Thêm một năm, chỉ thêm… rắc rối
Ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cho rằng, việc Bộ GD&ĐT dự định thêm một năm học ở bậc THCS là không cần thiết, chưa rõ hiệu quả lại gây tốn kém lớn.
Theo phân tích của ông Thi, kéo dài một năm hệ giáo dục cơ bản có nghĩa là kéo dài một năm giáo dục bắt buộc, phổ cập; có nghĩa là Nhà nước phải chuẩn bị ngân sách nhiều hơn. Tiếp đến, thay đổi về hệ thống giáo dục thì trường THCS phải thêm một lớp, phải thêm giáo viên, thêm cơ sở trường lớp. Nếu bậc THPT ít đi một lớp lại thừa giáo viên, thừa cơ sở vật chất. Nếu không khéo, số lượng học sinh được vào học THPT lại nhiều hơn. Như vậy, lại không đáp ứng được chủ trương về phân luồng học sinh.
Còn GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - thẳng thắn bày tỏ: Dù Bộ GD&ĐT đã rút phương án thay đổi số năm học, nhưng qua đó cho thấy, là cơ quan quản lý nhà nước đầu ngành, trước khi đề xuất ra một phương án nào thì phải tính cho kỹ, chứ đừng để tình trạng cứ đề ra rồi lại rút, hết sức đáng trách.
Hơn nữa, để đổi mới giáo dục phổ thông thì trước tiên phải bàn đổi mới hệ thống, nhưng tới thời điểm này, khi đã chuẩn bị trình Quốc hội Đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa (SGK), Bộ GD&ĐT mới mang việc cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân ra bàn là quá chậm, sẽ không tránh khỏi việc chuẩn bị cả 2 việc đều không thấu đáo - theo GS.
“Đều là tưởng tượng của người viết báo cáo”
Theo Dự thảo đề án đổi mới chương trình - SGK giáo dục phổ thông mà Bộ GD&ĐT đưa ra, sẽ có 2 phương án xây dựng SGK. Phương án 1 là Bộ GD&ĐT trực tiếp biên soạn bộ SGK mẫu, sau đó huy động các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn thêm nhiều bộ sách; phương án 2 là Bộ GD&ĐT chỉ thẩm định chất lượng các bộ SGK được tổ chức, cá nhân biên soạn.
GS Nguyễn Minh Thuyết bày tỏ băn khoăn về bản “Báo cáo đánh giá tác động của chương trình giáo dục phổ thông” dù là dài 16 trang nhưng khi đọc kỹ nội dung thì có thể thấy hầu hết các tác động “đều là tưởng tượng của người viết báo cáo” chứ không dựa trên cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn hay số liệu điều tra, thử nghiệm, khảo sát nào. Đơn cử, trong bản báo cáo có câu: “…khắc phục hiện tượng quá tải, học sinh không phải đi học thêm, tiến tới khắc phục được nạn dạy thêm, học thêm tràn lan và bệnh thành tích, nạn thiếu trung thực trong học tập và thi cử”. Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, nạn dạy thêm học thêm, trong nhiều trường hợp không phải do chương trình quá tải mà do túi tiền của thầy cô.
Về vấn đề biên soạn SGK, bà Nguyễn Thị Tâm Đan - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cho rằng, Bộ GD&ĐT nên viết một bộ SGK nhưng vẫn khuyến khích các tổ chức, cá nhân khác biên soạn sách. Nếu có nhiều bộ SGK thì Bộ GD&ĐT cần đối xử công bằng, không phân biệt, việc chọn bộ SGK nào hoàn toàn là quyền của người học. Theo bà Tâm Đan, việc để cho các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK là phương án nhiều rủi ro vì Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong việc này.
Một điều mà các đại biểu đều lo ngại đó chính là có chương trình - SGK mới mà người thầy vẫn dạy theo phương pháp cũ thì cũng không thể như mong đợi. GS Trần Đình Sử cho rằng, đợt đổi mới chương trình - SGK hiện hành chưa thành công không phải vì bản thân chương trình - SGK mà do các điều kiện để thực hiện như giáo viên, cơ sở vật chất, đào tạo sư phạm… GS Sử nhấn mạnh: Vấn đề rất mới của đề án lần này là dạy học theo hướng tích hợp và phân hóa. Thế nhưng, đội ngũ giáo viên để dạy học tích hợp gần như chưa được chuẩn bị. Nếu không được chuẩn bị thì không thể dạy được.
Sẽ không còn con số 34.000 tỷ!
Liên quan tới dự trù kinh phí, GS Đào Trọng Thi cho biết con số chưa được chốt lại nhưng ông cũng khẳng định sẽ không còn con số 34.000 tỷ làm chương trình- SGK chung chung như trước nữa mà có thể Chính phủ sẽ phân bổ ngân sách theo từng phần riêng biệt (như viết SGK, bồi dưỡng giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất…) và ưu tiên những vùng khó khăn, bên cạnh đó là xã hội hóa chứ không giao một “khoản” như trước…