Cảm ơn ông đã dành thời gian trả lời PLVN. Xin ông cho biết những thành tựu nổi bật mà Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp đạt được trong nhiệm kỳ 2010 - 2015?
- Nhiệm kỳ qua, trong điều kiện có nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, sự đổi mới, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành của chính quyền, chúng tôi đã đạt được những thành tựu nhất định. Là người Đồng Tháp, tôi tự hào về sự phát triển của quê hương mình trong nhiệm kỳ qua với những thành tựu khá quan trọng trên nhiều lĩnh vực.
Kinh tế tiếp tục phát triển và duy trì ở mức khá, tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm ước đạt 9,5%. Là một trong những địa phương đi đầu và được Trung ương chọn làm điểm tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chúng tôi đã đạt được những kết quả bước đầu trong tổ chức lại sản xuất. Du lịch có những bước tiến mới. Kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư, gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới với kết quả đã có 6 xã được công nhận đạt chuẩn. An sinh xã hội được chăm lo thiết thực.
Công tác xây dựng Đảng đạt nhiều kết quả quan trọng, nhất là qua đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI về xây dựng Đảng. Độ nhanh nhạy và tính tương tác của bộ máy chính quyền được nâng cao.
Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ngày càng gần dân, sát cơ sở. Kết quả ước thực hiện đến cuối nhiệm kỳ, có 21/26 chỉ tiêu đạt và vượt. Đây chính là nỗ lực lớn của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân tỉnh nhà trong nhiệm kỳ qua.
Những năm vừa qua, Đồng Tháp luôn được đánh giá, xếp ở vị trí cao về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Theo ông, Đồng Tháp còn những hạn chế nào cần tiếp tục phấn đấu trong thời gian tới?
- Năm 2014, chỉ số PCI của tỉnh nhà đứng thứ 2 trong cả nước. So với năm 2013, Đồng Tháp tiến 4 bậc, góp phần giữ vững vị trí trong nhóm dẫn đầu liên tục kể từ khi công bố bảng xếp hạng hàng năm. Đạt được điều đó là do chúng tôi đã kiên trì thay đổi từ nhận thức đến hành động trong bộ máy công quyền, từ ứng xử theo kiểu “xin - cho “thành “đồng hành cùng doanh nghiệp”, từ “suy nghĩ cho doanh nghiệp” đến “suy nghĩ như doanh nghiệp”, từ tư duy “quản lý, điều hành doanh nghiệp” trở thành “kiến tạo môi trường tốt nhất cho hoạt động của doanh nghiệp”. Đó là cả một hành trình thay đổi tư duy bắt đầu từ lãnh đạo tỉnh, lan toả ra cả bộ máy.
Tuy đứng ở vị trí thứ 2 nhưng một vài chỉ số có giảm. Điều này cho thấy đâu đó trong hệ thống chưa thực sự vận hành suôn sẻ, nó cũng chứng tỏ doanh nghiệp còn chưa thật sự hài lòng với bộ máy công quyền. Tuy cấp tỉnh đã “mở cửa” nhưng ở cấp dưới vẫn còn chưa chạy theo kịp, dẫn đến chưa đồng bộ, làm doanh nghiệp mất nhiều thời gian, gặp khó chỗ này, chỗ kia.
Hàng năm, lãnh đạo tỉnh cùng các ngành phân tích, đánh giá, mổ xẻ những mặt được, chưa được, xây dựng lộ trình phù hợp để khắc phục từng điểm nghẽn, phấn đấu tạo dựng một môi trường minh bạch hơn, thuận lợi hơn, không để doanh nghiệp mất đi cơ hội; cầu thị lắng nghe để cùng đồng cảm với doanh nghiệp trong từng giai đoạn khó khăn.
Quan điểm nhất quán của chúng tôi trong thời gian tới là phải “đến với nhà đầu tư chứ không ngồi đợi nhà đầu tư đến”; phải “tạo dễ cho doanh nghiệp và người dân, nhận khó về chính quyền”, vì doanh nghiệp và người dân chính là động lực, là tiềm năng giúp tỉnh nhà tiến nhanh trong một xã hội thay đổi từng ngày, từng giờ, không chờ đợi một ai.
