Yếu kém trong quản lý tài chính
Theo tìm hiểu của chúng tôi, công tác lập dự toán được Bệnh viện Đa khoa TP.Cần Thơ (Bệnh viện) thực hiện theo Thông tư số 99/2012/TT-BTC ngày 19/6/2012 của Bộ Tài chính về hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2012.
Cụ thể, tổng số thu viện phí là hơn 163 tỷ đồng trong năm 2012. Đáng chú ý, Bệnh viện đã sử dụng biên lai phí để thu tiền ăn phục vụ bệnh nhân là không phù hợp với tính chất thu và nội dung thu với số tiền 957 triệu đồng.
Qua kiểm tra của cơ quan chức năng cho thấy công tác quản lý chi từ nguồn viện phí có vấn đề khi hơn 3,4 tỷ đồng chi không phù hợp, đồng thời tổng số phải thu của Bảo hiểm xã hội (BHXH) là hơn 23,4 tỷ đồng không phản ánh lên tài khoản phải thu và tài khoản chi phí là không phù hợp với quy định của chế độ kế toán hiện hành.
Công tác quản lý chi phí, trong hơn 13,8 tỷ đồng chi tiêu nội bộ từ nguồn thu dịch vụ, Bệnh viện hạch toán chi phí lẫn lộn nguồn viện phí và nguồn dịch vụ khám chữa bệnh như khánh tiết, chi thưởng...
Việc đối chiếu công nợ phải thu, phải trả chưa đúng quy định. Thể hiện không đầy đủ số nợ còn phải thu của BHXH thành phố số tiền là hơn 23,4 tỷ đồng, do vượt quỹ khám chữa bệnh hơn 20 tỷ đồng và không được chấp nhận thanh toán là gần 3 tỷ đồng. Bênh cạnh đó, sự cố bác sĩ của Bệnh viện lỡ cắt mất 2 quả thận của bệnh nhân Hứa Cẩm T (ngụ huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ) đã buộc Bệnh viện phải chi hơn 1 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.
Từ những vấn đề thu, chi như trên nên liên tục trong 3 năm qua, hơn 700 cán bộ, nhân viên của Bệnh viện không có tiền thưởng gây ảnh hưởng đến công tác thi đua của đơn vị cũng như đời sống của người lao động.
Xem nhẹ Luật Đấu thầu
Liên quan đến công tác đấu thầu cũng có vấn đề khi Bệnh viện lập kế hoạch đấu thầu chưa sát với thực tế sử dụng hoá chất, vật tư y tế của đơn vị. Cụ thể, tổng giá trị năm 2012 được quyết toán là 26 tỷ đồng nhưng đơn vị lập kế hoạch đấu thầu năm 2013 là hơn 115 tỷ đồng, vượt hơn 444% thực tế sử dụng năm liền kề mà không biết với mục đích gì(?!) . Điều này là không phù hợp với quy định tại Thông tư số 68/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Công tác lập hồ sơ và phê duyệt hồ sơ mời thầu cũng có nhiều bất cập, thể hiện trong hồ sơ mời thầu của Bệnh viện quy định điều kiện về năng lực tài chính của nhà thầu có doanh thu lớn hơn hoặc bằng 3 tỷ đồng là quá thấp so với giá trị của gói thầu. Hồ sơ mời thầu cũng không quy định điều kiện tham dự đối với nhóm vật tư, nhóm hoá chất là phải có đầy đủ các mặt hàng mới được chấp nhận xét thầu.
Mặt khác, hồ sơ mời thầu cũng không có một điều khoản riêng về điều kiện giao hàng và phải quy định cung cấp đầy đủ các tài liệu, thủ tục mua bán... Nhiều ý kiến cho rằng điều này nhằm tạo kẽ hở để các đối tác trúng thầu chi phối độc quyền trong việc cung cấp thuốc và các vật tư thiết yếu cho Bệnh viện?
Công tác xét thầu cũng thể hiện nhiều sai sót, chưa phù hợp với Luật Đấu thầu. Việc chấm thầu, chấm điểm kỹ thuật thang điểm 10 là không phù hợp với tiêu chí Bảng điểm theo hồ sơ mời thầu dẫn đến việc xác định điểm tổng hợp và đánh giá chưa phù hợp.Tiêu chí xét thầu về xuất xứ hàng hoá không nhất quán, một số mặt hàng bị loại do không đúng nước sản xuất theo hồ sơ mời thầu, ngược lại cũng có những mặt hàng không đúng nước sản xuất nhưng vẫn được xét trúng thầu.
Tổng hợp giá trị dự thầu của các công ty dự thầu chưa chính xác dẫn đến việc chọn nhà thầu trúng thầu có giá cao hơn là một điều bất hợp lý. Cụ thể là, mặt hàng vật tư VT 346 có số lượng mua 60.000 sợi. Tổ xét thầu xét Cty TNHH Dược phẩm Quốc tế trúng thầu có giá đánh giá là 2.953 và giá trúng thầu là 4.000 đồng/đơn vị để loại nhà thầu Cty TNHH MTV Dược phẩm Trung ương trong khi Cty TNHH MTV Dược phẩm Trung ương có giá đánh giá là 2.856 và giá dự thầu là 3.645 đồng/đơn vị sản phẩm; vật tư VT389 chọn nhà thầu Cty TNHH Dược phẩm Quốc tế giá trúng thầu 14.160 đồng để loại nhà thầu Cty TNHH Thiết bị y tế Minh Khoa có giá dự thầu chỉ 11.200 đồng/đơn vị sản phẩm cùng loại....
Đối với nhóm hoá chất 4, 5, 6 do Cty TNHH Xuất nhập khẩu y tế Minh Đức trúng thầu thì Cty này không trực tiếp nhập khẩu các mặt hàng này mà đi mua lại từ 2 nhà phân phối qua ủy quyền mà hồ sơ danh mục hoá chất nhập khẩu của nhà thầu đã quá 12 tháng theo quy định của hồ sơ mời thầu.
Chưa hết, bác sĩ Lê Quang Võ, Giám đốc Bệnh viện chủ trương mượn 2 máy xét nghiệm sinh hoá đông máu COAGUCHEK XS của Cty TNHH Roche Diagnostics Việt Nam trị giá 16 tỷ đồng với thời hạn 3 năm. Theo hợp đồng cho mượn máy thì Bệnh viện phối hợp với Cty Vimedimex hoặc bất kỳ chi nhánh, nhà phân phối nào do Vimedimex chỉ định cung cấp sản phẩm cho Bệnh viện để vận hành máy. Điều này cho thấy Cty Vimedimaex đã độc quyền trong việc cung cấp sản phẩm cho Bệnh viện.
Tương tự, các nhóm hoá chất khác, Giám đốc Bệnh viện cũng ký hợp đồng mượn máy của các công ty thời hạn từ 3 đến 5 năm tùy theo các loại máy với điều kiện là phải sử dụng hoá chất, vật tư do các công ty này cung cấp; nhưng Bệnh viện thực hiện việc đấu thầu không hiệu quả do độc quyền cung cấp các loại hoá chất xét nghiệm, đồng thời giá cả các mặt hàng này Bệnh viện cũng không kiểm soát được gây ảnh hưởng đến chi phí khám chữa bệnh mà bệnh nhân là người phải gánh chịu.
Với những dấu hiệu sai phạm trên, điều lạ là chưa có cơ quan chức năng nào xử lý và đồng nghĩa là chưa có ai phải chịu trách nhiệm? Thiết nghĩ, UBND TP.Cần Thơ cần vào cuộc, sớm có kết luận và xử lý nghiêm nếu có sai phạm.