Khủng hoảng rác nhựa
Sở hữu hơn 17.000 hòn đảo, với 70% lãnh thổ là nước, nhưng Indonesia được mệnh danh là nhà máy sản xuất rác thải nhựa lớn thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc. Đất nước này đang đối mặt với nạn ô nhiễm môi trường biển trầm trọng do rác thải. Tuy nhiên, quản lý rác thải trên biển, đặc biệt là rác thải nhựa, đang là thách thức lớn với chính phủ nước này.
Chắc hẳn đến nay người dân Indonesia vẫn không quên hình ảnh một thợ lặn người Anh đang bơi trong biển rác thải nhựa ở Bali, đảo thiên đường du lịch của Indonesia. Ít lâu sau đó lại xuất hiện hình ảnh một chú cá voi khổng lồ, dài 10m chết trên bờ biển Sulawesi của Indonesia với hơn 6kg rác thải trong bụng.
Theo cơ quan Thống kê Trung ương và Hiệp hội Công nghiệp Nhựa Indonesia, mỗi năm quốc gia này sản xuất 64 tấn rác thải, trong đó 3,2 tấn rác sẽ theo các con sông đổ ra biển. Điều đáng sợ là khi đã lọt ra biển, rác thải nhựa có thể cần tới hơn 400 năm để phân hủy. Nguy hiểm hơn khi rác thải nhựa sẽ phân rã thành các mảnh vi nhựa là mối đe dọa tiềm tàng cho hệ sinh thái biển và sức khỏe con người. Một nghiên cứu của trường Đại học Georgia, Mỹ đã chỉ ra rằng có khoảng 28% số cá đang tiêu thụ tại Indonesia có chứa hạt vi nhựa.
Rác nhựa đang là vấn đề nan giải và khủng hoảng. |
Trước thách thức lớn, Bộ trưởng Biển và Nghề cá Indonesia, Susi Pudjiastuti báo động: “Nếu chúng ta tiếp tục xả rác ra biển thì tới năm 2030, nhựa sẽ nhiều hơn cá. Hơn nữa chúng ta cũng cam kết với thế giới sẽ giảm 70% số rác nhựa vào năm 2025. Tôi đề nghị chúng ta hạn chế sử dụng nhựa trong cuộc sống hàng ngày một cách tối đa. Chính phủ kết hợp chính quyền địa phương kêu gọi thay vì sản xuất nhựa 1 lần, hãy sản xuất nhựa có thể tái chế hoặc sử dụng các sản phẩm giấy sẽ tốt hơn rất nhiều”.
Đổi chai nhựa lấy vé xe buýt
Dù còn nhiều khó khăn về quản lý chất thải ở Indonesia, nhưng một số hoạt động thiết thực đang được thực hiện có thể cho phép người dân “đất nước vạn đảo” nghĩ đến tương lai xanh, sạch hơn. Cụ thể mới đây, chính quyền thành phố Surabaya, phía đông đảo Java, miền bắc Indonesia đã triển khai chương trình đổi rác thải nhựa lấy vé xe buýt, một giải pháp thông minh vừa giảm lượng rác thải vừa giải quyết tình trạng ách tắc giao thông tại đây.
Theo chương trình này, 3 chai nhựa cỡ lớn, 5 chai nhựa cỡ trung bình hoặc 10 chiếc cốc nhựa sẽ đổi được một vé xe buýt với hành trình kéo dài 1 giờ và không hạn chế điểm dừng. Điều kiện đổi là những chiếc chai lọ hoặc cốc này không bị vỡ vụn và phải được làm sạch. Giải pháp này đã gây tiếng vang lớn ở Surabaya, thành phố 2,9 triệu dân sinh sống. Kể từ khi triển khai, đã có tới gần 16.000 người tới đổi rác nhựa lấy vé xe buýt mỗi tuần.
Rác nhựa được thu gom và đem đổi |
Franki Yuanus, một quan chức giao thông vận tải tại thành phố Surabaya, cho biết chương trình này không chỉ nhằm giảm chất thải mà còn giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông bằng cách khuyến khích mọi người chuyển sang phương tiện công cộng. “Đã có những phản ứng tốt từ phía người dân. Trả tiền bằng nhựa là một trong những điều khiến mọi người nhiệt tình bởi vì cho đến nay chất thải nhựa vốn vẫn được coi là vô dụng”, ông Yuanus chia sẻ.
Hiện tại thành phố có khoảng 20 xe buýt mới, mỗi chiếc có thùng tái chế và nhân viên bán vé đi lại trên các lối đi để thu thập bất kỳ chai nhựa nào còn sót lại. Nhà chức trách Indonesia cho biết đã thu thập được khoảng 6 tấn rác nhựa từ hành khách trong tháng trước và số lượng rác nhựa đã được bán lại cho các công ty tái chế.
Anh Fransiska Nugrahepi (48 tuổi) cho biết: “Đây là một giải pháp rất thông minh. Thay vì vứt bỏ chai lọ giờ đây mọi người thu thập chúng và mang chúng đến đây để được đổi vé xe bus miễn phí”.
