Gần 6.000 năm trước loài người đã biết thắp hương thờ cúng
Theo một số nhà nghiên cứu văn hóa và khảo cổ học thì đến nay khoa học lịch sử chưa thể khẳng định được cái nôi của tục thắp hương cho tổ tiên, thần linh được sinh ra ở đâu. Tuy nhiên, từ những tư liệu khảo cổ học cho thấy, tục thắp và dâng hương tổ tiên, thần linh có từ cách đây gần 6000 năm.
PGS.TS Trình Năng Chung (Viện Khảo cổ học Việt Nam) cho biết, trong một khu mộ thuộc thời đại Đá Mới ở Ấn Độ, người ta đã phát hiện được những lọ gốm bên trong có tro than của một loại chất đốt có mùi thơm. Đây có lẽ là dấu tích sớm nhất về tục đốt hương dành cho người quá cố. Sau khi nghiên cứu, các nhà khoa học khẳng định khu mộ này có niên đại cách ngày nay khoảng 5.700 năm.
Cũng theo TS.Chung, ra trong các đền thờ vua chúa ở Ai Cập cổ đại có tuổi gần 5.000 năm cách nay cũng phát hiện nhiều hình chạm khắc tường miêu tả cảnh dâng hương lên các vị thần. Từ những tư liệu này, các nhà khảo cổ học đã đi đến kết luận đây chính là dấu hiệu của việc thắp hương thờ cúng người chết và thần linh.
Ở Trung Quốc, trong một khu mộ thời Chiến Quốc (2.500 năm cách nay) ở vùng Chiết Giang, người ta đã phát hiện những chiếc đỉnh gốm, bên trong bị ám khói do một loại thực vật có hương thơm bị đốt.
Còn ở Việt Nam, trong truyền thuyết vùng đất Tổ Phú Thọ có nhắc đến việc các Vua Hùng có nghi thức dâng hương khấn trời đất, thần linh trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh. Điều này đưa đến giả thuyết rằng tục thắp hương của người Việt cổ đã có cách đây khoảng gần 4000 năm.
Theo nhà nghiên cứu Trình Đăng Chung, dân gian quan niệm thắp hương là nghi thức để người đời kết nối với thần thánh; để con cháu kết nối với tổ tiên đã khuất; thể hiện tấm lòng thành kính, trang trọng.
Tại sao thường thắp 3 nén hương?
Các nhà nghiên cứu văn hóa nhận định, tục thắp và dâng hương đã đi vào đời sống văn hóa tín ngưỡng của người Việt Nam như một nét đẹp truyền thống, rất gần gũi, thiêng liêng. Trong quá trình nghiên cứu về tục lệ này, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng việc thắp hương liên quan đến con số 3 và có những kiến giải thú vị.
Theo PGS.TS Trình Năng Chung thì trong thuyết âm dương lưỡng hợp, số lẻ tượng trưng cho cõi dương, số chẵn tượng trưng cho cõi âm. Số dương nhỏ nhất là 1, số âm nhỏ nhất là 2, cộng hai số nhỏ của âm và dương bằng 3 (1 + 2 = 3).
Đây là con số tượng trưng cho sự hòa hợp giữa âm và dương, là sự phát triển bền vững trường tồn, may mắn, thuận lợi. Trong đó, bội số của 3 là 9, tượng trưng cho đỉnh cao hạnh phúc, an lành viên mãn.
Do vậy, trong khi thực hành hành vi thắp và dâng hương trong lễ cúng tổ tiên, thần thánh người ta thắp hương theo con số lẻ là 1, 3, 5, 7, 9. Đặc biệt, khi thắp hương người ta thường thắp 3 nén, vừa đủ gói trọn triết lý sâu xa con số 3 như trên đã diễn giải.
“Trong thực tế, có người thắp 1 nén hương khi thờ cúng cũng được, nhưng đây chưa phải là con số đẹp, mà phải là 3 nén. Tất nhiên, điều cốt yếu là chính ở lòng thành người thắp và dâng hương”, PGS Chung cho biết.
Cũng theo vị PGS này, trong tang ma khi thắp hương cho người chết thì có sự khác biệt so với thắp hương cho tổ tiên. Quan niệm dân gian cho rằng, người mới chết chỉ được thắp 2 nén hương, bởi từ lúc chết đến 3 ngày sau, linh hồn vẫn còn ở lại chốn trần gian. Vì vậy, 3 ngày sau khi chết người ta mới thắp 3 nén hương với ý nghĩa linh hồn người chết đã được siêu thoát.
Còn Hòa thượng, Đại đức Thích Tâm Kiên, Trụ trì chùa Một Cột (Hà Nội) cho rằng có sự khác biệt trong quan niệm thắp 3 nén hương khi cúng tổ tiên thần, thánh. Theo Đại đức Thích Tâm Kiên, với nhà Phật, việc thắp hương có đôi chút khác biệt so với chúng sinh.
Theo đó, người đến chùa thắp hương có thể thắp 1, 2 hoặc 3 nén. Sở dĩ có điều này là do nhà Phật quan niệm việc thắp hương là xuất phát từ cái tâm của con người, chỉ cần tâm hướng Phật thì tấm lòng được thanh thản. “Vì điều này nên nhà chùa thường không đặt ra luật lệ nào đối với chúng sinh khi dâng hương cửa Phật”, Đại đức Thích Tâm Kiên nói.
Tuy nhiên vị đại đức này cũng cho rằng, mặc dù nhà Phật không đặt ra luật lệ chặt chẽ đối với chúng sinh khi lên chùa thắp hương, nhưng xét quan niệm văn hóa truyền thống thì người dân nên thắp 3 nén hương khi lên chùa là đẹp nhất. “Điều này tượng trưng cho sự kết nối giữa người trần với Đức Phật, giúp tâm hồn thanh tịnh, trong sáng hơn”, vị Đại đức nói.
Cũng theo Hòa thượng, Đại đức Thích Tâm Kiên, Nhà Phật có 5 loại hương chính là giới hương, định hương, tuệ hương, giải thoát hương và giải thoát tri kiến hương. 5 loại hương này được phân theo cấp độ cao thấp khác nhau.
Thấp nhất là giới hương dùng để tâm hồn con người tự trút bỏ những ác ma, tham, sân, si... cao nhất là giải thoát tri kiến hương, đây là loại hương chỉ có những người tinh thông giáo lý nhà Phật, một lòng hướng Phật mới có được và loại hương này chỉ có trong tâm mỗi người chứ không thể tìm thấy ở ngoài.