Năm 2020, người dân xứ sở chùa vàng đã hướng tới thay đổi hoàn toàn lối sống để hạn chế nạn “ô nhiễm trắng”; trong đó có thể kể tới các dự án cộng đồng tái chế lưới đánh cá bỏ đi thành mặt nạ, chai nước khử trùng phục vụ phòng chống đại dịch Covid-19.
Biến lưới đánh cá thành công cụ chống dịch
Theo Reuters, có khoảng 50.000 tàu đánh cá và 10.000 tàu thương mại hoạt động tại Thái Lan trong năm 2020. Thái Lan được ghi nhận là một trong những đất nước có ngành công nghiệp đánh bắt cá quy mô nhất thế giới. Hoạt động khai thác thuỷ sản sôi động cũng là nguyên nhân chính gây ra vấn nạn ô nhiễm nhựa đại dương trên vùng biển của quốc gia này nói riêng và trên toàn cầu nói chung.
Số liệu chính thức của chính phủ Thái Lan cho thấy, có hàng trăm loài động vật biển có nguy cơ tuyệt chủng bị thương hoặc chết, trôi dạt vào bờ biển Thái Lan mỗi năm giai đoạn 2015-2017. Trong đó, 74% là rùa biển, 89% là các loài cá khác nhau.
Một nguyên nhân lớn đến từ các lưới đánh cá nylon cũ, hỏng bị nước biển cuốn trôi, mắc vào các sinh vật biển khiến chúng bị thương hoặc nghẹt thở đến chết. Liên Hợp Quốc cũng thống kê trên toàn cầu có khoảng 640.000 tấn lưới đánh cá trôi ra đại dương mỗi năm, rồi trở thành công cụ “sát hại” các loài sinh vật biển, gây tắc nghẽn các rạn san hô.
Thực trạng này yêu cầu ngành công nghiệp đánh bắt thuỷ sản của Thái Lan phải “chuyển mình” theo hướng thân thiện với môi trường để phát triển bền vững. Trong năm 2020, có thể kể tới sáng kiến của cộng đồng ngư dân ven biển thuộc tỉnh Rayong về tái chế lưới đánh cá thành các công cụ phòng chống vi rút SARS-CoV-2 trong dự án của Quỹ Công lý Môi trường (EJF). Cụ thể, dự án này trả cho các ngư dân khoảng 10 baht (tương đương 7.500 VNĐ) cho mỗi ki-lô-gram lưới đánh cá bỏ đi rồi bán cho các công ty tái chế nhựa thành các sản phẩm phục vụ công tác phòng chống đại dịch Covid-19.
Theo Anan Jaitang, một trong hơn 100 ngư dân tham gia dự án này, chia sẻ: “Trước đây tôi chỉ chất đống các lưới đánh cá rách nát trên bãi biển do không thể sửa chữa được. Nếu không ai mua lưới đánh cá của tôi, chúng sẽ chất thành những ngọn núi nhỏ”.
Thái Lan thắt chặt định hướng tới năm 2022 sẽ cấm toàn bộ túi nhựa (Ảnh: East Asia Forum). |
Đại diện EJP cho biết, chỉ trong 2 tháng thí điểm, dự án đã thu về hơn 1,3 tấn lưới đánh cá đã qua sử dụng. Hơn 700kg lưới đã được Công ty Qualy thu mua để tái chế ngay trong nước thành các sản phẩm khác. Giám đốc tiếp thị của Qualy - Thosaphol Suppametheekulwat cho biết: Các công nhân tại nhà máy tái chế của Qualy ở trung tâm thành phố Ayutthaya thực hiện rửa sạch lưới đánh cá trước khi cho vào máy để tách nylon.
Sau đó, các hạt nylon được trộn với chất tạo màu, nấu chảy trong khuôn sản phẩm để “biến” thành các vật dụng như mặt nạ, chai xịt khử trùng, gậy đẩy nút thang máy và máy ATM để tránh tiếp xúc trong bối cảnh dịch bệnh. Vị giám đốc này còn cho biết thêm: “Chúng tôi đã bán được hơn 100.000 chiếc gậy tái chế trong thời kì đại dịch Covid-19.” Theo đó, ông khẳng định việc kinh doanh từ thu mua lưới đánh cá cũ hỏng mang tới lợi nhuận cho công ty, đồng thời hỗ trợ sinh kế cho ngư dân, giúp tạo ra nhiều sản phẩm mới, tiết kiệm tài nguyên môi trường.
Mặt khác, chính phủ Thái Lan cũng đã hoan nghênh sáng kiến này. Ukkrit Satapoomin – Giám đốc Văn phòng Bảo tồn Tài nguyên Biển và Bờ biển Thái Lan, cho biết: “Bất kỳ nỗ lực nào để loại bỏ lưới đánh cá nylon khỏi hệ sinh thái đều được hoan nghênh.”
Được biết, dự án của EJF tiếp tục được mở rộng ra tất cả các tỉnh ven biển Thái Lan vào cuối năm 2020. Đáng nói, phần lớn các cộng đồng địa phương rất ý thức về môi trường, mong muốn góp phần giúp ích cho xã hội và cứu môi trường khỏi nạn ô nhiễm nhựa. Nhưng họ không thể làm điều đó một mình mà cần sự chung tay, giúp đỡ của các tổ chức, doanh nghiệp và cơ quan chức năng của các ngành khác.
