Chủ trì buổi họp báo, ông Dũng cho biết, Việt Nam vừa thắng kiện vụ nhà đầu tư Pháp (DialAsie) kiện Chính phủ Việt Nam trong Dự án Bệnh viện quốc tế thận và lọc thận tại TP.HCM. Theo ông Dũng, từ năm 2011, nhà đầu tư Pháp DialAsie kiện Chính phủ Việt Nam vì cho rằng Việt Nam vi phạm Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Pháp.
Sau 3 năm các bên theo đuổi vụ kiện, ngày 17/11 vừa qua, Hội đồng trọng tài tại Tòa Trọng tài thường trực La Hay (Hà Lan) đã ban hành Phán quyết vụ kiện DialAsie cho rằng không có bất kỳ một cơ quan nhà nước nào của Chính phủ Việt Nam vi phạm Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư Việt – Pháp, vi phạm pháp luật Việt Nam hoặc thực hiện bất kỳ một hành động sai trái nào; mọi hành động của Saigon Coop hoàn toàn tuân theo pháp luật Việt Nam và không thể quy các hoạt động của Saigon Coop là hành động của Chính phủ Việt Nam.
Từ những phân tích trên, Hội đồng Trọng tài quyết định, Hội đồng Trọng tài có thẩm quyền xét xử các khiếu kiện của nguyên đơn DialAsie. Tất cả các khiếu kiện của nguyên đơn DialAsie đối với Chính phủ Việt Nam hoàn toàn bị bác bỏ. Mỗi bên phải trả một nửa chi phí trọng tài và tự chịu các chi phí về luật sư của mình theo quy định tại Quy tắc trọng tài UNCITRAL.
Theo Phán quyết này, Hội đồng Trọng tài đã bác bỏ toàn bộ nội dung khiếu kiện của nguyên đơn đối với Chính phủ Việt Nam. Chính phủ Việt Nam không phải bồi thường cho DialAsie bất kỳ khoản chi phí nào theo yêu cầu đòi bồi thường mà nguyên đơn đã nêu trong đơn khởi kiện.
Ông Dũng nhấn mạnh, đây là thắng lợi thứ 2 của Chính phủ Việt Nam sau thắng lợi vụ kiện South Fork và trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đang là bị đơn trong một loạt vụ kiện đầu tư quốc tế cũng như một số nhà đầu tư đang đe dọa kiện Chính phủ Việt Nam thì thắng lợi trong vụ kiện này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Trước sự quan tâm của nhiều đại diện cơ quan báo chí, bà Vũ Thị Hường (Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp) thông tin thêm, ngay từ tháng 1/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 04/2014/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế phối hợp trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, trong đó quy định Bộ Tư pháp đóng nhiều vai trò đối với lĩnh vực này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Chính phủ, cơ quan nhà nước Việt Nam.
Không những thế, Bộ Tư pháp đang xây dựng, hoàn thiện trình Chính phủ Dự thảo Nghị định về cấp ý kiến pháp lý, khi được thông qua sẽ là văn bản pháp lý quan trọng góp phần giảm thiểu rủi ro tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế.
Việc giải quyết thành công 2 vụ kiện trên chứng tỏ sự nghiêm túc, trách nhiệm của Chính phủ Việt Nam, sự trưởng thành một bước của đội ngũ chuyên gia của Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan. Tuy nhiên, vụ kiện mà Việt Nam vừa thắng hiện chưa được công bố về số tiền mà DialAsie yêu cầu Saigon Coop (phía Việt Nam) bồi thường, còn vụ thắng kiện South Fork nguyên đơn đòi bồi thường gần 4 tỷ USD.