Gây án xong thản nhiên đứng nhìn
Theo lời kể của một người hàng xóm của nạn nhân kể lại, tờ mờ sáng ngày 29/4, như thường lệ, bà dậy sớm quét dọn nhà cửa. Khi quét ra tới ngoài cổng, bà bàng hoàng phát hiện trong nhà ông Đặng Văn Hợp có máu chảy lênh láng ngoài sân. Tưởng mình hoa mắt, người này cố gắng nhìn kỹ hơn thì phát hiện bà Phần đang nằm thoi thóp bên vũng máu ở ngoài sân trước nhà.
Người hàng xóm đi tiến vào sâu trong sân thì phát hiện ông Hợp nằm bất dộng bên cạnh bà Phần, trên đầu và cổ có nhiều vết rách sâu rộng. “Tôi chưa kịp định thần thì liền sau đó phát hiện trong nhà thấy anh Lý đang nằm bất động với nhiều vết thương lớn. Cố lấy lại bình tĩnh, tôi vội tri hô hàng xóm sang cứu”, người hàng xóm bàng hoàng kể lại sự việc.
Ngay đó, người dân đã có mặt đưa các nạn nhân đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng, ông Hợp và anh Lý đã tử vong còn bà Phần hiện vẫn đang trong tình trạng hôn mê bất tỉnh. Sau khi nhận được tin báo, cơ quan công an đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng trên địa bàn nhanh chóng có mặt bảo vệ hiện trường.
Công an tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành khám nghiệm hiện trường, tử thi phục vụ công tác điều tra và bước đầu xác định nghi can chính là Đặng Duy Điền, đồng thời thu giữ chiếc búa dính máu ở dưới nền nhà, cạnh nơi Điền đang nằm ngủ. Ông Bùi Văn Khai (Trưởng thôn La Bì) kể: “Trời vừa tảng sáng, tôi đã nghe người dân báo nhà ông Hợp xảy ra án mạng. Đến giờ tôi vẫn không thể tin tại thôn nghèo vốn yên bình nay lại xảy ra thảm án kinh hoàng như vậy”.
Nhiều người dân cho biết, ngay khi họ kéo đến nhà nạn nhân thì Điền lù lù từ trong nhà đi ra, vẻ mặt ngơ ngáo, đứng nhìn những người thân đang trong cơn nguy kịch. Điền không hề tỏ ra đau khổ cứ đứng nhìn thản nhiên như không. “Chỉ đến khi người chú ruột quát bảo vào nhà thì Điền mới nghe theo và đi vào trong. Không những thế, Điền còn lên giường nằm ngủ ngon lành, cho đến khi công an vào bắt giữ, Điền mới tỉnh dậy”, một người hàng xóm kể lại.
Đánh đập người thân như cơm bữa
Không phải đến khi vụ án mạng xảy ra người dân mới biết tới sự hung hăng của Điền, cách đây khoảng 7 năm thì Điền đã có những hành động bất hiếu với bố mẹ, đánh đập cả người thân. Ông Trần Văn Thiết (hàng xóm) cho biết, vụ việc Điền ra tay dã man sát hại gia đình là điều rất đáng tiếc, bởi nếu như trước đó gia đình ông Hợp nghe lời khuyên bảo của người thân và hàng xóm thì không đến nỗi xảy ra thảm án kinh hoàng như vậy.
“Việc Điền bị bệnh thần kinh thì cả xóm điều biết. Cách đây khoảng 7 năm. thời tiết thay đổi là tính tình Điền cũng thay đổi theo. Tuy nhiên lúc đó bệnh của Điền còn nhẹ, gia đình có thể can ngăn kịp thời. Nhưng lâu dần, bệnh Điền trở nên nặng. Cứ mỗi lần Điền phát bệnh là lao vào đánh đập bố mẹ và anh chị không thương tiếc”, ông Thiết cho hay.
Nhiều lần, ông Hợp vừa đi làm đồng về, thấy mặt bố, Điền lao vào đánh tới tấp. Còn bà Phần thì không biết bị đánh bao nhiêu lần. Thương con bị bệnh, nên ông Hợp và bà Phần không khi nào đánh trả lại mà chỉ khống chế để Điền không tiếp tục đánh đập mình nữa. Nhiều người hàng xóm thấy sự việc Điền đánh đập bố mẹ, đã nhiều lần sang động viên gia đình cũng như khuyên gia đình nên đưa Điền đi thăm khám ở bệnh viện.