Hay theo anh Nurhayati Anwar, một người thường xuyên đi xe buýt chia sẻ rằng, chương trình trao đổi rác đang thay đổi cách mọi người nhìn nhận những chiếc ly và lọ nhựa thường bị bỏ đi sau khi sử dụng. “Bây giờ nhân viên văn phòng đang cố gắng thu gom rác thải thay vì vứt nó đi. Giờ chúng tôi đã biết rằng nhựa không tốt cho môi trường và mọi người ở Surabaya đang bắt đầu tìm hiểu”.
Nỗ lực đáng giá
Mục tiêu của giới chức Indonesia là giảm 70% lượng rác thải nhựa ở biển vào năm 2025 và đang dành 1 tỷ USD mỗi năm để thực hiện nhiệm vụ này. Nói là làm, Chính phủ Indonesia gần đây ban hành Nghị định số 35/2018 đẩy nhanh tiến trình tái chế rác thải thành năng lượng, mang đến một luồng gió mới và lạc quan cho sự phát triển của hoạt động xử lý rác thải ở nước này.
Năm 2019, Indonesia đã quyết định chi 10.000 tỷ Rupiah (hơn 700 triệu USD) cho các địa phương có thành tích và nghiêm túc trong việc quản lý và xử lý rác thành năng lượng điện dựa trên công nghệ xanh. Hiện nay, tại Indonesia có 12 thành phố đã thành công trong việc xây dựng nhà máy điện năng lượng rác thải. Dự kiến, các nhà máy này sẽ bắt đầu hoạt động trong năm nay và đặt mục tiêu có thể sản xuất ít nhất 234 megawatt (MW) điện từ khoảng 16.000 tấn rác thải mỗi ngày trong giai đoạn 2019-2022.
Để giảm thiểu ô nhiễm, Indonesia cũng đang tính đến biện pháp đánh thuế đối với túi nhựa, nhưng Quốc hội đã trì hoãn xem xét sau những phàn nàn của ngành này. Tuy nhiên, Indonesia sẽ không dừng nhập khẩu nhựa phế liệu hoàn toàn vì còn phải sử dụng cho ngành tái chế.
Hiện rất nhiều nhóm hoạt động cộng đồng đã tham gia các phong trào làm sạch rác thải thông qua thay đổi thói quen trong cuộc sống để giảm thiểu sử dụng các sản phẩm làm từ nhựa. Theo đó, người dân bắt đầu sử dụng các sản phẩm truyền thống của địa phương như túi đan bằng tre, ống hút tre và sử dụng lá chuối để gói đồ ăn. Tại các chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị và ngay cả chợ truyền thống ở Indonesia, người dân sẽ phải trả phí nếu muốn sử túi ni lông.
Không đứng ngoài cuộc, các công ty lớn tại Indonesia cũng có những hành động để giảm rác thải nhựa bằng cách thành lập Liên minh bao bì tái chế vì môi trường bền vững Indonesia.
Thu gom rác thải nhựa là một hành động cần thiết |
Các nhà hoạt động trong lĩnh vực môi trường và biển đã không giữ im lặng. Hàng loạt phong trào được ra đời như: Phong trào Indonesia sạch, phong trào nói không với túi ni lông, phong trào hướng dẫn làm sạch biển Nusantara, hay phong trào Thợ lặn hành động sạch. Hoạt động của các phong trào xoay quanh việc làm sạch rác trên biển, quản lý chất thải trên các đảo, vận động nhận thức cộng đồng về chất thải nhựa.
Tira Mafira, Nhà sáng lập Phong trào “Nói không với túi ni long” cho biết: “Chúng ta chỉ mất 1 phút để vứt túi ni lông, nhưng những chiếc túi này sẽ ở trong môi trường hàng trăm năm. Vì vậy, chúng tôi kêu gọi chính phủ đưa ra quy định giảm sử dụng túi ni-lông, các nhà bán lẻ hãy tích cực khuyến khích khách hàng không dùng loại túi này và người tiêu dùng tập thói quen mang túi xách riêng khi đi mua sắm. Ban đầu có thể sẽ khó, nhưng khi đã thành thói quen thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn rất nhiều”.
Chính quyền một số thành phố lớn như Surabaya, Banjarmasin, Balikpapan, Bogor và đặc biệt tại đảo Bali cũng đã đưa ra nhiều sáng kiến hay ho. Trong đó vào tháng 12/2018, thống đốc đảo Bali, điểm du lịch nổi tiếng của Indonesia, đã ban hành quy định cấm sử dụng nhựa dùng một lần. Những nhà hàng, doanh nghiệp không tuân thủ quy định có thể bị đình chỉ hoạt động.
Thủ đô Jakarta cũng đang cân nhắc học hỏi chính sách của Bali. Theo Cục Môi trường thành phố này, trong số 7.250 tấn rác thải xả ra mỗi ngày ở đây, có 14% là nhựa, trong đó 1% là nhựa không thể phân hủy và nhựa dùng một lần.