UBND huyện sau khi lập đoàn thanh tra cũng đã kết luận một số tố cáo là có cơ sở. Thế nhưng, từ đó đến nay vẫn chưa có biện pháp xử lý dứt điểm. Thậm chí, mới đây UBND huyện còn thành lập thêm một đoàn thanh tra khác để rà soát kết luận lần trước...
Ông lao công cũng tố bị “trù dập”
Trước đó, Báo PLVN đã phản ánh về những lùm xùm ở Trường Tiểu học Hiệp Thuận liên quan đến việc bà Nguyễn Kim Thư (nguyên Hiệu trưởng trường này) trong quá trình đương nhiệm đã có nhiều sai phạm. Theo đó, sau khi bà Thư kết thúc nhiệm kỳ Hiệu trưởng (ngày 30/9/2013), tập thể giáo viên và phụ huynh trong trường đã “tố” bà Thư: Có dấu hiệu tham ô, gây lãng phí tiền của nhân dân; lợi dụng chức vụ, quyền hạn, kéo bè phái trù dập cán bộ; vu khống, xúc phạm danh dự. Bên cạnh đó, bà nguyên Hiệu trưởng còn bị tố “ăn chặn” tiền nước của học sinh, thu - chi khuất tất trong việc bán vở viết cho học sinh”.
Trong quá trình tìm hiểu, nhóm PV ghi nhận sự phản ánh của ông Đỗ Thế Thảo (53 tuổi, từng làm lao công trong trường) về việc bị nhà trường cho nghỉ việc không có lý do chính đáng. Theo đó, ông Thảo cùng một số giáo viên và phụ huynh có gửi đơn tố cáo những sai phạm của bà Thư lên UBND huyện.
Tại Bản tường trình (ngày 29/11/2013) gửi Tổ công tác của UBND huyện Phúc Thọ, ông Thảo đề cập đến vấn đề: “Muốn làm rõ việc liên quan đến cô Thư là người có khuất tất trong việc mua bán nước cho học sinh”. Đến ngày 28/3/2014, UBND huyện Phúc Thọ đã đưa ra kết luận cụ thể bằng Văn bản số 216/TBKL-UBND do ông Nguyễn Việt Liên (Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ) đã ký. Trong đó, những nội dung tố cáo đối với Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hiệp Thuận là có cơ sở, nhiều nội dung tố cáo là đúng sự thật.
Theo văn bản kết luận của UBND huyện Phúc Thọ, do thực hiện công tác quản lý, sử dụng, điều hành ngân sách nhà nước, các khoản thu, chi thỏa thuận, tự nguyện đóng góp của cha mẹ học sinh; quản lý và phân công nhiệm vụ cho cán bộ, giáo viên chưa tốt nên Ban Giám hiệu nhà trường đã để xảy ra một số sai phạm. Cụ thể là, trong 3 niên khóa từ 2010 -2013, đã làm chênh lệch quỹ nước uống của học sinh là 54.841.000 đồng (UBND huyện đã yêu cầu trường hoàn trả lại số tiền của quỹ nước uống cho Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh)...
Ngoài ra, kết luận của đoàn thanh tra UBND huyện Phúc Thọ cũng yêu cầu kiểm điểm nghiêm túc, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan trong việc để xảy ra những sai phạm và có hình thức xử lý kỷ luật về Đảng và chính quyền theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, ông Thảo cho biết, ngay sau khi có bản kết luận này, bản thân ông đã bị bà Thư “trù dập”. Theo đó, ông “bỗng dưng” bị chấm dứt hợp đồng vì lý do... tuổi cao. Ông Thảo cho hay, ở tuổi 53, sức khỏe của ông rất tốt, mọi công việc được giao đều hoàn thành, không có bất kỳ sai phạm nào.
Ông Kiều Tuấn trả lời cho phóng viên |
Được biết, kể từ lúc có kết luận đến nay, UBND huyện Phúc Thọ vẫn chưa thể giải quyết, xử lý triệt để những trường hợp có kết luận sai phạm. Mọi hình thức xử lý và giải quyết vẫn chỉ là “trên giấy tờ”.
Để tìm hiểu rõ hơn, nhóm PV đã làm việc với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phúc Thọ. Ông Kiều Tuấn (Trưởng phòng, đồng thời là Tổ trưởng Tổ thanh tra của UBND huyện) cho biết, sau khi UBND huyện đưa ra kết luận, bà Thư đã viết đơn khiếu nại gửi lên UBND huyện hai lần (lần nào nhận đơn của bà Thư, UBND huyện đều có giấy mời bà Thư lên để giải thích và làm rõ - PV). Tuy nhiên, vì không đồng tình với kết luận thanh tra, bà Thư đã khiếu nại lên cấp cao hơn. Vì vậy, vụ việc hiện tại vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Ngoài ra, ông Tuấn cũng cho biết, việc vẫn để bà Thư phụ trách Trường Tiểu học Hiệp Thuận là do cấp lãnh đạo huyện thấy chỉ có bà Thư là người có năng lực để quản lý ngôi trường này?
Tiếp tục làm việc với UBND huyện Phúc Thọ, bà Vũ Thị Vân Anh – Chánh Thanh tra huyện Phúc Thọ, cho biết, sau khi UBND huyện ra Kết luận số 216, bà Thư có đơn kiến nghị về nội dung trong bản Kết luận này. Đến ngày 12/8/2014, UBND huyện ra công văn thành lập Tổ công tác để kiểm tra, rà soát lại theo đơn kiến nghị của bà Thư. Trong đó, ông Kiều Tuấn – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo vẫn được giao nhiệm vụ là Tổ trưởng Tổ thanh tra.
Như vậy, đến thời điểm hiện tại, những lùm xùm xung quanh Trường Tiểu học Hiệp Thuận có kết quả cuối cùng như thế nào thì vẫn phải chờ. Nếu như Kết luận số 216 của UBND huyện Phúc Thọ là chính xác, bà nguyên Hiệu trưởng cần phải thực hiện theo những yêu cầu, đề nghị của bản kết luận đó. Theo đó, UBND huyện cần đưa ra biện pháp xử lý cụ thể và theo dõi quá trình thực hiện. Còn nếu bản kết luận chưa chính xác, cần phải xem lại năng lực của Tổ thanh tra.
Hiện tại, nhiều giáo viên, người lao động và các bậc phụ huynh ở Trường Tiểu học Hiệp Thuận đang mong mỏi một câu trả lời thỏa đáng. Vụ việc này cần phải được giải quyết dứt điểm, quyết liệt hơn, đặc biệt khi các em học sinh sắp bước vào một năm học mới, ngôi trường không thể không có Hiệu trưởng.