tra xét.
Bà Huệ nhớ lại, năm 1959, địch bắt đầu thực hiện chính sách dồn dân vào các ấp chiến lược để dễ thi hành luật 10/59. Gia đình bà cũng bị địch đưa vào khu dồn dân. Khi đó, các đồng chí ở Đội Công tác huyện Hòa Vang chỉ đạo bà theo gia đình vào ấp chiến lược, để thuận tiện trong việc theo dõi tình hình, đồng thời tìm cách, tạo điều kiện để đội iên lạc với những cơ sở mới.
Trong thời gian này, bà đã diều tra, nghiên cứu tình hình và quy luật đi lại của những đối tượng chức sắc và ác ôn ở địa phương. Nhận chỉ thị cấp trên, bà bố trí để những trinh sát của đội thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt các đối tượng ác ôn gồm ấp trưởng, xã trưởng và liên gia trưởng như tên Toán, tên Lai, tên Lý.
Mặt khác, bà còn khiến địch hết sức hoang mang khi móc nối với những người có tấm lòng cách mạng trong hàng ngũ của địch. Từ đó, bà phát hiện được nhiều vị trí địch cài mìn, lựu đạn…, để báo đội công tác, giúp việc vào ra ấp chiến lược được an toàn.
Trong những năm tháng hoạt động, hàng chục lần bà Huệ bị địch bắt giam nhưng rồi lại phải thả vì không khai thác được thông tin gì. Cũng vì thế, mọi ngón đòn tra tấn dã man bà cũng đều đã trải qua, từ đánh đập, chích điện, tạt nước vôi, kẹp tay... Tàn bạo hơn, chúng còn đánh cho bà vĩnh viễn không được làm mẹ.
Bức ảnh kỷ niệm của bà Huệ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp |
Nữ tình báo viết lên trang sử hào hùng
Năm 1963, ngay khi vừa ra tù và phục hồi vết thương, bà Huệ gia nhập tổ điệp báo (Ban an ninh Quảng Đà). Bà Huệ cho biết, công việc của một người làm tình báo cần thu thập thông tin, nắm chắc tình hình địch, chuyển tài liệu quan trọng… nên bà phải biến hóa rất nhiều vai diễn: khi làm cô gái quê, khi lại lẳng lơ quyến rũ quân địch, khi làm con buôn hút thuốc phì phèo.
Vì nhỏ con lại lanh lợi, Ban an ninh Quảng Đà thường gọi bà Huệ bằng biệt danh triều mến “cô gái hạt tiêu”. Tại buổi gặp mặt truyền thống do Công an TP.Đà Nẵng và Công an Quảng Nam tổ chức mới đây, những hiện vật chứng minh cho chiến công thầm lặng đầy mưu trí, sáng tạo của bà được mang ra giới thiệu (hiện lưu giữ tại Bảo tàng Công an).
Với hộp phấn trang điểm, bà Huệ kể, khi đang đi trên đường, nếu phát hiện địch ở xa, muốn theo dõi chúng, bà thường lấy ra sử dụng. Một bên đựng phấn hóa trang, một bên đựng gương soi để theo dõi bọn địch ở phía sau, xem chúng hành động gì, đồng thời tìm phương án để đối phó.
Hay chiếc kính râm với bộ khung bằng nhựa, hai mắt bằng thủy tinh bà luôn mang bên người. Khi đeo lên mắt sẽ có tác dụng làm thay đổi hình dạng khuôn mặt, để bọn địch khó phát hiện trong những lúc bà hoạt động. Để giữ được bí mật trong công tác hoạt động tình báo bà cũng thường mặc áo dài trong vai nữ sinh hay vợ của lính….
Đầu năm 1969, trong một lần đi cơ sở, bà Huệ bị máy bay địch phục kích, một mảnh đạn bắn găm vào đầu. Ngoài vết thương thể xác, bà còn bị điên loạn, thường lên cơn động kinh. Lãnh đạo quân khu 5 quyết định đưa bà ra Hà Nội điều trị.
Một lần, nguyên Bộ trưởng bộ Công an Trần Quốc Hoàn đến thăm hỏi các thương bệnh binh ở Bệnh viện E (nơi bà Huệ đang điều trị), chứng kiến bà Huệ chống chọi với cơn động kinh. Sau khi biết hoàn cảnh, những hoạt động công tác của bà, Bộ trưởng Hoàn quyết định nhận bà Huệ làm con nuôi, đưa về nhà săn sóc như con gái.
Cũng khoảng thời gian này, bà Huệ may mắn được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau lần đó, khi ghé thăm quân khu 5 (Quảng Nam, Đà Nẵng), đại tướng một lần nữa hỏi thăm và bà Huệ lại được gặp người anh cả trong niềm hạnh phúc vỡ òa.
Tìm đến ngôi nhà nhỏ của bà Huệ, nhiều người không chỉ được nghe câu chuyện về thời chiến của nữ tình báo mà còn biết đến mối tình đẹp giữa bà Huệ với người chồng hiện tại. Từ sau khi bị địch tra tấn, mất đi thiên chức làm mẹ, bà Huệ luôn tâm niệm sẽ không nghĩ đến chuyện đôi lứa, mà dồn hết tình yêu cho đất nước, quê hương.
Ông Trần Trí Việt (SN 1937) tình cờ gặp bà Huệ vào năm 1959, khi hai người đều bị giam cầm một nhà tù. Ngày ấy, ông Trí đã có vợ và hai người con trai, nhiều lần chứng kiến bà Huệ bị tra tấn nhưng vẫn kiên quyết một lòng không khuất phục, ông coi bà Huệ như một người em. Đến năm 1969, bà Huệ ra Bệnh viện E chữa bệnh, nơi ông Trí đang làm bí thư đảng ủy.
Ông Trí cũng trải qua 5 lần tù tội, khi đó, người vợ đầu vì bệnh tật vừa rời bỏ 3 cha con ông. Gặp lại người bạn tù, cô em gái đồng hương năm xưa trong tình cảnh chống chọi với những cơn động kinh, lúc tỉnh lúc mơ, ông Trí đem lòng yêu thương, mong muốn che chở, bảo vệ. Bất chấp nhiều hoài nghi, ông quyết định bày tỏ tình cảm với bà và được đón nhận.
Ông Trí nhớ lại, khi bà đưa ông Trí về giới thiệu với bác Trần Quốc Hoàn, bác thẳng thắn gọi riêng ông lại hỏi: “Hoàn cảnh của Huệ như vậy, nó bệnh tật lại không có khả năng làm mẹ, cháu nên để nó bình yên”.
Ông Trí cũng không quanh co: “Cuộc đời cô Huệ cháu biết rõ, vì vậy cháu càng thương cô ấy hơn, mong muốn được ở bên, chăm sóc cho cô, những lúc ốm đau. Từ câu trả lời chân thành của ông Trí, Bộ trưởng Hoàn làm chủ hôn, đứng ra tổ chức đám cưới cho hai người.
Đám cưới xong, ông Trí vẫn ở Hà Nội làm nhiệm vụ cho đến năm 1975, bà Huệ một mình về nhà chồng làm dâu. Đáp trả tấm chân tình mà ông Trí đã dành cho mình, bà Huệ cũng cố gắng vượt qua rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, sinh hoạt để nuôi 2 con trai riêng của chồng ăn học thành tài.
Hơn 40 năm trôi qua, đôi vợ chồng ông đồng thời cũng là những người đồng chí, đồng đội này, đã và đang tự vẽ nên câu chuyện tình đẹp cho đời mình…