Phong thủy và tín ngưỡng thờ thần thánh tại các tứ trấn Việt Nam (Kỳ 3): Cao Biền - Nghìn năm công tội

Họa hình thầy phù thủy Cao Biền cưỡi diều giấy đi trấn yểm.
Họa hình thầy phù thủy Cao Biền cưỡi diều giấy đi trấn yểm.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo chính sử, Cao Biền là một viên tướng tài nhà Đường (Trung Quốc), làm quan cai trị Việt Nam vào thế kỷ IX, có công đánh thắng quân Nam Chiếu và xây thành Đại La. Tuy nhiên, trong văn học viết và văn học dân gian, Cao Biền “nổi danh” là một thầy phù thủy kỳ tài...

Theo chính sử, Cao Biền là một viên tướng tài nhà Đường (Trung Quốc), làm quan cai trị Việt Nam vào thế kỷ IX, có công đánh thắng quân Nam Chiếu và xây thành Đại La. Tuy nhiên, trong văn học viết và văn học dân gian, Cao Biền “nổi danh” là một phù thủy “giỏi thuật số, thông địa lý, thường cưỡi diều giấy bay trên không trung để yểm các nơi thắng cảnh...”, dùng “thần quyền” và “tâm linh” nhằm diệt ý chí giành độc lập của dân ta. Song mọi mưu đồ trấn yểm của Cao Biền đều bị thánh thần và người Việt Nam đánh bại.

Tiểu sử Cao Biền

Cao Biền (821-887) là người Bột Hải, sau ngụ ở U Châu (Bắc Kinh ngày nay), xuất thân trong một gia đình dòng dõi võ quan. Sách “Đại Việt Sử ký toàn thư”, tập 1 chép: “Cao Biền tự là Thiên Lý, cháu của Nam Bình Quận vương Cao Sùng Văn dưới thời vua Đường. Thuở nhỏ, Cao Biền học giỏi, chăm chú luyện kiếm bắn cung. Cao Biền có tài bắn cung xuyên đôi ngỗng đang bay trên trời, được người đời coi là bậc kỳ tài.

Cao Biền được cử làm Tiết độ sứ Giao Châu (tên gọi của nước ta lúc bấy giờ) thay cho Trương Nhân bị mất chức vì không dẹp được trộm cướp ở khu vực này. Sau khi đã bình định xong Giao Châu, Cao Biền cho xây thành Đại La để tập trung quyền lực về một mối”.

Tuy theo nghiệp võ như cha, ông, song Cao Biền là người giỏi văn, thường bàn luận chuyện lý đạo với các nho sĩ. Ông là nhà thơ Đường có nhiều bài thơ há nổi tiếng. Bài thơ thất ngôn tứ tuyệt (4 câu 7 chữ) Biên phương xuân hứng trích đăng dưới đây cho thấy tài năng của Cao Biền: “Thảo sắc thanh thanh liễu sắc nùng/ Ngọc hồ khuynh tửu mãn kim chung/ Sinh ca liệu lượng tuỳ phong khứ/ Tri tận quan sơn đệ kỷ trùng”.

Nguyễn Cẩm Xuyên dịch là “Hứng xuân chốn biên thùy”: Cỏ sắc xanh xanh, liễu sắc nồng/ Rượu ngon hồ ngọc rót đầy chung/ Sênh ca réo rắt vời theo gió/ Vọng đến quan san vượt mấy trùng”.

Trong thời kỳ Bắc thuộc lần thứ III, ông được Đường Hy Tông Lý Huyền phong chức Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ, cai quản cả Giao Châu và Quảng Châu từ năm Hàm Thông thứ bảy (866) đến năm Càn Phù thứ hai (875).

Bản thần tích do Chánh hương hội Nguyễn Châu Tuệ của làng Phương Nhị, tổng Ninh Xá, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (cũ) thừa phụng sao sự tích, lập vào năm 1938 kể Cao Biền là người tài, từng đỗ Tiến sĩ và nhắc lại chuyện ông bắn một phát xuyên hai con chim (chim điêu không phải ngỗng).

