Qua thảo luận cho thấy, vấn đề này vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau đối với từng nội dung quy định từ trường hợp áp dụng, thẩm quyền áp dụng đến thời hạn áp dụng, cách sử dụng thông tin, tài liệu thu thập được…
Phải “trúng” hai đích
Điểm lại quá trình nghiên cứu quy định biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt (ĐTTTĐB) trong Dự án Bộ luật, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kiểm sát (VKSNDTC) Nguyễn Thị Thủy khẳng định, Ban soạn thảo xác định đây là nội dung lớn, quan trọng nên đã tổ chức nghiên cứu bài bản, chặt chẽ, xin ý kiến của các cấp có thẩm quyền.
Cũng theo bà Thủy, việc quy định các biện pháp ĐTTTĐB vừa đáp ứng yêu cầu tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân đã được hiến định, vừa góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Kinh nghiệm một số nước như Nga, Đức, Pháp, Hoa Kỳ… cũng đã ghi nhận các biện pháp ĐTTTĐB trong luật tố tụng hình sự (TTHS) của mình.
Vì vậy, nhằm cụ thể hóa Hiến pháp 2013, tạo cơ sở pháp lý thực thi các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, mở rộng nguồn chứng cứ có giá trị trực tiếp chứng minh tội phạm và tham khảo kinh nghiệm của các nước, Thường trực Ban soạn thảo đề xuất hai phương án cho vấn đề này.
Theo đó, phương án 1 quy định cụ thể các biện pháp ĐTTTĐB gồm theo dõi bí mật; ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử; sử dung trinh sát hoặc cộng tác viên bí mật.
Còn phương án 2 chỉ quy định trong Dự thảo về căn cứ, thẩm quyền, thời hạn áp dụng các biện pháp ĐTTTĐB và việc công nhận là chứng cứ đối với các kết quả có được do việc áp dụng các biện pháp. Tên gọi cụ thể của các biện pháp ĐTTTĐB và thủ tục tiến hành do Chính phủ quy định chi tiết.
Nhiều nội dung cần tiếp tục cân nhắc
Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính Nguyễn Quốc Việt nêu quan điểm, các biện pháp đặc biệt đụng chạm đến quyền của người dân nên rất đồng ý phải ghi vào luật, nhưng không phải là một bộ phận của luật tố tụng. “Đã là biện pháp tố tụng thì ta đã có một chương về điều tra, tại sao không ghi vào đó luôn mà lại cần một chương riêng?”, ông Việt đặt câu hỏi và đề xuất phải minh bạch hóa các biện pháp đặc biệt ở một đạo luật khác.
Ngoài ra, ông Việt băn khoăn về một số nội dung như tại sao thông tin, tài liệu thu thập được bằng việc áp dụng biện pháp đặc biệt chỉ có thể được dùng làm chứng cứ trong TTHS hay tại sao chỉ có thể áp dụng biện pháp bảo vệ đặc biệt khi ảnh hưởng đến an toàn của cá nhân liên quan, đồng thời nhấn mạnh cần phải quy định chặt chẽ mới bảo vệ được dân.
Đồng tình với ông Việt rằng phải quy định thông tin, tài liệu thu thập phải là chứng cứ và cũng nhận thấy chưa có quy định biện pháp bảo vệ đặc biệt, nguyên Thẩm phán TANDTC Nguyễn Quang Lộc cho rằng cần có các biện pháp đặc biệt để tháo gỡ vướng mắc về chứng cứ khi thực tế xét xử một số vụ án cho thấy việc sử dụng đặc tình hiện không được công nhận là chứng cứ.
Tuy nhiên, ông Lộc phân tích, 5 biện pháp của phương án 1 xâm phạm trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân, đòi hỏi thủ tục phải chặt chẽ, nên chăng do Tòa án là cơ quan có thẩm quyền cho phép. Về thời hạn áp dụng biện pháp, ông Lộc kiến nghị “có đặc biệt của đặc biệt” bởi quy định không quá 2 tháng là không khả thi, ít nhất phải bằng thời hạn điều tra của những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) Trần Thế Quân cho biết, Bộ Công an trước đã có văn bản đề nghị không quy định vấn đề này và đến nay Bộ vẫn bảo lưu quan điểm. Theo ông Quân, vấn đề này không muốn quy định vào Dự thảo Bộ luật TTHS sửa đổi không có nghĩa là không được quy định trong luật bởi chúng đã được quy định tại Luật Công an nhân dân, Luật Phòng chống ma túy, Luật Phòng chống khủng bố, Luật An ninh quốc gia…
“Chẳng hạn, trong điều tra các tội xâm phạm an ninh quốc gia, có những biện pháp là tối mật, thậm chí có những biện pháp là tuyệt mật. Nếu quy định vài ba biện pháp như Dự thảo cũng không đủ, trong điều kiện hiện nay không thể đấu tranh với tội phạm được” – ông Quân dẫn chứng.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng đúc rút đây là những biện pháp đặc biệt, lại là những quy định rất mới nên cần hết sức chặt chẽ vì liên quan đến quyền con người, quyền công dân, song qua ý kiến của các đại biểu cho thấy các quy định còn lỏng, quá rộng và chưa thật chặt chẽ. Thứ trưởng yêu cầu cân nhắc vai trò của Tòa án sẽ ra sao trong quy định về thẩm quyền áp dụng và cơ quan soạn thảo giải trình thêm về trường hợp nào có thể không sử dụng thông tin, tài liệu thu thập được làm chứng cứ.
“Nên có quy định về các biện pháp ĐTTTĐB, nhưng cần tính toán kỹ mức độ phù hợp. Đã là tố tụng phải rất cụ thể, minh bạch, công khai, các cơ quan có thẩm quyền cứ thế mà làm, không thể tùy nghi được” – Thứ trưởng Tụng phát biểu.