Máu và nước mắt
Nhắc đến thảm sát Bình An, người ta hay nói tới nhân chứng sống là ông Nguyễn Tấn Lân (SN 1951, ở thôn An Vinh 1, xã Tây Vinh) như một con người đặc biệt. 50 năm trước, ông Lân là một cậu bé 15 tuổi, cùng mẹ và em gái đối diện súng đạn quân thù, nhưng chỉ mình ông may mắn.
Tận mắt chứng kiến người dân làng mình ngã xuống sau những loạt đạn tàn bạo, tận mắt thấy em gái rồi đến mẹ trút hơi thở cuối cùng, bản thân cũng thương tật, nên với ông Lân, chiến tranh dù đã lùi xa nửa thế kỷ, hay có xa hơn nữa thì nỗi đau ấy vẫn là điều ám ảnh khi ông còn trên cõi đời này.
Ngược dòng 50 năm về trước, và bắt đầu với câu hỏi vì sao lại là vùng đất Bình An? Đầu tiên, vùng đất này vốn có vị trí đặc biệt quan trọng tại chiến trường Bình Định trong kháng chiến chống Mỹ.
Phía Đông Bắc của Bình An giáp sân bay quân sự Phù Cát, huyện Phù Cát bây giờ. Đây là 1 trong 3 sân bay mà Mỹ dùng để đi phun và rửa nhiên liệu thuốc hóa học. Phía Tây Nam cách quốc lộ 19 chỉ vài cây số, là tuyến giao thông huyết mạch, cửa ngõ Bắc Tây Nguyên.
Vì thế, kẻ thù luôn quyết tâm phải dành quyền kiểm soát Bình An bằng mọi cách, làm bàn đạp chi viện cho chiến trường Tây Nguyên. Sau nhiều lần chiếm giữ không được, quân địch hạ quyết tâm tiêu diệt cứ điểm Bình An bằng mọi giá.
“Sáng ngày 12/2/1966, những tiếng pháo lớn nhỏ ầm ầm dồn dập từ Phú Phong bắn xuống, căn cứ Lai Nghi bắn qua, Truông Bà Đờn bắn lên, sân bay Phù Cát bắn vào phá tan cảnh thanh bình của làng quê Bình An”, ông Lân bắt đầu câu chuyện như thế.
“Sau đó, từ đầu làng An Vinh, lính Nam Hàn nổ súng inh ỏi, dân làng hoảng hốt kêu la, tiếng trẻ con kêu khóc thảm thiết, người dân hỗn loạn dắt díu nhau xuống hầm để tránh đạn”, cảnh tượng hãi hùng của 50 năm trước qua lời kể người đàn ông.
Chỉ trong vòng hơn một tháng từ 23/1 - 26/2/1966 tại xã Bình An, những đợt càn quét với khẩu hiệu “ba sạch” (giết sạch, đốt sạch, phá sạch) của địch đã làm hơn 1000 người chết, hàng ngàn ngôi nhà bị tàn phá, nhiều gia đình rơi vào cảnh tang thương, người thân bị giết hại, có gia đình không một ai sống sót…
Ông Nguyễn Tấn Lân, nhân chứng sống của vụ thảm sát Bình An |
Trở về từ cõi chết
Khi trận thảm sát xảy ra, nhà ông Lân chỉ có 3 mẹ con, ông Lân lúc đó mới 15 tuổi, nhưng nhớ rõ mồn một. “Hôm đó là ngày 23 tháng Giêng Xuân Bính Ngọ 1966, khoảng 4h sáng, tôi đã nghe tiếng súng rồi nhưng không biết là của bên nào, sau đó 3 mẹ con dắt nhau chạy xuống hầm trốn”, ông Lân kể.
“Từ trong hầm, tôi nghe tiếng súng mỗi lúc một gần và dữ dội hơn, xen lẫn tiếng người kêu la khóc lóc. Nghe thì nghe vậy chứ tôi hoàn toàn không biết chuyện gì đang xảy ra. Đến 8h sáng, bọn lính phát hiện hầm của 3 mẹ con tôi nên bắt và dẫn đi. Khi ấy, tôi mới nhận ra đó là lính Nam Hàn”, ông Lân giọng chậm rãi.
Ông Lân tiếp tục kể: “Chúng dẫn 3 mẹ con tôi ra đám ruộng Cạnh Buồm (thuộc xóm 1, thôn An Vinh) thì ở đây đã có khoảng 20 gia đình đang bị chúng bắt quỳ và cuối đầu xuống đất. Lát sau, chúng xả súng và ném lựu đạn vào đám đông mặc cho mọi người liên tục lạy lục van xin”.
“Khi tôi đang quỳ thì nghe một tiếng “bịch”, quay lại nhìn thì thấy một quả lựu đạn ngay cạnh gót chân. Mẹ tôi la lớn: “Lựu đạn, lựu đạn chạy đi con”. Ngay lập tức, tôi vùng dậy chạy được vài bước thì lựu đạn phát nổ…”, người đàn ông hồi tưởng lại quá khứ đau thương, lời kể như cứa sâu thêm vào nỗi đau.
