Phòng, chống oan, sai trong TTHS: Còn nhiều chuyện phải bàn

(PLO) - Oan, sai trong tố tụng hình sự nhiều khi được phát hiện là nhờ sự khiếu nại kiên trì của gia đình và bản thân người bị oan, sai, sự lên tiếng của công luận chứ không phải do các cơ quan tiến hành tố tụng.
Vì vậy, tại phiên chất vấn của UBTVQH  đối với Chánh án TANDTC về tình trạng oan, sai trong tố tụng hình sự và việc thực hiện bồi thường oan, sai theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước sáng qua (13/3), nhiều ý kiến quan tâm đến việc xác định trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc chống oan, sai.
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình và Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình tại phiên chất vấn
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình và
Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình tại phiên chất vấn
Oan, sai vì “trọng cung hơn trọng chứng”
Những vụ án đặc biệt nghiêm trọng đang thu hút sự quan tâm của dư luận thời gian qua như vụ Hồ Duy Hải, Hàn Đức Long, Nguyễn Văn Chưởng, Ngô Bá Mai… đã được các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chất vấn Chánh án TANDTC Trương Hoà Bình với đề nghị làm rõ về tình trạng oan, sai và trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong tố tụng hình sự.
Chánh án TANDTC cho biết mới khẳng định vụ Nguyễn Thanh Chấn là oan, các vụ còn lại đang xem xét, giải quyết. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII có tổng số 35 vụ án có dấu hiệu oan, sai thì đã giải quyết được 24 vụ án, trong đó có 3 vụ đang kháng nghị xem xét lại tính chất, mức độ (chiếm 28%  tổng số các vụ đã được giải quyết). 
Tình trạng oan, sai trong tố tụng hình sự là do thiếu sót chủ yếu về tố tụng trong quá trình thu thập chứng cứ, tài liệu, giám định hiện trường, xét hỏi, việc giải quyết vụ án chưa tập trung đánh giá sự thật khách quan, “trọng cung hơn trọng chứng” như vụ Hồ Duy Hải, do năng lực, phẩm chất, trách nhiệm của cán bộ điều tra, một số có tư tưởng thành tích, nôn nóng…
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cũng thừa nhận có bức cung, nhục hình trong giai đoạn điều tra dẫn đến oan, sai nhưng chủ yếu ở cơ quan cảnh sát điều tra cấp huyện, mới đây nhất là vụ Nguyễn Thanh Kiều (Tuy Hòa, Phú Yên). Qua các vụ việc, Bộ Công an đều kiểm tra, xem xét, xử lý nghiêm minh để chống bức cung, nhục hình. Riêng 5 vụ án có dấu hiệu oan, sai đang được xem xét, Thứ trưởng Vương cho biết đã xảy ra khá lâu và đang được VKSNDTC chủ trì xem xét đánh giá cụ thể quá trình điều tra, thu thập chứng cứ. 
“Còn có bức cung, nhục hình khiến các đối tượng nhận tội thì phải xem xét đánh giá toàn diện” – Thứ trưởng Bộ Công an cho biết thêm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề: “Tòa án  có tự xác định được oan, sai và xử lý trách nhiệm như thế nào?”, và yêu cầu ngành Tòa án nhận rõ trách nhiệm khi có oan, sai dù từ giai đoạn nào. 
Đồng tình quan điểm này, Chánh án TANDTC khẳng định thông qua qui trình xét xử, tự kiểm tra các bản án của cấp mình để kiến nghị Chánh án kháng nghị nếu có sai và việc sửa, hủy bản án, Tòa án các cấp đã phát hiện nhiều vụ án sai. Năm vừa qua, số án hình sự bị sửa, hủy do lỗi chủ quan của thẩm phán là khoảng 3.000 vụ với 450.000 bị cáo (chiếm khoảng 0,6%).
“Tuy nhiên, do Tòa án không kiểm soát được ngay từ khi áp dụng các biện pháp ngăn chặn nên chỉ khi vụ án đã được đưa ra xét xử mà bị oan, sai thì Tòa án mới chịu trách nhiệm” – Chánh án khẳng định. 
Thêm vào đó, khi xác định bản án làm oan thì có nhiều hình thức để xử lý. Nếu để có bản án oan thì Tòa án phải tổ chức kiểm điểm Hội đồng xét xử (HĐXX) và thẩm phán, đánh giá do lỗi chủ quan hay khách quan, xem xét sai lầm nghiêm trọng thì đình chỉ xét xử, xác định trách nhiệm; cố ý vi phạm pháp luật làm oan thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xem xét trách nhiệm bồi thường, hoàn trả. Nếu không do lỗi chủ quan của thẩm phán thì dừng xem xét, tái bổ nhiệm.
Với lý do chưa có đủ số liệu, Chánh án Trương Hoà Bình đã không trả lời được câu hỏi của ĐB Nguyễn Văn Phúc (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế) về số việc TANDTC đã chủ động giám đốc, kiểm tra được bao nhiêu phần trăm trong số các vụ án oan, sai được phát hiện, và cấp nào, khâu nào, cơ quan tố tụng nào để oan, sai nhiều nhất.
