Giao cả túi tiền cho siêu lừa?
Trong phần trình bày quan điểm bảo vệ cho Ngân hàng TMCP Á Châu – ACB, Luật sư Lưu Văn Tám, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng có sự đánh tráo khái niệm “hợp đồng chỉ thật với ACB nhưng giả với Vietinbank”. VKS khẳng định hợp đồng chỉ có giá trị với ACB chứ với Vietinbank là giả thì làm sao buộc Vietinbank bồi thường?. Chính ACB đã đưa lãi suất vượt trần và bằng thủ đoạn cũng như sự hợp tác nhiệt tình của ACB mới dẫn đến sự việc bị Huyền Như lừa đảo, chiếm đoạt tiền.
Trong khi đó, luật sư của ACB đưa ra bằng chứng là thông báo số dư tài khoản mang tên Phạm Công Hoàng và cho rằng đây là tình tiết mới chứng minh tài khoản của ACB đã vào tài khoản Vietinbank và buộc Vietinbank bồi thường.
VKS cho rằng đây không phải là tình tiết mới vì đã được cơ quan điều tra cập nhật. Vị Công tố chứng minh rằng, số tiền 718 tỷ đồng đã được Như làm giả 65 thẻ tiết kiệm để rút tiền tại Vietinbank chi nhánh Điện Biên Phủ và Đinh Tiên Hoàng. Tuy nhiên, số dư mà luật sư cung cấp là do Như chưa kịp chiếm đoạt thì vụ án đã bị phanh phui nên mới tồn tại số dư này. Chính vì vậy, VKS khẳng định cáo trạng truy buộc các bị cáo là có căn cứ, Như phải có trách nhiệm bồi thường cho ACB.
Bên cạnh đó, bảo vệ quan điểm của mình, vị đại diện VKS chứng minh sự bất cẩn của SBBS thể hiện ở ngay bước mở tài khoản. Thay vì công ty này phải trực tiếp giao dịch với Vietinbank thì lại giao toàn bộ tài sản, hồ sơ để Huyền Như tự mở tài khoản.
Như không phải là nhân viên của Công ty SBBS và Như đánh tráo hồ sơ mở tài khoản với chữ ký, con dấu giả để làm thủ tục giả chiếm đoạt tiền của công ty này. SBBS không thực hiện đúng quy định và công ty này tự tước đi quyền lợi của mình khi giao toàn bộ hồ sơ mở tài khoản cho Như để cô này chiếm đoạt 210 tỷ đồng.
Số tài khoản này đã được Như làm giả nên SBBS có muốn cũng không thể rút được. SBBS giao khối tài sản khổng lồ cho người không quen biết. Như yêu cầu như thế nào là giao như thế mà không hề kiểm tra. Điều này chứng tỏ SBBS tự tháo cửa két sắt để mặc Huyền Như muốn làm gì thì làm. Nói cách khác, công ty này đã giao túi tiền của mình cho Như nên thiệt hại là điều hiển nhiên, không đổ trách nhiệm cho Vietinbank.
Vietinbank không trục lợi?
Đến lượt bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho 3 công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát và Hưng Yên, các luật sư cho rằng thân chủ mình không sai, không có lỗi và yêu cầu Vietinbank phải bồi thường. Tuy nhiên, VKS cho rằng, 3 công ty trên chưa thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình đã buông lỏng trong giao dịch, quản lý, giám sát dẫn đến thiệt hại số tiền trên 1.500 tỷ đồng.
Cụ thể, trong một thời gian dài nhưng 3 công ty không hề thắc mắc tại sao số tiền chuyển vào tài khoản Vietinbank Nhà Bè nhưng tiền lại nằm ở chi nhánh Điện Biên Phủ. Nếu không có khoản lãi suất vượt trần ngoài hợp đồng, nhận tiền ngay thì các công ty này có giao tiền cho Như không?.
Ở đây lỗi của ba công ty chứ không phải lỗi của Vietinbank. Đại diện các công ty trên không hoàn thành trách nhiệm của mình sau đó lại đẩy lỗi cho Vietinbank không kiểm soát được, tức là họ đã giao cho Vietinbank cái không có thật thì Vietinbank không thể quản lý được.
Vị Công tố còn mạnh dạn khẳng định trong vụ án này Huyền Như chính là đối tượng trực tiếp lừa đảo và chiếm đoạt số tiền. ACB, SBBS là bị hại và Huyền Như có trách nhiệm bồi thường khoản tiền đã trục lợi chứ không phải Vietinbank. Còn đối với phần bào chữa của các luật sư bào chữa cho các bị cáo khác trong vụ án, Cơ quan Công tố vẫn kiên quyết giữ nguyên quan điểm truy tố do các bị cáo đã tạo điều kiện thuận lợi để Như chiếm đoạt tiền, điều này thể hiện khá đầy đủ trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại tòa.