Ngày 23/8, Văn phòng Chính phủ có công văn “hỏa tốc” số 7027/VPCP-KTN thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng về việc kiểm tra thông tin báo nêu. Công văn này được gửi cho UBND tỉnh Lào Cai, kèm theo nơi nhận là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương… Nội dung công văn “hỏa tốc” nêu rõ yêu cầu của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: “Ngày 22 tháng 8 năm 2016, Báo Pháp luật Việt Nam điện tử có đăng bài “Lào Cai sập mỏ vàng, 18 người chết, thông tin bị cô lập”.
Về việc này Phó Thủ tướng yêu cầu: UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh làm rõ thông tin như Báo Pháp luật Việt Nam điện tử nêu; đồng thời khẩn trương thực hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục hậu quả tai nạn, hỗ trợ gia đình người bị nạn sớm ổn định cuộc sống”.
“Sau hàng loạt cái chết”, ngày 25/8 (tức sau 7 ngày kể từ ngày xảy ra tai nạn và sau 3 ngày kể từ ngày Phó thủ tướng có yêu cầu “hoả tốc”) Chủ tịch Đặng Xuân Phong mới đích thân dẫn đầu đại diện các cơ quan chức năng “cuốc bộ” vào hiện trường. Rời hiện trường, ông Phong nói với PV Báo Pháp luật Việt Nam điện tử: “Tỉnh tiếp cận được tới nơi thì người ta đã di chuyển đi rồi (xác chết - PV)”. Đúng là muộn còn hơn không.
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Xuân Phong đứng thứ 2 từ phải sang trái đích thân đi bộ vào mỏ vàng Mà Sà Phìn, Nậm Xây, Văn Bàn. Ảnh: LN |
“Sau hàng loạt cái chết”, Chủ tịch Phong cho biết: "Chúng tôi đã chỉ đạo thành lập tổ công tác gồm các cơ quan ban ngành liên quan thành lập tổ kiểm tra, đánh giá và có báo cáo chi tiết các thông tin mà báo chí và người dân phản ánh”. Trả lời câu hỏi của báo chí rằng, có thông tin chủ nhân bãi vàng là em của một lãnh đạo tỉnh Lào Cai, vì vậy mà thông tin về số người chết tại bãi vàng bị chậm trễ? Ông Phong nói: “Chúng tôi cũng có nghe thông tin này nhưng chưa xác minh được. Chúng tôi sẽ cho làm rõ”. Phải nói rằng, trước báo chí, Chủ tịch Phong đã thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt tìm ra sự thật, không có “vùng cấm”…
“Sau hàng loạt cái chết”, Chủ tịch Phong bày tỏ quan điểm với đại diện cơ quan chức năng: “Người chết làm sao giấu được”. Đúng vậy! Nhưng nguyên nhân là “thiên tai” hay “nhân tai” thì lại đang cần phải làm cho rõ(!?).
Người chết là những “phu vàng” - làm công ăn lương, nghĩa là phải có người trả lương cho họ. Người trả lương cho “phu vàng” có thể là Cty Cổ phần Nhẫn hoặc người chủ là “vàng tặc”. Dẫu chủ “vựa vàng” ở Mà Sa Phìn có là ai chăng nữa thì cũng phải chịu trách nhiệm, không thể bỏ mặc “phu vàng” với “thiên tai” hoặc tai nạn lao động. Vậy thì, những người trả lương cho “phu vàng” đang ở đâu, họ là ai? Việc này nằm trong “tầm tay” của các cơ quan chức năng.
Những cái chết bao giờ cũng để lại “dấu vết” trên thân thể người bị nạn và được phản ánh tại hiện trường. “Dấu vết” nếu được cơ quan chức năng thu thập đầy đủ, khách quan sẽ là “chứng cứ” để có kết luận đúng sự thật về nguyên nhân những cái chết. Nhưng, sau 7 ngày xảy ra vụ tai nạn Chủ tịch Phong và các cơ quan chức năng mới vào hiện trường thì hàng loạt xác chết đã bị đem chôn. Thêm nữa, sau 7 ngày, hiện trường xảy ra hàng loạt cái chết cũng đã bị “xáo trộn”. Và ai dám chắc rằng hiện trường vụ tai nạn không bị bưng bít hoặc đánh tráo, để làm mất phương hướng?.
Xác chết chưa được giám định tử thi, hiện trường của những cái chết thì được tìm hiểu theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, chưa được khám nghiệm thì lấy cơ sở, chứng cứ khoa học nào mà cứ khăng khăng bảo nguyên nhân là do “thiên tai”, không phải “nhân tai”?.
46 điểm sạt lở tại bãi vàng Mà Sa Phìn phu vàng phải bỏ mạng. Ảnh: NP |
Cần nói thêm rằng, cơ quan thông tin đại chúng đã nêu những “dấu hiệu tội phạm” là do sử dụng chất nổ dẫn đến sập hầm, gây ra hàng loạt cái chết thương tâm? Tại điều 100 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về căn cứ khởi tố vụ án hình sự: “Chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những cơ sở sau đây: Tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng…”. Câu hỏi đặt ra, sau hàng loạt cái chết tại sao cơ quan có thẩm quyền chưa khởi tố vụ án hình sự để điều tra làm rõ nguyên nhân, tìm ra “thủ phạm”?.
Xưa nay đã có rất nhiều nghiên cứu khoa học về việc sạt lở đất, lũ quét… gây chết người, chỉ rõ nguyên nhân tử nạn phá rừng, nổ mìn khai thác khoáng sản (vàng…) bừa bãi. Tức là trong “thiên tai” có “nhân tai”. Thế mà, lạ thật, chết người hàng loạt ở mỏ vàng Mà Sa Phìn lại cứ đổ hết cho “ông giời” tạo ra “thiên tai”, mà lờ đi “nhân tai”?.
Các phu vàng lũ lượt rời mỏ vàng sau vụ sập hầm vùi lấp cả chục phu vàng xấu số. Ảnh: NP |
Xin nhắc lại, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu UBND tỉnh Lào Cai làm rõ thông tin Báo Pháp luật Việt Nam điện tử đã nêu và khẩn trương thực hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn… Chỉ đạo của Phó Thủ tướng không thể được hiểu “méo mó” thành việc đi “đếm xác chết” do “thiên tai” để lại, mà ý nghĩa sâu sắc hơn là phải “tìm kiếm” nguyên nhân của hàng loạt cái chết đó, để giải “bài toán” trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý khoáng sản nói riêng và quản lý kinh tế - xã hội nói chung ở tỉnh Lào Cai.
Người dân và thân nhân của những người bị nạn có quyền đòi hỏi ở những người lãnh đạo có tâm, có tầm…chỉ đạo làm rõ, minh bạch nguyên nhân chủ quan và khách quan của hàng loạt những cái chết thương tâm đó. Và chắc chắn họ sẽ “hoan hô”.