Bệnh nhân lo ngại, bác sỹ bất an, bảo vệ vẫn nhàn?
Theo ghi nhận, tại các bệnh viện thuộc khu vực Hà Nội, mỗi ngày thường xảy ra hàng chục vụ trộm cắp tài sản. Trong số đó, chủ yếu là tài sản của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân lưu trú, điều trị tại bệnh viện. Tài sản bị mất phần nhiều là điện thoại di động, tiền bạc, tư trang cá nhân để sơ hở trong phòng bệnh. Hay nghiêm trọng hơn, không chỉ mất của cải mà còn có thể nhắc đến những vụ để kẻ gian bắt cóc trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội), Bệnh viện quận 7 TP. HCM gây xôn xao dư luận một thời gian dài....
Trên thực tế, tại hầu hết các khu khám bệnh thuộc bệnh viện đều có những tấm biển khuyến cáo cảnh giác nạn trộm cắp. Cá biệt như tại Bệnh viện Bạch Mai, khu vực khám bệnh còn “trưng” hẳn một tấm bảng có đính hình của các cá nhân có hành vi trôm cắp bị phát hiện. Trên khía cạnh tích cực, đây có thể coi như một hình thức cảnh tỉnh.
Bệnh nhân lo sợ bị lừa đảo, mất cắp đã đành, với những bác sỹ, họ cũng có chung tâm trạng nơm nớp này. Trên thực tế, đã từng có khá nhiều vụ người nhà bệnh nhân xông vào đánh, tấn công bác sỹ. Nhìn lại các vụ việc hành hung bác sĩ liên tục xảy ra thời gian qua có thể nhận thấy, sự việc không chỉ xảy ra ở bệnh viện tuyến Trung ương mà còn lan xuống tuyến tỉnh, huyện như tại Bệnh viện Đa khoa Vũ Thư (Thái Bình), Bệnh viện Ða khoa Hà Tĩnh, Bệnh viện Sản Nhi Cà Mau...
Đỉnh điểm của những sự vụ mất an ninh bệnh viện là vụ việc xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa huyện Vũ Thư (Thái Bình) vào tháng 8/2011, khi người nhà bệnh nhân lao vào đâm chết một bác sĩ và làm bị thương nặng một bác sĩ khác vì cho rằng đội ngũ y tế chậm trễ trong việc cứu người thân của họ.
Không lâu sau, tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai, anh Nguyễn Tiến Dũng đưa vợ vào cấp cứu. Trong lúc chờ đợi, cho rằng các bác sĩ bỏ mặc vợ mình nên người đàn ông này đã to tiếng lăng mạ các bác sĩ và xông vào hành hung một số cán bộ y tế trong giờ trực. Một phút nóng giận, anh đã cầm ghế đánh vào đầu nữ điều dưỡng viên đang mang thai tháng thứ 7 khiến chị này ngất tại chỗ.
Gần đây nhất vào tháng 9/2014, khi đang tiến hành cấp cứu, xử lý cho một bé trai bị sưng ở vùng trán tại Phòng Cấp cứu - Khoa Ngoại, bác sĩ Phạm Thanh Tùng (Bệnh viện Thanh Nhàn) bất ngờ bị một đối tượng nam xông vào phòng đấm liên tiếp trước sự bàng hoàng của nhiều bác sĩ trực. Sau khi sự việc xảy ra, bác sĩ Tùng bất tỉnh. Qua chẩn đoán bác sĩ bị gãy xương cung tiếp của gò má trái phải tiến hành phẫu thuật gấp.
Nhiều người phải thốt lên khi nhắc lại vụ việc côn đồ hung hãn, ngang nhiên tấn công bác sỹ trực tại Bệnh viện Thanh Nhàn rằng: “Ôi lực lượng bảo vệ, chẳng biết là để bảo vệ cái gì”. Và còn rất nhiều ý kiến khác bàn luận về những sự vụ tương tự như vậy để có thể thấy tình trạng mất trị an ngày một nhiều và có chiều hướng gia tăng.
Theo Bộ Y tế, thống kê sơ bộ từ năm 2013 đến nay đã có không dưới 14 vụ hành hung nhân viên y tế tại các bệnh viện trong cả nước. Đặc biệt, số vụ hành hung các nhân viên y tế hiện có xu hướng ngày càng tăng. Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất an ninh trong bệnh viện được cho là do sự cố y khoa, tình trạng quá tải các bệnh viện hay y đức của một số nhân viên y tế làm ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy thuốc, khiến người dân bất bình, làm nảy sinh các hành vi quá khích.
Khi bảo vệ chỉ muốn trông... quản lý
Nhắc đến nhiều trường hợp nhũng loạn trong bệnh viện đã lâu, qua vài mối quen biết tôi làm quen được với một nhân viên bảo vệ từng có thời gian làm việc tại một bệnh viện lớn tại Hà Nội. Bảo vệ này tên Hưng, sinh năm 1991, quê Hà Nam. Do hoàn cảnh nên anh xin vào vị trí bảo vệ tại một công ty quản lý an ninh tại Hà Nội và từ đó mà được phân về bệnh viện B.M.
Theo lời Hưng, nếu so với cùng mức lương từ công ty trả thì công việc bảo vệ an ninh ở viện đôi khi có nhiều áp lực và phức tạp hơn. Hỏi sâu hơn về điều kiện được nhận tuyển bảo vệ và yêu cầu nội quy cụ thể khác khi thực hiện công tác an ninh tại viện, thoáng chút ngập ngừng, Hưng chia sẻ rất thẳng thắn rằng, chỉ cần có chứng minh thư là có thể được nhận việc (?!).
“Ngày còn làm bảo vệ ở viện, chúng tôi thường chỉ trông quản lý để có thời gian làm việc riêng...” – Hưng cười láu cá. Theo quy định, giờ bác sỹ đi thăm bệnh, toàn bộ người nhà phải ra ngoài khu vực thăm khám. Để vào khu vực điều trị nội trú bệnh viện, phải mặc áo bệnh nhân và áo người nhà mới được phép ra vào trừ thời gian thăm nuôi. Việc làm này giúp ngăn cản hành động luân chuyển các vật dụng cồng kềnh vào phía trong khuôn viên điều trị như giường, chiếu... Quy định là thế, nhưng theo Hưng kể, cánh bảo vệ chỉ trực trông quản lý để được ngủ hay dùng điện thoại, làm việc riêng. Hưng bật mí: “Người nhà bệnh nhân thì mình oai là chính chứ cũng tùy người mà tuân thủ”.
Anh cũng thật thà cho biết rằng chuyện mất trộm trong viện cũng xảy ra liên tục, đặc biệt với những thứ “nhỏ nhỏ” như điện thoại. Kẻ trộm có thể là người nhà thật hoặc cũng có thể là người ngoài trà trộn vào. Nhất là vào buổi đêm, các ca trực có phần lỏng lẻo hơn. Trực đêm là đi kiểm soát trong khu vực. Theo đó, ca trực này khá nhàm chán nên thông thường cánh bảo vệ như Hưng hay ngủ gật, không kiểm soát người qua lại.
“Chủ yếu là các khu gần, canh chéo cho nhau. Nếu có quản lý thì gọi điện đánh thức nhau dậy. Nhiều hôm bị quản lý bắt được thì sẽ bị đánh dấu phạt khiển trách hoặc trừ lương”, Hưng chia sẻ thêm. Lạ một chuyện là nếu có xảy ra xô xát, đội ngũ bảo vệ cũng sẽ không can thiệp mà thường tránh mặt hoặc có chăng cũng chỉ hô hét bởi theo kinh nghiệm mà quản lý dặn kỹ cho Hưng và đồng nghiệp thì “mặc đồng phục an ninh thì không được phép động chân, động tay”(?!)./