Miễn trách nhiệm Hình sự trái pháp luật vì sợ bồi thường
Bức tranh oan, sai trong Tố tụng Hình sự (TTHS) được “vẽ” nên bởi việc phối hợp liên ngành, thực hiện chức năng, nhiệm vụ còn chưa làm hết trách nhiệm, quá trình tranh tụng còn hình thức, qui định của pháp luật còn bất cập, chưa hoàn thiện, thiếu hướng dẫn, thậm chí có văn bản không đúng luật…và trên hết là sự hạn chế về trình độ và đạo đức của một bộ phận cán bộ tư pháp, tư tưởng nôn nóng, bệnh thành tích, chỉ muốn xong việc của mình.
Thực trạng vi phạm pháp luật trong việc áp dụng pháp luật Hình sự, TTHS dẫn đến oan, sai thuộc trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng đã được phân tích, mổ xẻ nhiều lần, tại nhiều diễn đàn và sắp tới sẽ được Quốc hội xem xét. Nhưng xử lý được tình trạng oan, sai là câu chuyện nan giải vì còn kéo theo việc thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cho người bị oan, sai.
Qua 5 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nói chung và trong hoạt động TTHS nói riêng, Bộ Tư pháp đánh giá, việc giải quyết bồi thường cho người bị thiệt hại về cơ bản được thực hiện kịp thời, hiệu quả hơn trước đây, bảo đảm tốt hơn về quyền, lợi ích hợp pháp cho người bị thiệt hại.
Mặc dù trong 3 năm 2011-2014, việc làm oan đã được hạn chế, số vụ việc bồi thường cho người bị oan do người có thẩm quyền tố tụng gây ra không nhiều; có 71 trường hợp bị oan và đã được bồi thường, 34 trường hợp có đơn yêu cầu bồi thường đang xem xét giải quyết; nhiều địa phương không xảy ra trường hợp nào bị oan nên không phát sinh yêu cầu bồi thường;
Ngược lại, có những địa phương số lượng các vụ án oan xảy ra và phải bồi thường khá nhiều như tỉnh Bình Phước phải bồi thường 16 trường hợp, tuy nhiên, số đơn đề nghị bồi thường lại khá lớn, có trường hợp gay gắt, kéo dài mà chưa được Tòa án, VKS kịp thời xem xét, trả lời.
Theo con số thống kê, trong 3 năm 2011-2014, tỷ lệ đơn đã giải quyết thấp, chỉ đạt 21,6%. Tỷ lệ vụ việc chưa được giải quyết phải chuyển sang kỳ sau qua từng năm vẫn còn cao. Đáng chú ý, còn có những trường hợp đình chỉ miễn trách nhiệm Hình sự bị can không đúng qui định tại Khoản 1 Điều 25 Bộ luật Hình sự, Khoản 2 Điều 107 Bộ luật TTHS để tránh bồi thường.
Việc bồi thường dù có Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nhưng việc thực hiện lại chưa thống nhất như đình chỉ điều tra do hết hạn điều tra không chứng minh được bị can thực hiện tội phạm thì có nơi bị can được bồi thường, có nơi lại không được bồi thường.
Bị làm oan rồi “dài cổ” chờ bồi thường
Bộ Tư pháp cho rằng, công tác bồi thường trong hoạt động TTHS không còn là vấn đề mới nhưng là một lĩnh vực khó khăn, phức tạp trong triển khai thực hiện một phần do theo qui định của pháp luật, việc thực hiện trách nhiệm bồi thường trong TTHS mỗi ngành đều có thẩm quyền riêng (về trách nhiệm giải quyết và quản lý nhà nước) trong khi yêu cầu của hoạt động giải quyết bồi thường nhà nước là phải áp dụng pháp luật thống nhất, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người bị thiệt hại.
Điểm chung lớn nhất của các trường hợp bồi thường oan sai trong TTHS là chậm, người bị oan chưa được tạo điều kiện về thủ tục, xác nhận giấy tờ làm căn cứ yêu cầu bồi thường. Có vụ bị các cơ quan tiến hành tố tụng đùn đẩy lẫn nhau kéo dài nhiều năm như vụ ông Phan Văn Lá (Long An) đã 21 năm làm “bị can”...
