Phá án từ mẩu đế giày
Minh chứng cho điều này là kết quả phá vụ án trộm cắp tài sản do Vũ Mạnh Hùng (SN 1972, trú tổ 53, phường Bồ Xuyên, TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình) gây ra vào năm 2014.
Hùng là một tên trộm chuyên nghiệp đã có 3 tiền án về tội trộm cắp tài sản. Để có tiền thỏa mãn cơn nghiện ma túy, Hùng cùng người tình Nguyễn Thị Thảo (SN 1965, trú tổ 8, phường Lê Hồng Phong, TP.Thái Bình) lên kế hoạch ra miền Trung “khoắng” tài sản của các cơ quan hành chính.
Đầu tiên, ngày 6/7/2014, cặp đôi này đột nhập vào trụ sở UBND TP. Huế. Sau đó 4 ngày, Hùng lẻn vào Sở Y tế Thừa Thiên-Huế mà không bị phát giác. Riêng trường Mầm non Hoa Mai là nơi bị thiệt hại nhiều nhất, mất hơn 100 triệu đồng. Ngay cả trụ sở làm việc của Tỉnh ủy, Hùng cũng không bỏ qua.
Xen kẽ giữa những vụ trộm trên địa bàn Thừa Thiên-Huế, Hùng và Thảo còn gây án ở Quảng Trị, Quảng Ngãi. Ngày 18/10/2014, Hùng đột nhập vào 8 phòng làm việc của UBND TP.Đông Hà (Quảng Trị) lấy trộm 52 triệu đồng. Sau đó, Hùng cùng người tình vào TP. Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) để “thăm” trụ sở UBND thành phố này và ẵm 63 triệu đồng.
Ở Đà Nẵng, do UBND thành phố được bảo vệ nghiêm ngặt nên Hùng không dám đột nhập. Nhưng cũng tại “Thành phố đáng sống”, Hùng cũng đã “ghé” 4 phòng làm việc của trụ sở Phòng Tài chính-kế hoạch quận Liên Chiểu và cuỗm 25 triệu đồng.
Vào Quảng Nam, tối ngày 17/11/2014, chỉ trong vòng 2 tiếng đồng hồ, Hùng đã cạy tung 15 phòng làm việc của UBND TP.Tam Kỳ để trộm tài sản. Gây án xong, Hùng và Thảo lập tức bay ra Bắc.
Cũng như những phi vụ trước đó, Hùng ung dung về quê hưởng thụ tài sản trộm cắp. Từ Thái Bình vào Quảng Nam gây án trong tích tắc rồi cao chạy xa bay gần 1.000 km, Hùng và Thảo đinh ninh rằng công an sở tại không thể nào lần ra dấu vết của mình. Nào ngờ, chỉ sau 3 ngày, đại tá Nguyễn Thế Nghiệp đã đưa cặp đôi bất hảo này ra ánh sáng.
Khi khám nghiệm hiện trường, phòng Cảnh sát Hình sự phát hiện có một mẩu đế giày nhỏ bị gãy. Linh tính đó là đế giày của hung thủ, Đại tá Nghiệp đã cho xác minh. Một chủ cơ sở giày nhiều năm kinh nghiệm mô phỏng được loại giày tương ứng với mẫu đế giày trên, đồng thời cho hay, loại giày này đa số người phía Bắc hay dùng.
Liên hệ với các vụ trộm công sở ở các tỉnh, thành lân cận trong thời gian gần đó, Đại tá Nghiệp nhận thấy, các vụ trộm có nhiều đặc điểm giống nhau. Từ đây, Đại tá Nghiệp nhận định, đối tượng là người Bắc, không phải là người địa phương, đã gây án ở nhiều công sở.
Điều tra theo hướng phán đoán của Đại tá Nghiệp cùng với việc sử dụng đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ, 3 ngày sau đó, các trinh sát đã xác định danh tính của kẻ tình nghi. Ngày 22/11/2014, Vũ Mạnh Hùng bị bắt giữ và 5 ngày sau, người tình của y là Nguyễn Thị Thảo cũng bị bắt.
“Thông thường khi bắt thủ phạm thì chứng cứ phải rất chặt chẽ, nhưng vụ này chỉ có 50/50. Thế nhưng với linh tính nghề nghiệp cùng với nghiệp vụ, kinh nghiệm dày dặn, đại tá Nghiệp đã chỉ đạo bắt Vũ Mạnh Hùng. Sự quyết đoán của đại tá Nghiệp đã mang lại thành công cho vụ án.
“Phá xong vụ này, công an các tỉnh miền Trung ai cũng thán phục”, đại úy Lương Quốc Nghĩa (Đội trưởng Đội phòng chống tệ nạn thuộc PC45) nói.
Chia sẻ kinh nghiệm phá án, đại tá Nghiệp cho hay, mỗi khi tiếp cận hiện trường phải chú ý tất cả các chi tiết, không thể bỏ sót một chi tiết nào. “Cũng có nhiều khi dấu vết hung thủ lộ ra rất tình cờ. Nếu trinh sát không nhanh nhạy rất dễ bỏ qua”, đại tá Nghiệp nói.