Không được lấy tiền thuế của dân bồi thường oan sai
Vấn đề được ĐB Lê Thị Nga – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp - đặt ra là “nhiều trường hợp bồi thường oan, sai dây dưa, kéo dài, đùn đẩy trách nhiệm, không đúng nguyên tắc kịp thời, làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người bị oan, sai”. 
Giải trình về vấn đề này, lãnh đạo TANDTC cho biết, một số trường hợp có tranh chấp trách nhiệm bồi thường giữa các cơ quan tố tụng. Tuy nhiên, Chánh án TANDTC cũng thừa nhận: “Nếu chưa rõ trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm bồi thường giữa Tòa án, cơ quan điều tra và VKS nghĩa là cả 3 cơ quan đều có lỗi với dân”. 
Nhưng ông cũng chỉ ra “lỗi” của qui định pháp luật dẫn đến tình trạng này và kiến nghị cần sửa Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, trong đó xác định một cơ quan trọng tài phán quyết cơ quan nào chịu trách nhiệm trong trường hợp có tranh chấp pháp lý về trách nhiệm bồi thường hoặc theo hướng một cơ quan độc lập như Bộ Tư pháp đứng ra bồi thường, rồi xác định trách nhiệm của từng cơ quan để đảm bảo tính kịp thời của việc bồi thường.
Gửi đến Chánh án mối quan tâm của cử tri về việc thực hiện trách nhiệm bồi hoàn trong bồi thường nhà nước đối với oan, sai trong  tố tụng hình sự, ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) nhấn mạnh: “Đây là vấn đề cử tri quan tâm vì cho rằng không được lấy tiền thuế của dân để bồi trường oan, sai”.
Ông Trương Hòa Bình cho biết, trách nhiệm này chỉ đặt ra nếu người thi hành công vụ gây oan, sai do lỗi cố ý nhưng thực tế chưa xác định vụ nào là lỗi cố ý mà chủ yếu là lỗi nhận thức, vô ý nên Tòa án chưa xem xét trách nhiệm bồi hoàn. 
Từ năm 2012-2014, các Tòa án cũng đã thụ lý 19 đơn khởi kiện các cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự; đã giải quyết xong 14 vụ. Theo đó, Tòa án đã tuyên các cơ quan tiến hành tố tụng phải bồi thường với tổng số tiền là 6.513.607.241 đồng (cơ quan công an 03 trường hợp với số tiền bồi thường là 481.746.705 đồng; 
VKSND 06 trường hợp với số tiền bồi thường là 1.387.841.630 đồng;  TAND 05 trường hợp với số tiền bồi thường là 4.644.018.906 đồng). 
Trước mối quan tâm của một số ĐBQH đến trách nhiệm bồi hoàn của thẩm phán trong những vụ án oan, sai, Chánh án TANDTC lưu ý, phán quyết của Tòa án là quyết định tập thể của HĐXX, bản thân Thẩm phán chủ tọa phiên tòa không thể yêu cầu gì trong việc quyết định của các thành viên khác. Từ đó, ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TP.HCM) kiến nghị: “Cần qui định rõ vấn đề này để những người thi hành công vụ yên tâm, không nơm nớp lo”… 
Chánh án cũng khẳng định vụ án Nguyễn Văn Chưởng (Hải Phòng) bị tử hình không phải là vụ án oan, nhưng có ý kiến của Quốc hội nên sẽ được xem xét thận trọng. Còn sự khác nhau về mức án của Hàn Đức Long và Nguyễn Bá Mai là do HĐXX căn cứ vào tình tiết của từng vụ án để kết án. Riêng vụ Hàn Đức Long, Hội đồng Giám đốc thẩm TANDTC đã chấp nhận kháng nghị của Chánh án TANDTC, hủy án để điều tra lại.
Việc bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn, Chánh án TANDTC cho biết các cơ quan đã quyết liệt, có trách nhiệm để tiến hành các thủ tục. Tuy nhiên, do gia đình chưa cung cấp được tài liệu chứng minh thiệt hại theo yêu cầu của luật nên chưa thực hiện được việc bồi thường.

Đọc thêm

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước
(PLVN) -  Sáng 10/12, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
HĐND tỉnh Quảng Ninh nhất trí bầu bà Trịnh Thị Minh Thanh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, làm Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; ông Phạm Đức Ấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV...

Hiệu quả từ tư duy đổi mới, đột phá

Hiệu quả từ tư duy đổi mới, đột phá
(PLVN) -  Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2024 tổ chức ngày 7/12 vừa qua, nhìn lại 11 tháng của năm 2024, cho thấy cả nước đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, nên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước đều phục hồi và phát triển tốt. Đặc biệt, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư cao.