Đình (đền) Chèm thờ Đức thánh Chèm, vị thần đã hiển linh giúp Cao Biền đánh thắng quân Nam Chiếu.Đình (đền) Chèm thờ Đức thánh Chèm, vị thần đã hiển linh giúp Cao Biền đánh thắng quân Nam Chiếu.

Thần tích làng Phương Nhị kể nhiều về công lao của Cao Biền và nhắc chuyện ông được nhân dân tôn kính gọi là Cao Vương-tên gọi này trùng với câu “thành của Cao Vương” trong Chiếu Dời đô của của vua Lý Thái Tổ: “Sự tích ngài chép ở trong quốc sử, ngài lưu trấn ở Châu Giao ta 7 năm; dảm (giảm) sưu thuế, bớt tạp dịch, yêu dân như con, cho nên người trong nước điều (đều) kính trọng, mà tôn người là Cao Vương, cũng ví như ông Sĩ Vương về đời Đông Hán, sang làm quan thú Châu Giao ta thuở xưa. Mà dân điều (đều) tôn ngài là Vương. Sau ngài lại đổi về trấn đất Thiên Bình. Ngài có người cháu là ông Cao Tầm, từng theo ngài có công giẹp (dẹp) giặc. Ngài dưng (dâng) sớ về tâu vua, để lấy ông Cao Tầm thay ngài 10 năm”.

Thần tích này kể tiếp: “Sau này, nước Nam ta, tưởng nhớ công đức ngài, có tới 3,4 chăm (trăm) xã lập đền thờ ngài; ở hạt tỉnh Bắc Ninh có hơn chăm (trăm) xã thờ ngài, cờ (cầu) đảo việc gì điều (đều) linh nghiệm cả. Chải (Trải) các chiều (triều) vua điều (đều) có sắc phong tặng là Thượng đẳng phúc thần”.

Cao Biền giữ nhiều chức quan, chủ yếu là Tiết độ sứ các quân (đơn vị hành chính đời Đường) như: Tĩnh Hải quân (trước là An Nam đô hộ phủ-Việt Nam ngày nay), Thiên Bình, Tây Xuyên, Kinh Nam, Trấn Hải và Hoài Nam Tiết độ sứ. Ông là Tiết độ sứ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.

Các chức quan của Cao Biền gắn với các cuộc chiến và ông đã cầm quân tham gia nhiều chiến trận như: dẹp loạn người Đảng Hạng, chiến thắng quân Nam Chiếu xâm lược Giao Châu, đánh quân Thục, dẹp loạn Hoàng Sào...

Cao Biền trở thành danh tướng khi đánh thắng quân Nam Chiếu. Song sau đó ông đã thất bại trong việc đẩy lui cuộc nổi dậy của Hoàng Sào và bị thất sủng. Cuối đời, ông mắc sai lầm khi ngày càng trở nên rất tin tưởng vào phương sĩ Lã Dụng Chi cùng 2 kì đảng, đến nỗi Lã Dụng Chi nắm quyền kiểm soát quân trên thực tế, bất cứ ai dám lên tiếng chống lại Lã Dụng Chi đều phải chết.

Do quản lý yếu kém Hoài Nam quân, năm 887, Cao Biền bị Tất Sư Đạc và Tần Ngạn nổi dậy chống lại dẫn đến cảnh giao chiến khốc liệt và ông bị bắt giam. Sau đó, do bị thua trận ở Dương Châu, Tần Ngạn và Tất Sư Đạc bắt đầu tin rằng Cao Biền dùng ma thuật để chống lại họ.

Thầy bói Vương Phụng Tiên báo với Tần Ngạn rằng một đại nhân cần phải chết để chấm dứt cực tai của Dương Châu, do đó Tần Ngạn quyết tâm giết chết Cao Biền. Ngày 24/9/887, Tần Ngạn phái tướng Lưu Khuông Thì đi giết Cao Biền cùng các thân thích là nam giới. Sau khi bị giết, thi thể của Cao Biền và người thân bị ném xuống một hố chôn chung.