Ông từng nói Đồng Tháp đang chuyển hướng tư duy từ xây dựng “Nhà nước quản lý” sang “Nhà nước phục vụ”. Điều này có ý nghĩa như thế nào ?
- Chúng ta đang chuyển từ tư duy “hành chính cai trị” sang “hành chính phục vụ” - lấy lợi ích của người dân, của xã hội làm mục tiêu hoạt động. Nội dung cốt lõi của nền hành chính phục vụ chính là tối ưu hoá những dịch vụ công để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của xã hội, là cách ứng xử tương tác bình đẳng giữa chính quyền và người dân.
Cơ quan công quyền không chỉ ban hành quyết định mà còn phải thông tin đầy đủ, kịp thời, có trách nhiệm đối thoại, giải trình thấu tình, đạt lý; công chức “có tâm, có tầm” - có chuyên môn sâu, kỹ năng làm việc, kiến thức xã hội; người lãnh đạo có trách nhiệm, luôn lắng nghe dân, thực sự gần dân, sát dân; bộ máy tinh gọn, hiệu quả, phân công, phân cấp trách nhiệm rõ ràng,…
Theo hướng này, nền hành chính phục vụ có thể xem như là “doanh nghiệp dịch vụ”, công chức không phải “ăn lương Nhà nước mà “ăn lương của người dân”, do vậy công chức phải nhận rõ sự vừa lòng hay không của người dân để không ngừng tự hoàn thiện mình. Thời gian qua, Đồng Tháp bắt đầu hướng đến điều đó bằng các việc làm, mô hình cụ thể, như: gửi thư chúc mừng, chia buồn khi bà con có chuyện hiếu hỷ; “Ngày thứ Sáu nghe dân nói”, “Chính quyền đối thoại với nhân dân”, “Bí thư cấp ủy đối thoại với nhân dân”...
Chúng ta đang phấn đấu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh, ở đó người dân có quyền làm những gì pháp luật không cấm; ngược lại, cán bộ, công chức nhân danh quyền lực nhà nước thì chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Do vậy, những hành xử theo kiểu mệnh lệnh, áp đặt của chính quyền cần phải được loại bỏ. Quyền lực chính quyền thuộc về nhân dân là như vậy đó!
Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp |
- Nâng cao chất lượng công tác tư pháp là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là trách nhiệm của không chỉ riêng ngành Tư pháp mà còn của cả hệ thống chính trị. Trên quan điểm đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn quan tâm sát sao đối với các nhiệm vụ công tác tư pháp, chú trọng đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành; tạo điều kiện để ngành Tư pháp tham gia sâu, rộng, ngay từ đầu các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội, cho ý kiến tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Thời gian qua, ngành Tư pháp Đồng Tháp đã tập trung triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Trung ương và yêu cầu của địa phương; phát huy các nguồn lực sẵn có, xây dựng mối quan hệ phối hợp khá nhịp nhàng với các cấp, các ngành, hướng công tác tư pháp về cơ sở, giải quyết kịp thời vướng mắc trong vận hành các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội nói chung và hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp nói riêng, góp phần quan trọng vào cải thiện, nâng cao PCI cấp tỉnh.
Hướng tới 70 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp Việt Nam (28/8/1945 - 28/8/2015), ông có suy nghĩ, mong muốn gì đối với công tác tư pháp và những người làm công tác tư pháp?
- Tôi luôn kỳ vọng các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan tư pháp thường xuyên quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ - cả cán bộ các chức danh tư pháp và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý cho các giai đoạn tiếp theo, xem xét tuyển dụng, luân chuyển, điều động cán bộ theo chỉ tiêu được phân bổ và bổ sung cán bộ cho các đơn vị còn thiếu; thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao tính kỷ luật lao động, kỷ luật nghiệp vụ.
Đối với vấn đề con người, cần tập trung xây dựng đội ngũ luật sư, tư vấn pháp luật, cán bộ làm công tác bổ trợ tư pháp có phẩm chất chính trị, có trình độ chuyên môn vững vàng đủ sức thực hiện các nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu công tác Ngành trong giai đoạn mới. Nói chung là, chúng tôi còn phải phấn đấu rất nhiều nếu muốn có được đội ngũ cán bộ tư pháp có tư duy mới, có tâm, có tầm !
Trân trọng cảm ơn ông!