Ông Lăng chia sẻ với Pv. |
Không thể chịu mãi những trận đòn của người con, ông Hợp đã đưa Điền đi điều trị tại nhiều bệnh viện tâm thần nhưng không mang lại kết quả. Cứ vài tháng, gia đình lại đưa Điền đi thăm khám, lấy thuốc, nhưng bệnh của Điền không hề thuyên giảm mà ngày càng nặng hơn. Sống chung với cảnh tra tấn của đứa con tâm thần, sức khỏe của hai ông bà già cũng ngày một suy giảm.
“Thấy ông Hợp và bà Phần nhiều lần bị con đánh đập, chúng tôi lại sang khuyên gia đình nên tìm cách mà nhốt Điền lại nhưng vì thương con mà ông bà ấy không nỡ lòng. Họ chỉ để Điền ở riêng một phòng, khi nào phát hiện Điền chuẩn bị lên cơn điên thì khóa cửa lại. Nhưng khi Điền đang lên cơn thì có trời mới khống chế được nó”, một người hàng xóm cho biết.
Những người hàng xóm cũng cho hay, không những đánh đập bố mẹ mà Điền còn đánh đập cả vợ chồng anh trai. Do bị hành hung nhiều nên người chị dâu đã được bố mẹ chồng cho về ở nhà mẹ đẻ từ hồi cuối năm 2014. Trước khi xảy ra vụ việc, hàng xóm có nghe vài tiếng ú ớ phát ra từ nhà ông Hợp nhưng ai cũng nghĩ đó là do Điền và Lý đuổi đánh nhau như mọi ngày nên không qua xem sự tình thế nào.
Tang thương chồng chất
Khi chúng tôi đến thôn Bì La, nhiều người vẫn bàng hoàng và khiếp đảm về vụ án mới xảy ra. Nhà nạn nhân giờ đây một lúc phải chứng kiến cảnh “một đám tang hai quan tài”, người đang nằm điều trị tại bệnh viện cũng đang trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.
Ông Đặng Văn Lăng (59 tuổi, em ruột ông Hợp) cho biết, ông Hợp trước đây là bộ đội chống Mỹ. Sau khi hòa bình lập lại, ông Hợp trở về và lấy bà Phần, sinh được 4 người con. Do ảnh hưởng từ chất độc da cam, nên sau này, khi thời tiết thay đổi, ông Hợp hay đau.
Trong số 4 người con thì 2 người con gái đầu sinh ra bình thường, còn 2 người con trai sau thì mắc chứng tâm thần. Anh Lý (người bị Điền sát hại) tuy mắc bệnh tâm thần nhưng chỉ lơ ngơ, bình thường rất hiền, không gây gổ đánh nhau với ai bao giờ. Còn Điền sinh ra vốn rất bình thường, ngoan ngoãn, học hành giỏi giang có tiếng trong làng, thậm chí còn thi đỗ trường Cao đẳng Giao thông.
Sau khi học xong trường này, Điền tiếp tục làm đơn dự thi và thi đỗ vào trường Đại học Sư phạm Tây Bắc. Tuy nhiên khi học được khoảng 3 tháng thì Điền bắt đầu có những biểu hiện của bệnh tâm thần nên gia đình đã đưa về nhà điều trị cho đến khi xảy ra vụ án mạng trên. Trước khi xảy ra vụ án 2 ngày, ông Hợp có sang nhà hàng xóm phàn nàn việc Điền đập vỡ tivi và máy tính.
“Tôi không biết phải nói gì thêm gì nữa. Tôi có nằm mơ cũng không thể ngờ được vụ án mạng chết 2 người, do chính người con trai sát hại lại xảy đến với gia đình anh trai tôi. Tôi lo sợ, nếu chị tôi có sống cũng trở thành người thực vật”, ông Lăng nghẹn lòng tâm sự.
Chính phủ đã ban hành Nghị định 64/2011/NĐ-CP về việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh tâm thần, áp dụng trong phạm vi tố tụng hình sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Nghĩa là việc chữa bệnh bắt buộc này chỉ được áp dụng từ giai đoạn điều tra theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tức là khi đã có hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Với người mắc bệnh tâm thần trong cộng đồng, chưa có quy định buộc phải điều trị để ngăn ngừa họ gây nguy hiểm cho xã hội.
Đã tới lúc cần có cơ sở lập kế hoạch phát triển nguồn lực, phát triển các dịch vụ y tế và bảo trợ xã hội, hướng tới xây dựng hệ thống luật pháp đầy đủ, mạnh mẽ về sức khỏe tâm thần... Quan trọng là để giảm áp lực từ các bệnh về sức khỏe tâm thần, đòi hỏi sự phối hợp các biện pháp về y tế và xã hội, sự hợp tác của nhiều lĩnh vực, sự tham gia của các ngành tư pháp, công an, chứ không chỉ giới hạn ở Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và đào tạo.