Nghi lễ rước nước, tế cá là truyền thống vốn đã mai một từ lâu. Năm nay là năm thứ hai nghi lễ này được khôi phục và trở thành một nội dung chính trong lễ hội Khai ấn Đền Trần.
Từ 7 giờ ngày 2/3, các nghi thức như đọc sớ, thỉnh chân nhang… được các bậc cao niên thực hiện tại đền Cố Trạch, sau đó đoàn tổ chức rước kiệu từ đền ra Giếng cổ, tiến hành nghi thức lấy nước.
Đoàn rước gồm hơn 200 người với cờ, biểu, chiêng trống, đội bát âm, kiệu rước nước, kiệu rước cá, đội đánh bắt cá với vật dụng đầy đủ như dậm, nơm, vó…
Sau khi lấy nước, đoàn tổ chức đánh cá tại ao thả cá cạnh Giếng cổ, cá đánh bắt gồm có cá triều đẩu (cá quả) và cá hóa long (cá chép) trọng lượng từ 1,5 - 2kg, đựng trong những thúng sơn đỏ có vỉ đậy để gánh chuyển đến kiệu rồng.
Các cụ cao niên lấy nước từ Giếng rồng |
Các cụ cao niên cho biết, người được cầm bình đi lấy nước thay mặt dân làng đưa bình ra kiệu rồi phủ một tấm vải đỏ thắm lên trên. Người này được dân làng chọn từ trước và phải là người khỏe mạnh, có đạo đức, con cháu đầy đủ, trong năm gia đình không có chuyện buồn.
Từ 8 giờ 30 phút, đoàn bắt đầu rước nước và rước cá về đền Thiên Trường, thực hiện nghi lễ dâng nước và tế cá. Nghi lễ rước nước, tế cá có trong nhiều lễ hội ở vùng đồng bằng Bắc bộ, đây là nghi lễ khuyến nông, khuyến ngư, cầu mong mưa thuận gió hòa của cư dân nông nghiệp lúa nước và cũng là nghi lễ nhằm tri ân tổ tiên nhà Trần- một Vương triều khởi nghiệp từ nghề chài lưới, gắn với sông nước. Cá tế xong không đem giết thịt mà được đưa đi phóng sinh.
Đưa cá lên kiệu rước cá. (ảnh minh họa từ Internet) |
Năm nay, cá được đưa đi phóng sinh ở sông Hồng, tại khu vực phà Hữu Bị (thuộc địa bàn xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc).
Bên cạnh đó, trong các ngày từ 12 đến 16 tháng Giêng, tại quần thể di tích Đền Trần còn diễn ra nhiều hoạt động hội truyền thống khác như múa lân, múa rồng, múa sư tử, hát chèo, chầu văn, thi đấu cờ người, đấu vật, biểu diễn võ thuật bên ngoài cổng Ngũ Môn./.