Cao Biền “nổi danh” ở đất Việt với những trò ma thuật và trấn yểm, “sinh nghề, tử nghiệp”, rốt cuộc chính bản thân ông đã chết vì ma thuật, dù sử sách chính thống ghi rằng những trò này là do thuật sĩ Lã Dụng Chi bày ra.

Theo thần phả làng Vạn Bảo (nay là phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội), Cao Biền có một người vợ tên là Lã Thị Nga (còn gọi là Ả Lã, Ả Lã Thị Nương, Lã Đê nương), theo ông sang Việt Nam. Bà không ở cùng Cao Biền trong thành Đại La mà ở làng Vạn Bảo dệt lụa và truyền dạy nghề dệt lụa cho dân ở đây, trở thành bà tổ nghề dệt lụa Hà Đông.

Cao Biền về Bắc, bà vẫn ở lại Hà Đông. Sau nghe tin Cao Biền mất ở Trung Quốc, bà gieo mình xuống sông tự vẫn. Bà Ả Nương sinh ngày 10/8 Âm lịch, mất ngày 25 tháng Chạp. Sau khi bà mất, được thờ làm Thành hoàng làng tại Đền thờ làng Vạn Phúc.

Bàn thờ Thừa tướng Lữ Gia trong hang Cắc Cớ, chùa Thầy (Hà Nội).

Bàn thờ Thừa tướng Lữ Gia trong hang Cắc Cớ, chùa Thầy (Hà Nội).

Đại chiến quân Nam Chiếu

Dấu ấn của Cao Biền tại Việt Nam là đánh tan quân Nam Chiếu, trở thành danh tướng. Vương quốc của người Bạch và người Di (nằm trong khu vực tỉnh Vân Nam ngày nay) có tên Nam Chiếu khi đó rất phát triển. Người Bạch là cư dân nông nghiệp trong các vùng đất màu mỡ xung quanh hồ Nhị Hải. Mỗi bộ lạc của người Bạch là một tiểu vương quốc, được gọi là chiếu.

Trong 6 chiếu của người Bạch thì Mông Xá ở phía Nam. Năm 737, vua của chiếu Mông Xá là Bì La Cáp lần lượt thống nhất các chiếu kia và thành lập ra vương quốc mới Nam Chiếu.

Sách Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim chép: “Trong khoảng năm Khai Nguyên (713-742) đời vua Huyền Tông nhà Đường, Nam Chiếu là Bì La Cáp cường thịnh lên, mà 5 chiếu kia suy hèn đi. Bì La Cáp mới đút lót cho quan Tiết Độ Sứ đạo Kiếm Nam là Vương Dục để xin hợp cả 6 chiếu lại làm một. Triều đình nhà Đường thuận cho và đặt tên là Qui Nghĩa. Từ đó Nam Chiếu càng ngày càng thịnh lên, đem quân đi đánh Thổ Phồn... Bấy giờ Nam Chiếu đã mạnh lắm, bèn xưng đế và đặt quốc hiệu là Đại Mông Quốc rồi lại đổi lại là Đại Lễ...”.

Nam Chiếu phát triển và bành trướng rất nhanh, đầu tiên vào Miến Điện, sau đó là toàn bộ Vân Nam, xuống Lào, vào Thái Lan, rồi ngược về phía Bắc tới Tứ Xuyên (Trung Quốc). Năm 764, Nam Chiếu thiết lập kinh đô thứ hai tại Côn Minh (Trung Quốc). Năm Kỷ Dậu (829), quân Nam Chiếu chiếm đóng Thành Đô (Trung Quốc).

Năm 865 (Ất Dậu), Cao Biền được Đường Ý Tông cử làm đại tướng cùng giám quận Lý Duy Chu đem quân sang đóng ở Hải Môn để dẹp quân Nam Chiếu.

Về cuộc chiến của Cao Biền chống lại quân Nam Chiếu xâm lược Giao Châu (Việt Nam ngày nay), Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Năm Bính Tuất - 866 (Đường Hàm Thông thứ 7). Mùa hạ, tháng 4, Nam Chiếu sai Trương Tập giúp Tù Thiên đánh Giao Châu, cho Phạm Nật Ta làm Đô thống Giao Châu.

