Thi hành án đạt tỷ lệ cao
Năm 2014, các cơ quan thi hành án dân sự (THADS) đã giải quyết xong 531.095 việc/số có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 88,47% (vượt 0,47% so với chỉ tiêu được Quốc hội giao); so với năm 2013, tăng 38.120 việc (7,73%) và tăng 1,94% về tỷ lệ.
Về tiền, trong số có điều kiện, đã giải quyết xong 38.981.505.442.000 đồng, đạt tỷ lệ 76,72% (so với chỉ tiêu Quốc hội giao, còn thiếu 0,28%); so với năm 2013, tăng 10.016.499.842.000 đồng (34,58%) và tăng 3,55% về tỷ lệ.
Về thi hành án (THA) đối với các khoản thu cho ngân sách nhà nước, theo báo cáo của Bộ Tư pháp, đã giải quyết được 354.454 việc, tương ứng với số tiền trên 2.241 tỷ đồng. Các cơ quan THADS đã phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) cùng cấp rà soát, lập hồ sơ và đề nghị Tòa án nhân dân (TAND) có thẩm quyền xét miễn, giảm được 7.470 việc, tương ứng hơn 44 tỷ đồng. Các cơ quan THA trong Quân đội đã đề nghị xét miễn, giảm THA đối với 04 việc, tương ứng gần 26 triệu đồng.
Như vậy, trong bối cảnh kinh tế trong nước vẫn còn gặp khó khăn, thị trường bất động sản chưa thực sự khởi sắc trở lại, số thụ lý mới về THADS tăng so với năm 2013, đặc biệt là về tiền, song theo đánh giá từ Bộ Tư pháp, các cơ quan THADS đã thi hành xong số việc và số tiền cao hơn năm 2013; tỷ lệ THA xong về việc đạt cao hơn năm 2013 và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao.
Bên cạnh đó, một trong những chuyển biến trong công tác THADS là công tác tổ chức, cán bộ tiếp tục được quan tâm, kiện toàn; kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ được tăng cường; đã kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm cán bộ, công chức có sai phạm, đặc biệt là tập trung chấn chỉnh, xử lý các cơ quan THA ở địa phương còn nhiều hạn chế, yếu kém.
Đặc biệt, năm 2014 cũng đánh dấu mốc quan trọng trong công tác phối hợp giữa các ngành ở Trung ương: Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Công an, TANDTC và VKSNDTC ban hành Quy chế phối hợp liên ngành số 14. Trên cơ sở Quy chế này, đến nay, 59/63 địa phương đã ban hành Quy chế phối hợp liên ngành trong THADS. Có quy chế, việc phối hợp được thực hiện hiệu quả, bài bản, chặt chẽ hơn, từ đó cũng xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan.
Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, thanh tra, kiểm tra, kiểm sát và giám sát đối với công tác THADS tiếp tục được chú trọng và đạt kết quả tốt hơn; tỷ lệ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đạt 96,68%; nhiều vụ việc bức xúc, tồn đọng, kéo dài được tập trung giải quyết. Bộ Tư pháp tổ chức trên 20 cuộc thanh, kiểm tra về công tác THADS; VKSND các cấp thực hiện 759 cuộc kiểm sát trực tiếp; các Đại biểu Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội và cơ quan có thẩm quyền khác thực hiện 265 cuộc giám sát đối với công tác THADS, qua đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, chỉ đạo khắc phục và xử lý những thiếu sót, sai phạm.
Công tác THA hành chính tiếp tục được quan tâm; việc mở rộng thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (TPL) đạt kết quả bước đầu; đã ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật quy định, hướng dẫn về TPL; 46/63 Văn phòng TPL được thành lập tại 13/13 địa phương thuộc diện thí điểm, với tổng doanh thu là trên 56 tỷ đồng.
Báo cáo công tác THA tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh: Năm 2014, công tác THA tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Một buổi thi hành án dân sự. Ảnh: MH |
Ngoài sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS thì những chuyển biến trong công tác năm 2014 không thể không nhắc đến nỗ lực của các cơ quan THADS địa phương.
Là địa phương có lượng án phải giải quyết lớn nhất cả nước với nhiều vụ “đại án” rất phức tạp, song với sự năng động và sáng tạo không ngừng nghỉ, năm 2014 THADS vẫn thi hành đạt gần 89% về việc và 79,50% số tiền/ số có điều kiện. Một trong những “cải cách” mạnh mẽ nhất ở thành phố này phải nói đến là công tác cán bộ với phương châm “có bột mới gột nên hồ”.
