Lái xe xuyên Việt trốn nợ
Sau khi lấy nhau, từ bàn tay trắng, vợ chồng Võ Khánh Dương và Nguyễn Thị Quỳnh Anh (cùng SN 1973) rời quê thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ khăn gói về TPThái Nguyên lập nghiệp. Để mở rộng làm ăn, tháng 5/2004, vợ chồng Dương thành lập Doanh nghiệp tư nhân Quỳnh Dương (trụ sở tại tổ 11, phường Tân Thành, TPThái Nguyên). Dương làm Giám đốc, vợ làm thủ quỹ.
Vốn liếng của hai vợ chồng không đủ để mở rộng làm ăn. Dù đã quảng cáo để thu hút đầu tư, song việc kinh doanh vẫn gặp nhiều trở ngại. Trong lúc bí bách, vợ chồng Dương dùng chiêu thức trả lãi suất cao với mục đích vay tiền của nhiều người. Có “núi tiền” trong tay, vợ chồng Dương “vung” tiền mua nhà, thuê nhà để kinh doanh “ảnh viện áo cưới” nhiều nơi. Thấy có tiền tỷ một cách dễ dàng, vợ chồng Dương không tiếc tiền mua sắm ô tô đắt tiền, mua đất làm nhà, tiêu xài như một “đại gia” ở đất Thái Nguyên. Số còn lại, Dương dùng để trả lãi cho những người cho vay tiền.
Đầu năm 2008, công ty vợ chồng Dương thua lỗ nặng, không đủ tiền để duy trì kinh doanh và trả lãi. Từ tháng 12/2007 đến tháng 10/2008, vợ chồng Dương tiếp tục vận dụng phương thức vay tiền trả lãi suất cao để vay của 27 người khác trên địa bàn TP Thái Nguyên với tổng số tiền lên tới 183,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, vợ chồng Dương còn lập 2 bộ hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất khống để lừa đảo, chiếm đoạt của một hộ dân số tiền lên tới 2,6 tỷ và dùng số tiền này để trả nợ cho người vay trước. Tháng 10/2008, khi những người cho Dương vay tiền yêu cầu thanh toán tiền gốc và lãi, biết không thể vực lại kinh doanh, không có khả năng thanh toán, Dương tìm mọi cách để chuyển nhượng số tài sản có giá trị của mình cho người thân, trốn tránh việc trả nợ. Sau đó, vợ chồng Dương xé bỏ toàn bộ sổ sách, giấy tờ theo dõi việc vay nợ rồi lái ô tô vào miền Nam bỏ trốn.
Phát hiện sự việc trên, những người cho Dương vay nháo nhác tìm kiếm nhưng bất thành nên đã trình báo cơ quan chức năng. Ngay sau đó, Công an tỉnh Thái Nguyên đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, kê biên và tạm giữ rất nhiều tài sản, đất đai có giá trị của vợ chồng Dương. Số tài sản bị kê biên này được xác định là do gây án mà có.
Đến ngày 11/11/2008, vợ chồng Dương bị công an bắt giữ tại Đà Nẵng. Sau quá trình điều tra, xét xử, ngày 24/11/2011, TAND tỉnh Thái Nguyên ra Bản án số 34/2011/HSST tuyên phạt bị cáo Dương tù chung thân; bị cáo Quỳnh Anh mức án 30 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; vợ chồng Dương phải bồi thường cho 22 bị hại số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Lãnh đạo VKS giúp tẩu tán tài sản?
Với hành vi lừa đảo và chiếm đoạt tài sản, vợ chồng Dương đã phải nhận mức hình phạt nghiêm minh. Tuy nhiên trước đó, điều khiến dư luận “dậy sóng” là hành vi của của vị Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Thái Nguyên Dương Quang Hợp. Cụ thể, ông Hợp đã ký các Quyết định số 20, 21, 22 ngày 21/1/2011 hủy bỏ lệnh kê biên các tài sản của bị cáo số 01, 02 ngày 7/12/2009, số 03 ngày 11/12/2009 của Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Thái Nguyên và các quyết định trả lại vật chứng từ số 23 đến số 29.
Việc làm trên của ông Hợp đã giúp vợ chồng Dương tẩu tán khối tài sản “khổng lồ” bằng cách chuyển nhượng cho một số người thân quen khác. Do đó, khi đến phiên tòa xét xử, vợ chồng Dương không còn bất cứ tài sản nào để bồi thường cho các bị hại.
Các nạn nhân cho hay hầu hết đều dốc hết vốn liếng gom góp bấy lâu nay và vay mượn bạn bè, họ hàng để cho vợ chồng Dương vay. Nên khi bị lừa, họ đều lâm vào cảnh lao đao. “Chúng tôi nhẹ dạ, thấy Dương trả lãi cao và là hàng xóm nên tin tưởng, dốc hết vốn liếng cho vay. Giờ bị lừa nên chúng tôi phải bán hết nhà cửa để trả nợ. Có hộ khó khăn hơn phải sống chui sống lủi qua ngày trốn nợ”, một bị hại kể lại.
Không đồng tình với phán quyết của TAND tỉnh Thái Nguyên, các bị hại của vụ án đã có đơn kháng cáo yêu cầu làm rõ những hành vi vi phạm tố tụng của VKSND tỉnh Thái Nguyên. Hành vi của vị lãnh đạo VKS tỉnh sau đó dần được sáng tỏ.
Theo đó, tại Bản án số 245/2012/HSPT ngày 25/5/2012 TANDTC, nêu: “Sau khi vụ án được khởi tố, Cơ quan CSĐT áp dụng biện pháp kê biên tài sản đối với các bị cáo Võ Khánh Dương là có căn cứ đúng pháp luật. Việc VKSND tỉnh Thái Nguyên chỉ căn cứ vào việc các bị cáo và một số bị hại đã thỏa thuận về việc xử lý tài sản kê biên và tạm giữ đã quyết định hủy bỏ lệnh kê biên tài sản của các bị cáo là không đúng quy định tại Khoản 4 Điều 146 Bộ luật Tố tụng Hình sự, vì việc kê biên tài sản trong trường hợp này vẫn cần thiết”...
Từ nhận định này, TANDTC giữ nguyên mức phạt tù đối với hai bị cáo và giao lại hồ sơ cho VKSND tỉnh Thái Nguyên giải quyết phần trách nhiệm dân sự....