Bất chợt, giọng nói ông Lân như bị nghẹn lại trong cổ họng, khuôn mặt tối xầm lí nhí: “Nếu không chạy được mấy bước đó thì tôi cũng không thể sống sót đến hôm nay. Sau khi phát nổ, nhiều mảnh lựu đạn găm trên người tôi đến bây giờ vẫn còn trong cơ thể chưa lấy ra hết”.
Đợt thảm sát kinh hoàng đó đã cướp đi sinh mạng người mẹ và em gái của ông Lân. Sau những trận càn của kẻ thù là những ngôi nhà lửa đỏ cháy rực, là cánh đồng lênh loáng máu, ngập thây người với không khí tang thương.
Đối diện với những mất mát quá lớn, ông Lân đã đi theo tiếng gọi của cách mạng bảo vệ quê hương nhưng trong lòng luôn mong ước chiến tranh sớm kết thúc, quê hương được thanh bình.
Hàn gắn vết thương
Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm. Hơn 10 năm nay, ngay tại xứ sở Hàn Quốc đã hình thành phong trào “Thành thật xin lỗi Việt Nam” thu hút sự quan tâm của nhiều tổ chức, đoàn thể xã hội, nhất là giới trẻ ở Hàn Quốc, phản đối cuộc chiến đẫm máu tại Việt Nam và mong muốn hàn gắn vết thương.
Tháng 4/2015, Tổ chức Bảo tàng hòa bình Hàn Quốc đã mời ông Nguyễn Tấn Lân và bà Nguyễn Thị Thanh (quê ở thôn Phong Nhị, xã Điện An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), cũng là một nạn nhân trong vụ thảm sát mà nhiều thành viên trong gia đình bị giết hại qua Hàn Quốc nói về cuộc chiến tại Việt Nam và vụ thảm sát thương tâm ngày xưa.
Rất nhiều sinh viên, giáo sư, tiến sĩ của các trường đại học lớn ở Hàn Quốc đã đón chào các “nhân chứng sống” bằng sự niềm nở, hiếu khách và lòng cảm mến thân thương.
Những phát biểu của ông Lân trước đông đảo Quốc hội và nhân dân Hàn Quốc đưa ra một cái nhìn trung thực, đúng đắn về lịch sử. Đó cũng là dịp để Hàn Quốc và Việt Nam cùng nhau tiến bước trên con đường của hòa bình và sự hợp tác.
Nạn nhân sống sót sau thảm sát Bình An được chào đón trên đất Hàn Quốc |
Cũng gần đây, tháng 2/2016, tại buổi lễ kỷ niệm thảm sát Gò Dài, GS.Roh Hwa Wook - Chủ tịch Ủy ban xúc tiến thành lập quỹ hòa bình Hàn Việt đã đến dự và có những lời nói xin lỗi chân thành với người dân Bình An nói riêng, nhân dân Việt Nam nói chung.
“Xin lỗi, thành thật xin lỗi. Xin lỗi vì chuyện đã xảy ra từ rất lâu rồi mà đến nay tôi mới trễ tràng mang theo nhành hoa đến đây để xin được tạ lỗi. Biết nói gì đây để bày tỏ thấu lòng tôi. Xin lỗi, rất xin được tạ lỗi. Tôi sẽ phải luôn ghi nhớ điều này, tôi sẽ cố gắng hết mình để sự hy sinh của người đi trước không trở thành vô nghĩa”, lời giáo sư người Hàn Quốc.
Đặc biệt, sau lời phát biểu, ông Roh Hwa Wook đã quỳ thụp xuống tạ lỗi những linh hồn nạn nhân, gia đình thân nhân và đất nước Việt Nam về cuộc chiến.
Hơn ai hết, ông Lân thấm thía sự tàn khốc của chiến tranh, nhìn lại cuộc đời đã qua, ông tâm sự: “Chúng tôi sẵn sàng tha thứ nhưng không bao giờ quên được những gì họ đã gây ra. Lý do chúng tôi phải ghi nhớ một giai đoạn lịch sử sai lầm, một cuộc chiến tranh tàn khốc là để mai sau chúng ta không lặp lại những bài học đắt giá này nữa. Bởi với chiến tranh, chúng ta đều là nạn nhân”.
Nói rồi, ông Lân bảo: “Những mất mát quá lớn, vết thương chiến tranh vẫn đang từng ngày âm ỉ. Mong rằng phía Hàn Quốc sẽ có động thái cụ thể, thiết thực để bù đắp hậu quả mà họ đã gây ra. Cũng như chính quyền Việt Nam sẽ tạo điều kiện giúp đỡ nạn nhân và gia đình nạn nhân trong cuộc thảm sát. Chiến tranh đã đi qua, chỉ mong tất cả chúng ta đều cùng nhau hàn gắn bằng tình yêu thương và lòng yêu chuộng hòa bình”.