Đại tá Nghiệp chia sẻ, có vụ án mờ điều tra mất rất nhiều thời gian, do thông tin bị loãng, như vụ án nữ thầy bói Nguyễn Thị Thanh bị sát hại vào ngày 4/4/2012 tại huyện Núi Thành. Nhưng cũng có những vụ án mờ lại điều tra rất nhanh, điển hình là vụ án Lê Văn Phúc sát hại chị Nguyễn Thị Tuyết (huyện Thăng Bình) năm 2014 do yêu đơn phương.
Vụ án xảy ra vào ban đêm tại đoạn đường vắng không ai chứng kiến, nạn nhân bị vùi xác 4 ngày sau mới phát hiện nên các dấu vết đã bị mờ, thay đổi. Lần theo hàng chục mối quan hệ của nạn nhân, triệu tập hàng trăm đối tượng hình sự nhưng không có kết quả.
Song chính trong lúc đến hiện trường, đại tá Nghiệp nghi ngờ trước sự thờ ơ của một nhóm đối tượng đang đánh bi-a gần hiện trường vụ án. Vị đại tá “lão luyện” liền cho điều tra viên triệu tập các đối tượng này về trụ sở làm việc. Sau khi thanh lọc cả nhóm, còn 2 đối tượng có dấu hiệu khả nghi, trong đó có một đối tượng tên Zít.
"Lúc đó, tôi chỉ nghe anh em nói còn lại đối tượng tên Zít và một đối tượng khác. Nhưng khi trở lại hiện trường, linh tính mách bảo tôi phải tìm được đối tượng tên Phúc. Lúc này tôi nói với một trinh sát phối hợp với công an huyện Thăng Bình tìm đối tượng khả nghi này.
Trinh sát liên hệ thì được biết đối tượng Zít tên thật chính là Phúc. Từ đây, bằng các biện pháp nghiệp vụ, sau 4 giờ đấu tranh, cuối cùng Lê Văn Phúc đã khai nhận hành vi phạm tội của mình", Đại tá Nghiệp kể lại.
Đại tá Nghiệp chỉ đạo thực nghiệm điều tra. |
Mê ngành y nhưng đi lính hình sự
Đại tá Nghiệp quê gốc tỉnh Thái Bình. Ngay từ nhỏ, cậu bé Nghiệp đã ấp ủ ước mơ trở thành bác sĩ. Thời ấy, gia đình anh rất nghèo, ông bà, cha mẹ thường hay ốm đau. Chứng kiến cảnh đó, anh Nghiệp muốn học ngành y để có điều kiện khám chữa bệnh cho người thân và những người dân vùng quê nghèo của mình.
Thi vào trường Y lần đầu thiếu điểm, anh Nghiệp quyết tâm ôn tập để thi tiếp vào năm sau. Trong lúc đang miệt mài đèn sách thì Công an huyện Vũ Thư (Thái Bình) có đợt tuyển quân thế là anh đăng ký. Kể từ “bước ngoặt” đó, chàng trai Nguyễn Thế Nghiệp theo ngành công an cho đến nay.
Đại tá Nghiệp cho biết, trước năm 1975, bố anh chiến đấu trên chiến trường Quảng Nam. Sau ngày giải phóng, ông về quê đoàn tụ với gia đình không lâu thì nhận lệnh vào Tây Nguyên công tác. Hai năm sau, bố anh lại được điều về Quảng Nam- Đà Nẵng.
Lúc bấy giờ, anh cũng vừa tốt nghiệp trường công an và theo cha vào Quảng Nam-Đà Nẵng công tác tại Công an huyện Quế Sơn. Qua nhiều năm phấn đấu, đến năm 1985, anh được bổ nhiệm Phó CAH Quế Sơn khi vừa tròn 30 tuổi.
9 năm sau (1993), anh được điều động về giữ chức Phó trưởng Phòng CSHS CA tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng. Năm 1997, sau khi chia tách tỉnh, anh được phân công làm Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự - PC45 Công an Quảng Nam cho đến nay.
Trong 20 năm đảm nhiệm chức Trưởng phòng, Đại tá Nguyễn Thế Nghiệp cùng đồng đội đã phá hàng ngàn vụ án hình sự, đặc biệt là các vụ án mờ. Với quyết tâm cao và tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, đại tá Nghiệp đã chỉ đạo cán bộ chiến sĩ PC45 bằng mọi cách đưa hung thủ ra trước ánh sáng pháp luật trong thời gian nhanh nhất.
Với những chiến công lập được, đại tá Nghiệp 3 lần vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, ngoài ra anh còn sở hữu hàng chục giấy khen, huân chương của Bộ Công an, UBND tỉnh, Tỉnh ủy Quảng Nam...
Đại tá Nguyễn Viết Lợi (Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam) đánh giá: “Đại tá Nghiệp là người chỉ huy xuất sắc". Dưới sự chỉ huy của anh, cảnh sát hình sự Quảng Nam luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.