Đó là tấn bi kịch của “gia đình ma túy” thầy giáo Trần Thế Đông (SN 1948) và cô giáo Trần Thị Cẩm Nhung (SN 1950, trú tại thôn 7, xã Tam Ngọc, TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam).
Từng là niềm tự hào của cả làng
“Mấy cháu hỏi nhà ai, nhà ông Đông, bà Nhung giáo viên đó hử?... Đó kìa, đi thẳng rồi quẹo phải theo đường bê-tông đó chừng 500 mét là đến nhà…”. Một cô chủ quán nước đầu xã đã nhiệt tình vừa chỉ tay về phía trước vừa nói như thế. Chúng tôi lên xe rồi ngoảnh mặt lại nói lời cảm ơn thì cô chủ quán mỉm cười rồi trề môi nói nhỏ: “Tội nghiệp cho ổng bả quá, tưởng đâu hạnh phúc ai ngờ…”
Theo đó, vợ chồng ông Đông vốn làm trong ngành quân y. Nhưng sau khi hòa bình lập lại, như là cái duyên, ông bà lại chuyển sang nghề dạy học. Và cứ thế, ông bà đã chuyên tâm với nghề này gần 20 năm với bao sóng gió cuộc đời. Ông bà luôn kỳ vọng từ nghề này sẽ làm nền tảng để dạy bảo con cái mình trưởng thành.
Thời đi dạy, ông Đông được biết đến là một người thầy giáo “đức cao, vọng trọng”. Ông đã đào tạo nên biết bao thế hệ học trò. Nhiều em đã thành đạt, trở thành những kỹ sư, bác sĩ, thầy giáo, nhà khoa học,… có tài, đóng góp vào sự phát triển của nước nhà. Trong suốt cuộc đời đi dạy của mình, ông Đông cũng luôn tự hào khi bản thân mình nhiều năm liền vinh dự được đảm nhiệm là giáo viên bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi toán của trường và năm nào cũng có học sinh giành được thành tích cao.
Ngồi nhà vợ chồng ông Đông xây dựng cách đây rất lâu, từng là niềm mơ ước của cả làng. |
Là thầy giáo dạy giỏi toán nổi tiếng cả vùng nên rất đông học trò đến học thêm nâng cao kiến thức. Nhờ đó mà ông có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống khó khăn nuôi cả nhà và các con ăn học. Chắt bóp mãi ông bà mới có đủ tiền xây một căn nhà khang trang, thời đó là nhất nhì địa phương trong khi rất nhiều nhà phải ngày qua ngày chui rúc trong những túp nhà tranh xập xệ. Về sau ông bà lại tiếp tục mua được xe máy, sắm sửa tiện nghi trong gia đình. Cũng bởi thế gia đình ông bà được “liệt” vào danh sách khá giả của địa phương. Đó cũng là nền tảng giúp cho ông bà có điều kiện nuôi con cái ăn học, trưởng thành.
“Ngày trước, ai nhắc đến nhà ông Đông cũng đều ganh tị. Nói ganh tị cho vui thôi chứ ông bà sống rất hiền lành, chưa làm mất lòng ai, các con ông cũng vậy, ngoan ngoãn, hiền lành, hiếu học, là tấm gương cho cả làng noi theo. Gia đình ông bà từng là niềm tự hào của cả làng…” – bà Thu, một người hàng xóm chia sẻ.
Một tổ ấm đầy kỳ vọng
Kinh tế ổn định, 4 người con (3 trai, 1 gái) của ông bà lần lượt ra đời trong niềm vui, niềm sung sướng, niềm hạnh phúc. Là người thầy, người cô, hơn ai hết, vợ chồng ông Đông hiểu rõ hai chữ “giáo dục” đúng nghĩa. Thành ra, từ nhỏ, các con ông bà đã được uốn nắn, “tôi luyện” trong môi trường khuôn mẫu, chuẩn mực. Mọi lời ăn, tiếng nói, cử chỉ, hành động đều được ông bà dạy bảo tường tận. Về sau, chẳng lạ gì khi đến tuổi đi học, các con ông đều có tiếng là chăm ngoan, học giỏi.
Cô con gái thứ 2 là Trần Thị Ánh Tuyết (SN 1985) không chỉ học giỏi mà còn từng được biết đến là hoa khôi của làng. Chính vì giỏi giang, xinh đẹp nên Tuyết được nhiều chàng trai để mắt tới. Cuối cùng, Tuyết đã quyết định sánh duyên cùng với một anh cao to, vạm vỡ là Nguyễn Văn Trường người quê miền Bắc vừa mới xuất ngũ. Rồi 2 đứa con ra đời kháu khỉnh, vợ chồng ông Đông những tưởng con gái mình đã tìm được một mái ấm gia đình hạnh phúc.
“Ngày thấy nó (con gái - PV) gặp người đàn ông tốt bụng rồi lập gia đình mà thấy yên lòng. Và chỉ mong sao có một tổ ấm hạnh phúc…” - Bà Nhung nhớ lại.
Bà Nhung trầm tư ngồi kể về gia đình, về những đứa con trong đau đớn. |
Còn 3 đứa con trai của ông Đông là Trần Thanh Phong (SN 1981), Trần Thế Khải (SN 1983) và Trần Thế Bảo (SN 1987) học giỏi nức tiếng cả vùng. Những năm học phổ thông 3 đứa con ông đều được “thầy yêu, bạn mến”. Phong và Khải từng là niềm tự hào của ông bà khi thi đỗ vào 2 trường đại học danh tiếng ở TP.Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Phong và Khải thời đi học phổ thông còn có năng khiếu về thể thao khi nhiều năm liền đạt huy chương trong các đợt thi Hội khỏe Phù Đổng.
Kể về các con, bà Nhung đưa tay chỉ về góc tường treo những tấm huy chương mà con mình từng giành được khi còn đi học rồi sụt sùi khóc nức nở. “Ngày đó, tụi nó ngoan lắm, chưa bao giờ dám làm phật lòng ai cả. Ngoài thời gian đi học, còn lại tụi nó giúp vợ chồng tui chuyện đồng áng, việc nhà. Vào thành phố học đại học, tụi nó cũng ăn tiêu tiết kiệm lắm, sợ tụi tôi (ba má) ở nhà khổ.” - bà Nhung không khỏi ngậm ngùi khi kể về những đứa con của mình thời “ngoan ngoãn”.
Một gia đình có 4 người con thì 3 đứa đều được ăn học đàng hoàng, giỏi thể thao, đẹp nét đẹp người nên chuyện hàng xóm ganh tị với gia đình ông cũng đúng mà thôi. Những tưởng tương lai sẽ sáng rạng và tuổi già của ông bà sẽ được hưởng phúc, vậy mà… số kiếp lại long đong theo dòng đời.
(Còn tiếp)