Trong nhiều trường hợp, người bị thiệt hại gặp khó khăn trong việc yêu cầu bồi thường do không xác định được cơ quan có trách nhiệm bồi thường như vụ ông Phan Văn Lá (Long An), ông Nguyễn Khắc Công (Nam Định)… và khó khăn trong việc tìm tài liệu, chứng cứ chứng minh thiệt hại như các biên lai khám chữa bệnh, hóa đơn mua thuốc, vé tàu xe đi lại… như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang).
Ông Chấn đã được minh oan sau 10 năm ngồi tù oan nhưng vì “chưa cung cấp đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh thiệt hại nên chưa thực hiện được việc bồi thường oan cho ông Chấn” – Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho biết.
Nói về bất cập trong việc giải quyết bồi thường, TANDTC cho rằng, qui định về thời hạn giải quyết bồi thường qua từng giai đoạn quá ngắn (Điều 17, 18, 19, 20 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước). Hơn nữa, theo Khoản 2 Điều 23 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường tại Tòa án được thực hiện theo qui định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Người khởi kiện có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ chứng minh yêu cầu của mình nhưng có những trường hợp việc thu thập chứng cứ khó khăn nên đương sự yêu cầu Tòa thu thập. Nhưng do thiệt hại xảy ra đã lâu, chứng cứ gần như không còn hoặc còn quá ít nên việc thu thập chứng cứ của Tòa khó khăn và mất nhiều thời gian. “Đây cũng là vấn đề khó khăn nhất trong giải quyết bồi thường” – lãnh đạo TANDTC khẳng định.
Bộ Tư pháp nhận thấy sự chậm trễ trong bồi thường oan, sai còn là do thủ tục, thời hạn thẩm định hồ sơ trong nội bộ ngành trước khi chuyển sang cơ quan tài chính cấp phát kinh phí chi trả tiền bồi thường còn chậm so với qui định của pháp luật, gây khó khăn cho cơ quan có trách nhiệm bồi thường và gây bức xúc cho người thiệt hại. Việc chi trả tiền bồi thường trong TTHS kể từ khi ra quyết định giải quyết bồi thường đến lúc người bị thiệt hại được chi trả thường kéo dài, trung bình 4 tháng đến 1 năm, cá biệt có những vụ việc kéo dài đến gần 2 năm.
Như trường hợp yêu cầu bồi thường của ông Lương Ngọc Phi (trú tại TP.Thái Bình) đã được giải quyết bồi thường tại Bản án số 04/2013/DSST (ngày 26/8/2013) của TAND TP.Thái Bình, tuyên ông Phi được bồi thường 21 tỷ.
Sau gần 2 năm chờ đợi và khiếu nại vẫn chưa nhận được tiền bồi thường thì mới đây, đầu năm 2015, Ủy ban Thẩm phán TAND tỉnh Thái Bình vừa có quyết định giám đốc thẩm tuyên hủy bản án của TAND TP.Thái Bình tuyên buộc TAND tỉnh Thái Bình phải bồi thường cho ông Lương Ngọc Phi hơn 21 tỷ đồng - số tiền bồi thường được cho là lớn nhất từ trước đến nay với căn cứ cho rằng quá trình giải quyết vụ án, TAND TP.Thái Bình đã vi phạm nghiêm trọng trong việc thu thập chứng cứ và giải quyết vụ án nên cần hủy án để xét xử lại.
Kiến nghị chung của các cơ quan có trách nhiệm liên quan đến công tác bồi thường nhà nước là phải sửa đổi, bổ sung Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người bị oan, việc bồi thường nhanh chóng, kịp thời, đặc biệt là phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng để tránh đùn đẩy trách nhiệm khi thực hiện bồi thường, không để người đã bị oan lại phải chật vật, quay vòng với các cơ quan bồi thường mới được đền bù thiệt hại chính đáng.