Thái Lan sẽ cấm hoàn toàn túi nylon vào năm 2022
Không chỉ các làng chài ven biển, trong năm 2020, phần lớn người dân Thái Lan đã hưởng ứng lời kêu gọi thay đổi thói quen sử dụng nhựa trong đời sống hàng ngày. Nhiều cửa hàng bán lẻ trên khắp đất nước thực hiện lệnh cấm túi nylon được phát động từ chính phủ. Người dân Thái Lan mang túi tái chế của họ khi đi mua sắm.
Đáng nói, chính phủ Thái Lan đã đặt ra Lộ trình xử lý chất thải nhựa từ năm 2018, đặt mục tiêu cấm hoàn toàn túi nylon vào năm 2022. Đối với một quốc gia nằm trong tốp 10 đất nước xả thải nhựa nhiều nhất thế giới, lệnh cấm của chính phủ Thái Lan là một động thái cực kỳ đáng chú ý với các quốc gia khác trên toàn thế giới.
Có hai động lực chính thúc đẩy lệnh cấm này. Đầu tiên, người dân Thái Lan ngày càng ý thức được “ô nhiễm trắng” đang “giết hại” các sinh vật biển như thế nào. Những hình ảnh chết chóc của các loài động vật biển trôi dạt vào bờ do mắc vào, nuốt phải nhựa đã khiến hàng triệu người dân Thái Lan bị sốc và đau buồn, khiến họ muốn làm điều gì đó để thay đổi hiện trạng này.
Mặt khác, cũng phải kể đến sự tích cực ủng hộ lệnh cấm của Bộ trưởng Môi trường Varawut Silpaarcha kể từ khi nhậm chức. Theo đó, ông đã thuyết phục được hơn 70 nhà điều hành các chuỗi bán lẻ lớn nhỏ trên cả nước áp dụng lệnh cấm sử dụng túi nhựa trong các cửa hàng của mình.
Người Thái đã thích nghi tốt với lệnh cấm này nhờ các chiến dịch giảm thiểu rác thải nhựa được thực hiện trong nhiều năm qua, từ các nhà trường, doanh nghiệp, tổ chức đến các khu phố và cộng đồng dân cư. Theo một cuộc khảo sát người dân từ 15 tuổi trở lên trên toàn quốc, được công bố vào giữa tháng 1/2020, 58% số người được hỏi ủng hộ mạnh mẽ lệnh cấm túi nylon, 23% có phần ủng hộ lệnh cấm nhưng cho rằng nó nên được áp dụng từ từ và chỉ có 9% phản đối lại lệnh cấm.
Mặc dù lệnh cấm góp phần giúp người Thái “cai nghiện” thói quen sử dụng túi nylon, nhưng vẫn tồn tại bất cập. Cơ chế thực hiện lệnh cấm này dựa trên thoả thuận tự nguyện giữa chính phủ và các nhà bán lẻ lớn nên vẫn chưa có các chế tài mạnh nhằm đảm bảo các cửa hàng phải tuân thủ. Người dân Thái Lan vẫn bắt gặp hình ảnh các nhân viên cửa hàng tiện lợi như 7-Eleven phát túi nylon miễn phí cho khách hàng nào phàn nàn vì mua nhiều đồ.
Mặc khác, chính phủ cũng cho phép một số mặt hàng được miễn trừ lệnh cấm, bao gồm đồ ăn nóng, đồ ướt, thịt tươi và rau. Lệnh cấm cũng chỉ được đẩy mạnh áp dụng tại các chuỗi thương hiệu bán lẻ lớn, ước tính chỉ chiếm 30% tổng lượng tiêu thụ túi nhựa trên toàn quốc. Phần túi nylon còn lại đến từ các cửa hàng tạp hoá nhỏ, chợ cóc và các quầy hàng lưu động lại khó thể được quản lý chặt chẽ.
Thêm vào đó, nhà hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng – Srisuwan Janya đã cáo buộc các nhà bán lẻ lợi dụng lệnh cấm để áp chi phí lên người tiêu dùng, yêu cầu khách hàng phải trả tiền thêm cho các giải pháp thay thế túi nylon khi mua sắm tại cửa hàng. Cũng có nhiều lời chỉ trích hướng về chính sách nhập khẩu chất thải của chính phủ.
Cụ thể, người dân được yếu cầu không sử dụng túi nhựa ngay lập tức nhưng chính phủ lại trì hoãn lời hứa cấm nhập khẩu chất thải nhựa. Một lượng lớn chất thải nhựa từ nước ngoài được đưa vào Thái Lan để xử lý hàng năm phần nào bù đắp cho lượng chất thải nhựa được giảm xuống từ lệnh cấm dùng túi nylon.
Có thể thấy, vẫn còn quá sớm để đánh giá mức độ thành công của lệnh cấm túi nylon tại Thái Lan. Tuy vậy, nhiều chuyên gia vẫn đánh giá đây là một động thái quan trọng trong việc thay đổi thói quen dùng đồ nhựa một lần của người Thái. Bên cạnh đó, các sáng kiến từ cộng đồng cũng rất cần thiết cho sự thay đổi, song hành với các chính sách toàn diện từ chính phủ xuyên suốt vòng đời của các sản phẩm và bao bì nhựa, vừa đảm bảo tính hiệu quả, tiết kiệm vừa bảo vệ môi trường.