Những đứa trẻ không biết Tết
Sapa những ngày cận Tết, càng về đêm trời càng rét. Nhiệt độ có lúc xuống đến 4 – 5°C. Sương mù phủ kín thị trấn, làm cho không gian càng thêm giá buốt.
Gần như ở mọi nơi trong thị trấn Sapa, từ vệ đường, góc chợ…, những đứa trẻ dân tộc H’Mông trong những bộ cánh mỏng, co quắp trong buốt giá vẫn cố gắng thều thào những câu bằng tiếng Kinh lõm bõm: “Mua cho cháu đi cô ơi”; “Mua cho cháu đi chú ơi”. Những lúc vãn khách, những đứa trẻ ngồi bệt trên nền đường trải 1 tấm nilon mỏng, đứa lớn ôm đứa nhỏ, cắn chặt môi trong buốt giá.
Những đứa trẻ co ro trong giá rét |
Có khách du lịch đi ngang qua, những đứa trẻ lại kéo nhau chạy vây đến. Những đôi tay đem nhẻm, đầy cáu ghét chìa ra những món hàng đơn giản, thường là vòng tay, móc đeo chìa khóa, túi điện thoại và cố gắng chèo kéo khách du lịch phải mua cho bằng được. Nhiều người ái ngại rút ví mua hàng và không quên nhìn về đám trẻ với ánh mắt đầy thương cảm.
Khi hỏi một em bé gái về công việc của em rồi muốn chụp ảnh, em nói ngay 1 câu, như đã được lập trình: “Chụp ảnh rồi phải mua hàng cho em”. Rồi, em chẳng nói họ, chỉ phiên âm tên tiếng Kinh của em là Phạn. Phạn 8 tuổi, đã bỏ học, chưa nhận rõ các mặt chữ.
Phạn bảo, ở bản nhà em nhiều đứa trẻ như em lắm. Đứa được đi học, đứa không, nhưng chẳng mấy đứa là Tết được ở nhà chơi ném còn, đánh đáo mà phải ra thị trấn bán đồ thổ cẩm.
Có khách, những đứa trẻ liền vây lấy |
Quãng đường Phạn và các bạn phải đi em chẳng áng chừng được là bao nhiêu cây số, chỉ biết là mẹ em gọi dậy từ khi con gà trong chuồng gáy hồi đầu tiên.
Rồi em ăn sáng bằng bánh ngô và xách theo túi đồ mẹ đã chuẩn bị sẵn rồi cùng đám bạn trong bản lầm lũi đi trong giá lạnh về hướng thị trấn Sapa. Lên đến nơi thì trời cũng đã tỏ mặt người, mặt trời đã lên quá đỉnh núi.
“Nhà em nghèo, chẳng có gì để ăn Tết cả. Bố em sang Trung Quốc làm thuê, không biết Tết có về không. Nhà chỉ có 2 mẹ con, đều phải ra thị trấn bán hàng. Phải bán được hàng, Tết nhà em mới có bánh chưng”, Tráng Văn Thành (7 tuổi, xã Thầu Hào) tâm sự.
Khách mua hàng vì thương cảm
Đêm càng về khuya, càng lúc càng buốt giá. Trên những con đường vắng vẫn chỉ còn lại vài người khách chơi về muộn. Đó cũng là thời điểm những đứa trẻ bán hàng xong 1 ngày làm việc. Khi chợ Sapa vắng tanh, những đứa trẻ đó trải những tấm bao tải trên nền đất, chọn những chỗ có mái che rồi ngủ luôn ở chợ. Cuộc sống của chúng cứ như thế, cho đến khi hết hàng, hết bánh thì lại về nhà lấy thêm.
Một điều dễ nhận thấy là những món hàng mà đám trẻ ở Sapa bán chỉ là những sản phẩm thô sơ, bình thường, không thu hút được du khách. Vì thế, đa phần khách mua hàng thường là vì thương cảm.
Ban đêm, đám trẻ tìm chỗ nghỉ lại ở chợ |
Chị Anna Sanchez (1 du khách đến từ Chi - lê) chia sẻ: “Thật đáng thương cho những đứa trẻ tội nghiệp. Trong thời tiết như thế này, người lớn còn thấy lạnh, trong khi chúng chỉ vận những bộ cánh mỏng. Cũng vì thấy tội nghiệp nên tôi đã mua hàng cho chúng 4 cái vòng tay thêu với giá 1 đô – la”.
Cũng tâm trạng trên, chị Nguyễn Hòa Mỹ (Khách du lịch từ Hà Nội) cho biết, chị lên Sapa đã 2 hôm nay. Dù mặc đủ ấm nhưng chị vẫn bị cảm cúm vì sương muối và nhiệt độ quá thấp. Vì thế, chị càng thương cho những đứa trẻ với những cánh áo mỏng đang bán hàng ở khắp chợ.
Đa phần khách mua hàng vì thương cảm |
“Chúng cũng trạc tuổi con tôi ở nhà. Nhưng con tôi cũng như bao đứa trẻ thành thị khác, nhiệt độ dưới 10 độ là được nghỉ học ở nhà, chăn ấm nệm êm. Trong khi lên đây, nhìn bọn trẻ ăn mặc lếch thếch, co ro trong cái lạnh 5 – 6 độ mà không cầm được nước mắt. Không phải con mình mà tôi còn thấy xót. Không biết bố mẹ chúng cảm thấy thế nào. Vì thế, cứ đứa nào tìm đến tôi cũng mua hàng giúp. Với mình, mấy chục ngàn không là bao, nhưng với chúng có khi lại là 1 khoản tiền lớn” – chị Mỹ chia sẻ.
Cũng vì lợi dụng lòng thương cảm đó, những đứa trẻ ở Sapa đã được bố mẹ giao cho những công việc quá vất vả, trong khi, ở tuổi của các em, nơi các em đến phải là mái trường. Để rồi, những đồng tiền ít ỏi các em kiếm được sẽ dùng để mua gạo nếp, bánh chưng...để chuẩn bị Tết. Nhưng chuẩn bị để làm gì, khi các em không hề có Tết...