Là một xã ngoại thành Hà Nội, thuộc vùng đất xứ Đoài nhiều truyền thống văn hóa, xã Canh Nậu (huyện Thạch Thất) vẫn còn giữ được nhiều phong tục tập quán đẹp. Tết Cá mùng 3, Tết gà mùng 7 là một ví dụ.
Cũng không ai biết phong tục này có từ bao giờ, chỉ biết nó đã tồn tại cùng cuộc sống của những người con sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này như một lẽ tất yếu.
Hình minh họa |
Theo các cụ cao niên trong làng lý giải, phong tục này ra đời cùng với sự cần kiệm chắt chiu của người nông dân.
Ngày xưa, khi đất đai còn rộng rãi, các hộ gia đình hầu hết đều có vườn cây ao cá, việc Tết cá là cách để con cháu cung kính dâng lên ông bà tổ tiên sản vật của gia đình mình, và cũng là cách để giảm thiểu việc mua bán với con các kéo lên từ ao của nhà.
Và cứ như vậy, kể cả khi các ao cá trong làng đã dần dần bị lấp đi, thay vào đó là nhà cửa mọc lên san sát, thì người dân Canh Nậu vẫn giữ tập tục này như một nét đặc sắc riêng của mình.
Giải thích một cách khoa học, thì sau 2 ngày Tết ê chề ngán ngấy với thịt thà, bánh trái… vào ngày mùng 3 Tết, có một miếng cá rán cùng bát canh cá nấu chua, thật chẳng có thứ sơn hào hải vị nào hợp miệng bằng.
Hình minh họa |
Vì Tết cá của ngày mùng 3, Canh Nậu có một phiên chợ mỗi năm chỉ có một lần. Chợ chỉ bán cá và các loại rau, củ quả phục vụ cho bữa Tết cá.
Chợ được hợp vào mờ sáng của ngày mùng 3 Tết, trong ánh đèn ắc quy vàng vọt của người bán, trong ánh đèn pin nhoang nhoáng của người đi mua.
Từ 2- 3 giờ sáng, đã lác đác người dọn hàng đặt chỗ, rồi tiếng bước chân nhẹ nhàng, rồi dồn dập từ các ngõ nhỏ hối hả hướng về phía chợ. Ai cũng muốn đi thật sớm để chọn được cho nhà mình những con cá tươi ngon nhất.
Chợ cá Canh Nậu có đủ các loại cá phục vụ nhu cầu đa dạng của người dân, từ những con trắm đen vài ba cân, đến con cá trôi nho nhỏ chỉ vài ba lạng.
Người Canh Nậu có thể không có gà trống ngậm hoa hồng nằm trên mâm xôi hoa cau trong đêm cúng giao thừa, nhưng giàu nghèo gì cũng phải có con cá cúng Tết mùng 3. Nhà có điều kiện mua hàng chục cân cá về mở tiệc cá, chế biến đủ món, đủ kiểu mời anh em bạn bè. Nhà nghèo chỉ cần con cá nho nhỏ rán vàng bày lên cúng gia tiên lấy lệ.
Sau ngày mùng 3, sáng sớm mùng 4, bà con Canh Nậu lại ra đồng với những thửa ruộng đang chờ xuống mạ. Họ lại làm việc như Tết đã ở xa lắm, từ những ngõ xóm tới đường lớn, không còn không khí của hội hè, vui chơi, nhưng đến ngày mùng 7, dù có dở công việc gì thì họ cũng bỏ đấy để quay trở lại với Tết.
Nếu ngày mùng 3, là ngày Tết cá, thì đến mùng 7, trong mâm cỗ cúng gia tiên của người Canh Nậu bắt buộc phải có món thịt gà. Nhà cầu kỳ thì từ thịt gà sẽ chế biến ra nhiều món, mâm cỗ chỉ toàn thịt gà. Nào là gà luộc, gà rang, gà hầm thuốc bắc, gà xé phay, lẩu gà… Nhà đơn giản chỉ cần con gà luộc chặt làm đôi bày hai nơi bàn thờ.
“Mùng 3 đến tôi ăn cá nhé/Mùng 7 đến tôi ăn gà nhé !!!” – Câu mời được kèm với câu chúc mừng năm mới của người Canh Nậu khi gặp bà con, bạn bè trong làng ngoài xã, vừa xởi lởi, thân tình ấm áp, vừa như hàm chứa một niềm tự hào về một nét văn hóa đặc sắc riêng của của quê mình.
Mộc Miên
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu