Không biết họ tên cha mẹ, quê quán của… chính mình
Chiều ngày 12/11, lãnh đạo trường nhận được tin báo tối cùng ngày sẽ có nhiều đối tượng tham gia thi hộ trong phòng thi môn Anh văn 3. Đây là kỳ thi kết thúc học phần mà nhà trường tổ chức cho các thí sinh hệ liên thông học lại vì đã thi rớt học kỳ trước. Kỳ thi này gồm nhiều khóa, khoa gộp lại thi chung với nhau.
Trước tiên, phòng đã lấy hồ sơ gốc để trích xuất ảnh gốc, tên tuổi, ngày tháng năm sinh, tên cha mẹ, quê quán, địa chỉ liên hệ của số sinh viên này, rồi thành lập một tổ thanh tra gồm 8 cán bộ giáo viên.
Đến 19h, các thí sinh tham gia thi có mặt. Mỗi phòng có 2 giám thị coi thi. Trước khi vào phòng thi, thí sinh được giám thị gọi tên để kiểm tra thẻ sinh viên hoặc CMND. Tất cả sinh viên đã xuất trình đầy đủ giấy tờ tùy thân có dán ảnh “hợp lệ” cho giám thị. Qua khâu kiểm tra, các thí sinh được vào phòng và nhận đề để làm bài thi.
Tuy nhiên ngày hôm đó, các thí sinh được phen bất ngờ khi bỗng dưng xuất hiện thêm 8 cán bộ giáo viên khác đi kiểm tra các phòng thi. Những người này trên tay cầm hồ sơ gốc của sinh viên, lần lượt đến từng người kiểm tra.
Bước đầu tiên là kiểm tra nhận dạng, so sánh giữa ảnh trong hồ sơ gốc và người dự thi. Trường hợp có biểu hiện nghi vấn, người kiểm tra sẽ hỏi thêm hai thông tin về quê quán và họ tên cha mẹ. Rất nhiều thí sinh đã hoảng hốt lúng túng khi không không thể nói ra được quê quán, họ tên cha mẹ của… chính mình.
Một thẻ sinh viên giả |
Trong khoảng 30 phút, đoàn kiểm tra đã phát hiện và lập biên bản 24 trường hợp thi hộ. Thí sinh thi hộ bị đình chỉ thi tại chỗ rồi được đưa về phòng riêng để viết bản tường trình, chụp hình nhận dạng, lăn dấu vân tay.
Ghi nhận từ lời khai trong bản tường trình của những đối tượng thi hộ thì có hai lý do mà họ tham gia thi. Thứ nhất là do quen biết với thí sinh “thật” nên “giúp đỡ” nhau. Thứ hai là một số tham gia thi thuê. Nếu thi hộ trót lọt thì người thi thuê sẽ nhận được 800 ngàn – 1 triệu tiền công.
Những thí sinh rởm, có một số là cựu sinh viên của trường, tuổi đời từ 20- 26 tuổi. Tất cả những người này bị nhà trường giữ lại giấy tờ tùy thân, với những người không mang theo giấy tờ tùy thân thì gọi người nhà đến bảo lãnh. Đến 21h30, toàn bộ 24 người được cho về nhà.
Đường dây thi thuê?
Sự kiện 24 người thi hộ đang gây xôn xao dư luận, đặc biệt là với các sinh viên trong trường. Một sinh viên năm cuối khoa kế toán đặt vấn đề: “Đầu vào của trường không cao nhưng đầu ra của trường rất khó. Nếu thi rớt một học phần nào đó, bắt buộc sinh viên phải học lại từ đầu. Rồi thi lại nếu đậu mới qua. Trường nổi tiếng khắt khe, xảy ra việc thuê người thi hộ, chứng tỏ hoặc phải có “đường dây”, hoặc có công nghệ gian lận rất tinh vi”.
Ông Nguyễn Quốc Bảo, Trưởng phòng Thanh tra xác nhận các đối tượng thi hộ đã sử dụng công nghệ tinh vi khi làm thẻ rởm. Cầm trên tay chiếc thẻ sinh viên bằng nhựa cứng (giống như thẻ ATM), có logo của trường, hình ảnh, thông tin sinh viên được gắn mã vạch thu giữ của đối tượng thi hộ, ông Bảo cho biết: “Khi quan sát kỹ ở phần tên tuổi, ngày tháng năm sinh, ngành, khoa giữa thẻ thật và thẻ giả mới biết được khác nhau”.
Quả thật, phải cầm trực tiếp thẻ thật và thẻ rởm mới phát hiện được sự khác biệt về màu sắc logo, phông chữ và khoảng cách chữ. Nếu như nhà trường không nhận được tin báo từ trước, rất có thể 24 đối tượng thi hộ này sẽ qua mắt giám thị trót lọt.
Ông Bảo cho hay: “Hồ sơ của 24 người thi hộ đã được trường chuyển giao cho Công an quận 7 phục vụ điều tra. Phía công an mới có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất”.
Giải thích việc tại sao nhiều sinh viên nhờ người thi hộ môn tiếng Anh, một cán bộ của trường phỏng đoán: “Môn tiếng Anh là môn học khó và bắt buộc của tất cả các khoa ngành. Hơn nữa đây là môn học phổ biến nên rất dễ dàng tìm người thi hộ hơn các môn khác”./.