Việc luân chuyển, điều động cán bộ diễn ra thường xuyên, nhất là đối với các địa bàn còn yếu kém hoặc án nhiều. Nói về công tác này, Cục trưởng Cục THADS TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Lực chia sẻ: “Quan trọng là phải thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Phải làm cho công chức thuộc diện luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác nhận thức được công việc mình sắp phải đảm nhận”.
Ngoài ra, cũng theo Cục trưởng Nguyễn Văn Lực: “Việc luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác phải được tiến hành hợp lý, đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nhưng không ảnh hưởng lớn, không làm xáo trộn nhiều đến đời sống của cán bộ, công chức. Định kỳ phải kiểm tra, đánh giá công chức và công tác luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác để kịp thời nắm bắt những vấn đề mới nảy sinh để giải quyết và tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc. Có chính sách, chế độ đãi ngộ phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công chức an tâm công tác, phát huy tốt nhất khả năng, năng lực của mình”.
Còn tại Hà Nội, một trong những giải pháp được THADS Thủ đô chú trọng trong năm vừa qua là việc tăng cường kiểm tra giám sát và tự chịu trách nhiệm của mỗi cán bộ, chấp hành viên. Năm 2014, Cục THADS Hà Nội đã kiểm tra 26/30 chi cục, 9 cuộc kiểm tra toàn diện đối với đơn vị cấp huyện, 2 cuộc kiểm tra đối với chấp hành viên thuộc Cục.
“Thông qua kiểm tra, chúng tôi đã kịp thời phát hiện những tồn tại, thiếu sót, kiến nghị khắc phục đối với từng đơn vị và chấp hành viên. Đối với những vi phạm về việc rà soát, phân loại hồ sơ THA đã có kết luận từ những năm trước nay vẫn tiếp tục vi phạm, Cục yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm cá nhân” - Cục trưởng Cục THADS Hà Nội Lê Quang Tiến cho biết.
Trong năm 2015, Hà Nội xác định tăng cường quản lý chỉ đạo điều hành theo hướng sâu sát, cụ thể, quyết liệt, rõ người, rõ việc, rõ thời gian hoàn thành, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan THADS trong chỉ đạo, điều hành công tác THADS. Đặc biệt tăng cường công tác kiểm tra giám sát trong toàn ngành.
Với quyết tâm phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, nhiều cơ quan THADS địa phương đã chủ động điều động, luân chuyển chấp hành viên từ Cục hoặc từ các Chi cục THADS khác tăng cường cho những đơn vị, địa bàn có lượng án nhiều, còn yếu kém; thường xuyên đôn đốc các Chi cục THADS, các chấp hành viên đẩy nhanh tiến độ tổ chức thi hành án; thành lập Tổ công tác đôn đốc, chỉ đạo THADS (Bắc Giang, Sơn La...); Lãnh đạo Cục, lãnh đạo Phòng chuyên môn phụ trách địa bàn đã thường xuyên bám sát cơ sở, trực tiếp xuống làm việc, hướng dẫn các Chi cục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ tổ chức THA (TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Long An, Tây Ninh…).
Bên cạnh công tác cán bộ, các địa phương còn chú trọng các giải pháp trong công tác chuyên môn. Từ các TP lớn nơi có lượng án nhiều, phức tạp như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai… thì nhiều tỉnh có lượng án trung bình như Hưng Yên, Bắc Giang, Quảng Ninh…đến những tỉnh miền núi còn rất nhiều khó khăn như Lai Châu, Bắc Kạn…đã chọn giải pháp tổ chức các đợt cao điểm về THA.
Nhiều địa phương chủ động kết nối với các ngành, tăng cường công tác tham mưu trong việc kiện toàn, phát huy vai trò của Ban chỉ đạo THADS; tranh thủ ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương; thường xuyên tổ chức các đợt thi đua, qua đó tìm kiếm và nhân rộng các mô hình hay, sáng kiến tốt…
Năm 2015, một năm có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước , của ngành cũng là năm thứ 3 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp, những chuyển biến cơ bản trong công tác THADS năm vừa qua sẽ là tiền đề quan trọng để kỳ vọng những đột phá trong năm mới.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Dự thảo Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật THADS (có hiệu lực từ ngày 1/7/2015), với nhiều nội dung mới như về quyền, nghĩa vụ của đương sự trong THADS; về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan THADS; về chấp hành viên; về các biện pháp bảo đảm THA; cưỡng chế THA, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt các thủ tục THADS được quy định theo hướng đơn giản, Luật THADS sửa đổi được đánh giá là hành lang pháp lý quan trọng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân cũng như việc tác nghiệp của chấp hành viên, cơ quan THA.