Giám trận nhà Đường là Trần Sắc sai Vi Trọng Tể đem hơn 7.000 quân đến Phong Châu. Biền được thêm quân, tiến đánh Nam Chiếu, nhiều lần đánh tan được. Tháng ấy, Biền đánh tan quân Nam Chiếu, giết và bắt sống rất nhiều. Nam Chiếu thu quân còn sống sót chạy vào Châu Thành cố giữ. Mùa đông, tháng 10, Cao Biền vây Châu Thành hơn 10 ngày, người Man rất khốn quẫn. Biền đến nơi đốc thúc, khích lệ tướng sĩ, lấy được thành, giết Tù Thiên và Chu Cổ Đạo là người thổ man dẫn đường cho quân Nam Chiếu, chém hơn 30.000 đầu. Quân Nam Chiếu trốn đi, Biền lại phá được hai động thổ man đã theo Nam Chiếu, giết tù trưởng. Người thổ man rủ nhau quy phục đến 17.000 người”.

Khi Cao Biền đi đánh trận ở Nam Chiếu, thần thánh Việt đã hiển linh giúp ông đánh giặc. Theo “Việt điện u linh”, thần hiển linh giúp Cao Biền đánh giặc là Lý Ông Trọng, còn gọi là Thánh Chèm (ở làng Chèm, nay là phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội).

Về lai lịch của Lý Ông Trọng, sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “Năm 221 (năm thứ 26 triều Tần Thủy Hoàng), nước Tần thôn tính cả sáu nước vùng Trung Nguyên và xưng Hoàng đế. Bấy giờ có người ở Từ Liêm, Giao Chỉ là Lý Ông Trọng người cao 2 trượng 3 thước, lúc ít tuổi đến hương ấp làm lực dịch, bị trưởng quan đánh, bèn bỏ sang nước Tần, làm quan đến chức Tư lệ Hiệu úy. Thủy Hoàng lấy được thiên hạ, bèn sai ông đem quân đóng giữ đất Lâm Thao (1 huyện thuộc tỉnh Cam Túc ngày nay), uy danh chấn động nước Hung Nô. Khi tuổi già về làng rồi chết”.

Cổng làng Vạn Phúc, nơi vợ Cao Biền dạy dân nghề dệt lụa.

Cổng làng Vạn Phúc, nơi vợ Cao Biền dạy dân nghề dệt lụa.

Khi sau Cao Biền sang đánh nước Nam Chiếu, Ông Trọng hiển linh giúp Cao Biền, phá giặc thành công. Sách “Việt điện u linh” chép: “Đến lúc Cao Biền đánh phá nước Nam Chiếu, Vương thường hiển linh trợ thuận. Cao Biền lấy làm kinh dị, sai thợ trùng tu từ vũ tráng lệ hơn xưa, và chạm khắc tượng gỗ son thếp giống như thực mà đem lễ vật đến tế, từ đó, hương hỏa không khi nào hết”.

Làng Nam Trì (xã Đặng Lễ, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên ngày nay) có miếu thờ Lữ Gia (Thừa tướng người Việt thời Triệu Đà). Triệu Đà là võ tướng của Tần Thủy Hoàng (nhà Tần Trung Quốc), xưng ngôi Hoàng đế đầu tiên ở đất Việt (nước Nam Việt). Nhà Triệu đã chống lại nhà Hán cùng những kẻ phản bội định dâng nước Việt cho nhà Hán, người Nam Trì gọi là Bảo Công và tướng Danh Lang (em kết nghĩa của Lữ Gia) được gọi là Lang Công.

Theo “Ngọc phả Thần tích” do Hàn lâm Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn năm Nhâm Thân (1572) triều Lê Anh Tông niên hiệu Hồng Phúc năm thứ nhất thì: Một lần qua đây, Cao Biền đã đến miếu tế lễ và cầu khấn rằng: “Nay ta cầm quân đi đánh giặc Nam Chiếu, hai vị thần có anh linh thì âm phù cho ta thắng giặc. Sau khi thành công hẳn được sắc phong cúng tế, hương hỏa muôn đời”

Đêm ấy, Cao Biền chiêm bao thấy hai vị tướng mặc long bào, giáp ngọc long lanh, đội mũ trăm sao. Một vị cưỡi ngựa trắng, cao hơn bảy thước tay cầm siêu đao vàng, một vị cưỡi hổ vàng tay cầm búa việt. Cao Biền hỏi: “Danh tướng ở đâu đến đây?”. Một vị xưng: “Ta vốn là Trung Thiên Bảo quốc”, vị kia xưng: “Ta là Trung Lang Tế thế, đều là đại thần của nhà Triệu hồi xưa, nay thấy Ngài đem quân đi đánh giặc, chúng ta xin tòng chinh, âm phù cho Ngài thắng giặc”.

Công sức xây thành Đại La của người Việt

Theo Việt sử lược: “Thành Đại La được xây dựng vào thế kỷ 7 với tên gọi Tống Bình. Vua Mục Tông nhà Đường dùng Nguyên Hỷ làm quan đô hộ. Nguyên Hỷ thấy cửa thành có dòng nước ngược sợ dân ở thành có ý đồ phản nghịch liền sai thầy bói gieo một quẻ. Thầy bói nói rằng: Sức ông không đủ bồi đắp thành lớn. 50 năm sau sẽ có một người họ Cao đóng đô tại đây và xây dựng Vương phủ”.

Thành Đại La ban đầu do Trương Bá Nghi đắp từ năm Đại Lịch thứ 2 (767) đời Đường Đại Tông Lý Dự. Đến năm 791 Triệu Xương đắp thêm to rộng hơn. Năm 823 Lý Nguyên Gia dời phủ trị tới bên sông Tô Lịch, đắp một cái thành nhỏ gọi là La Thành. Tới vua Đường Y Tôn (841-873), Cao Biền được cử sang đất Việt làm Tiết độ sứ. La Thành được Cao Biền xây dựng, sửa chữa, chỉnh đốn vào những năm 866 đến 868.

Theo chính sử nước ta thì thành Đại La do Cao Biền xây dựng có chu vi 1982,5 trượng (khoảng 6,6 km). Đại La có hai lớp tường thành, ngoài cùng là một con đê, dài 6.337m, cao 4,65m, chân rộng 5,3m. Tường thành trong dài 5.947m, cao 8,06m, chân rộng 7,75m, bốn mặt có tường nhỏ xây trên thành lớn, cao 1,5m. Trên thành có 55 lầu vọng địch, còn gọi là tháp canh, có 5 lầu dựng trên cổng thành, 6 cửa nách có tường chắn, 34 đường đi và 3 hào nước bao quanh. Tường thành trong cách tường thành ngoài 50m. Trong thành có 5.000 gian nhà là nơi quan quân nhà Đường tá túc. Thành Đại La cũng như các thành khác được xây dựng từ công sức, máu xương của người dân Việt.

Cao Biền là một tín đồ Đạo giáo mộ đạo, thường làm phép trước các trận chiến. Đạo giáo là một trong Tam giáo tồn tại từ thời Trung Quốc cổ đại, song song với Nho giáo và Phật giáo. Đạo trong sự trình bày của Lão Tử (609 trước CN) là một khái niệm trừu tượng chỉ cái tự nhiên, cái có sẵn một cách tự nhiên: “Người thuận Đất, Đất thuận Trời, Trời thuận Đạo, Đạo thuận Tự nhiên”. Nó là nguồn gốc của vạn vật.

Khởi thủy từ Đạo đức kinh của Lão Tử, Đạo giáo thu nhập nhiều tư tưởng đã phổ biến từ thời nhà Chu (1040-256 trước CN) với vũ trụ luận về thiên địa, ngũ hành, bát quái, tứ tượng, thuyết về năng lượng, chân khí, thuyết âm dương ngũ hành và Kinh Dịch.

Về bản chất, sợ dân làm phản do sông Tô Lịch chảy ngược nên Lý Nguyên Gia đắp La Thành để trấn yểm. Vì vậy, thành Đại La ra đời với mục đích trấn yểm sự phản kháng của người Việt dưới sự đô hộ của phong kiến phương bắc. “Đại Việt Sử ký toàn thư” chép Cao Biền là viên tướng có tài thao lược, có công xây dựng thành Đại La và đánh thắng quân Nam Chiếu xâm lược Giao Châu, không có một dòng nào nói về ma thuật, tài trấn yểm của Cao Biền.

Tuy nhiên, Đạo giáo là nơi khởi nguyên của thuật phong thủy và Cao Biền là một tín đồ mộ đạo nên ta có thể thấy chuyện Cao Biền trấn yểm các long mạch Việt Nam, khiến cho xứ Giao Châu không thể sinh ra những kiệt nhân dựng cờ khởi nghĩa chống lại triều đình nhà Đường là có thật. Dù rằng để làm công việc này, ông ta phải nhờ đến các thuật sĩ, thầy phong thủy.

Truyện Cao Biền trấn yểm long mạch được ghi trong hai sách cổ là “Việt điện u linh” và “Lĩnh Nam chích quái”, đó là những tác phẩm văn học viết về truyền thuyết các vị thần linh Việt Nam thời xa xưa, được viết vào thế kỷ 14 (Việt điện u linh) và cuối đời nhà Trần (Lĩnh Nam chích quái).

Theo truyền thuyết, Cao Biền là phủ thủy cao tay về trấn yểm. Các đạo sĩ cho rằng, khi có gió bão lớn “rồng đất” sẽ thức dậy lộ ra. Linh khí của đất hiện lên để ứng hợp với sức mạnh của trời. Vì vậy, mỗi lần trời nổi giông gió, sấm chớp là Cao Biền lại cưỡi kỳ lân hay diều gió bay lượn trên cao nhìn xuống phát hiện ra vùng đất nào có “long mạch” để yểm bùa.

Truyền thuyết kể rằng Cao Biền trấn yểm nhiều long mạch Việt Nam. Tuy nhiên, tại 3 tứ trấn, văn học viết chỉ xác định Cao Biền trấn yểm mỗi thần đất Long Đỗ, Thành hoàng Hà Nội. Trận pháp phong thủy của Cao Biền đã bị thần Long Đỗ phá tan (như đã viết trong kỳ trước) nên sau đó phải lập đền thờ.

Những câu chuyện kể trên cho thấy sự yêu ghét rõ ràng của người Việt đối với sự đô hộ của phong kiến phương Bắc. Cao Biền đánh giặc giúp dân thì được thần thánh Việt hiển linh giúp đỡ, còn khi trấn yểm long mạch thì ngay lập tức bị thần thánh trừng trị, khuất phục.

(Còn nữa)

Đọc thêm

Giải mã tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt

Nhà thờ họ Trương Việt Nam ở thị trấn Thiên Tôn, Ninh Bình là công trình cấp quốc gia.
(PLVN) - Không chỉ là thần Núi, với lý lịch con thứ 17 của Lạc Long Quân, Lạc tướng Vũ Lâm đời Hùng Vương thứ Nhất, việc thờ cúng Cao Sơn Đại vương tại Hoa Lư tứ trấn và Thăng Long tứ trấn chính là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, đỉnh cao của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.

Ly kỳ chuyện đại hồng chung cứu chúa ở ngôi chùa cổ nhất Tiền Giang

Chùa Linh Thứu là một trong những ngôi chùa cổ nhất Tiền Giang.
(PLVN) - Khởi nguyên là ngôi chùa mục đồng giữa khu rừng hoang, Sắc tứ Linh Thứu ngày nay được xem là ngôi chùa cổ nhất đất Tiền Giang. Cổ tự 3 lần được sắc tứ này nổi tiếng với những câu chuyện ly kỳ về chiếc đại hồng chung năm xưa từng cứu chúa Nguyễn Ánh thoát nạn khi còn long đong bôn tẩu phương Nam.

Phong thủy và tín ngưỡng thờ thần thánh tại các tứ trấn Việt Nam (Kỳ 7): Vì sao vua Hùng lại mang tên Cao Sơn?

Vua Hùng được nhân dân suy tôn là Đột Ngột Cao Sơn.
(PLVN) - Cao Sơn (núi cao) là danh hiệu mang tính biểu tượng của thần Núi, vị thần trong tín ngưỡng dân gian nguyên thủy. Không phải là thần Núi nhưng hàng nghìn năm qua, Hùng Vương thứ Nhất được nhân dân thờ cúng với thụy hiệu Đột Ngột Cao Sơn. Vì sao vua Hùng lại có danh hiệu này?

Phong thủy và tín ngưỡng thờ thần thánh tại các tứ trấn Việt Nam (Kỳ 6): Khám phá tín ngưỡng thờ thần Huyền Vũ

Núi Cánh Diều tương truyền là nơi thần Thiên Tôn cắm gươm hóa.
(PLVN) - Trong bách thần của tín ngưỡng dân gian Trung Quốc có nhiều vị thần của Đạo giáo. Qua thời gian, từ một thánh thú có biểu tượng rùa - rắn, Huyền Vũ trở thành một vị thần của tín ngưỡng Trung Quốc, rồi thành thần tiên trong Đạo giáo và thành thần của người Việt. Đến nay, những dấu vết, biểu hiện của Đạo giáo có thể tìm thấy trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Thơ Thiền Việt Nam (Bài 7): Tuệ Trung Thượng Sĩ luận về chuyện sống chết

Tuệ Trung Thượng Sĩ luôn coi nhẹ chuyện sống chết ở đời.
(PLVN) - Không xuất gia đầu Phật, sống cùng thế tục, nhưng tinh thần thiền học khai phóng của Tuệ Trung Thượng Sĩ đã làm thay đổi nhiều dòng thiền. Trong đó, đối với ngài chuyện sống chết luôn xem nhẹ, bởi chỉ có nhận biết được vòng xoay luân hồi của cuộc đời thì người tu hành mới không vướng bận, mới chuyên tâm tu tập chánh pháp.

Zèng - “báu vật” của người Tà Ôi

Zèng được sử dụng làm của hồi môn trong đám cưới của dân tộc Tà Ôi.
(PLVN) - Việc bảo tồn và phát triển nghề dệt Zèng truyền thống không chỉ giữ gìn biểu tượng văn hóa lâu đời của bà con dân tộc Tà Ôi, mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống cho bà con.

Cúng mặn hay cúng chay?

Một mâm cúng chay.
(PLVN) - Cúng mặn hay cúng chay là vấn đề nhiều người dân băn khoăn khi thành kính dâng cỗ cúng cha mẹ, gia tiên. Người Việt chúng ta thường hay nói “trần sao âm vậy”. Nhưng liệu chúng ta đã thực sự hiểu thấu đáo câu nói này?

Thơ Thiền Việt Nam (Bài 6): Tâm thiền bình an trong tuyệt tác “Ngư nhàn” của quốc sư Không Lộ

Thơ Thiền Việt Nam (Bài 6): Tâm thiền bình an trong tuyệt tác “Ngư nhàn” của quốc sư Không Lộ
(PLVN) - Thiền sư Không Lộ là một hiện tượng thi ca độc đáo trong dòng thơ thiền Việt Nam. Bài thơ “Ngư nhàn” – “Cái nhàn của ngư ông” được giới chuyên môn đánh giá là sự cất cánh của một tâm hồn thi sĩ. Bài thơ tràn ngập ý vị thiền, qua cái nhìn độc đáo của một nhà sư biết sống tùy duyên, luôn mở lòng, chan hòa với cuộc đời.

Lay lắt nghề thêu tay truyền thống Bình Lăng

Những người thợ của làng nghề Bình Lăng hiện tại chủ yếu là trung tuổi.
(PLVN) - Làng Bình Lăng (xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội) xưa nay được biết đến là làng thêu tay nổi tiếng đất Việt. Sau một thời gian dài phát triển thịnh vượng, giờ đây, bởi thiếu nguồn nhân lực trẻ, thu nhập thấp… thêu tay truyền thống Bình Lăng rơi vào cảnh “thoi thóp”.