Nguyên đơn dân sự bức xúc đòi Vietinbank bồi thường vụ Huyền Như

“Siêu lừa” Huyền Như ăn vận rất đẹp dự phiên tòa trong khi các nguyên đơn dân sự thì sửng sốt vì bị từ chối bồi thường.
“Siêu lừa” Huyền Như ăn vận rất đẹp dự phiên tòa trong khi các nguyên đơn dân sự thì sửng sốt vì bị từ chối bồi thường.
(PLO) - Hôm qua (17/1), ngày thứ 10 TAND TP.Hồ Chí Minh  xét xử đại án “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như, các nguyên đơn dân sự và những người liên quan trong đại án đã được trình bày quan điểm trước Hội đồng xét xử (HĐXX).
Có chủ trương chi lãi suất vượt trần?
Mở đầu, ông Lê Thanh Hải - đại diện theo ủy quyền của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) -  trình bày, ACB luôn có quan điểm rõ ràng trong việc yêu cầu Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) phải trả số tiền là 718,908 tỉ đồng gốc và lãi phát sinh, chứ không đòi tiền Huỳnh Thị Huyền Như. 
Vì vậy, ông Hải tiếp tục đề nghị HĐXX đưa Vietinbank tham gia tố tụng với tư cách bị đơn dân sự. Ông Hải còn đưa ra lập luận là quan hệ gửi tiền giữa ACB (đứng tên 19 cá nhân ACB) với Vietinbank là quan hệ hợp đồng hợp pháp, được ông Trương Minh Hoàng và bà Nguyễn Thị Minh Hương (hai Phó Giám đốc Vietinbank TP.HCM) ký kết, đóng dấu thật của Vietinbank. 
Sau khi ACB chuyển tiền vào Vietinbank, đơn vị này đã hạch toán thành tài sản của mình, sao kê chi tiết tài khoản của các nhân viên ACB cũng thể hiện rõ việc này, tức là Huyền Như đã nhân danh Vietinbank huy động tiền cho Vietinbank. 
Ông Hải dẫn chứng đơn cử trường hợp ông Phạm Công Hoàng (một trong 19 nhân viên ACB gửi tiền tại Vietinbank) gửi 26 tỉ đồng. Theo cáo trạng, Huyền Như đã giả chữ ký ông Hoàng thế chấp thẻ tiết kiệm mang tên ông Hoàng tại Phòng giao dịch Điện Biên Phủ để vay số tiền 25 tỉ đồng. Vietinbank cho rằng số tiền này chưa được chuyển vào Vietinbank nhưng ông Hoàng vẫn nhận được thư của Vietinbank xác nhận số dư tài khoản còn lại của ông Phạm Công Hoàng tính đến 31/12/2013 là 950 triệu đồng. 
Ông Hải nhắc lại kết luận điều tra có nêu: Lãnh đạo Vietinbank được Như báo cáo về việc chi lãi suất trong hợp đồng là 14%, lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng là 0,5% nhưng chưa được điều tra làm rõ Vietinbank có chủ trương chi lãi suất vượt trần hay không? Nguồn chi từ đâu, hạch toán thế nào? Nhiều cá nhân không phải là chủ thể đứng ra tự nhận là chủ thể giả chữ ký ký hồ sơ vay tiền đã không bị xử lý hình sự… 
Ngoài ra, ông Hải còn cho rằng thực chất đây là một vụ án tham nhũng, có tội tham ô. Ông Hải dẫn chứng năm 2005, Ngô Thanh Lam (nhân viên Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank) truy cập vào một số tài khoản của khách hàng, chiếm đoạt 75 tỉ, đã bị tử hình về tội tham ô và Vietcombank sau đó phải chịu trách nhiệm trả tiền cho khách hàng. 
Đề nghị tuyên Vietinbank phải bồi thường
Cũng tại phiên tòa, bà Yei Pheck Joo - Tổng Giám đốc Saigonbank-Berjaya đích thân trình bày quan điểm của Saigonbank-Berjaya tại tòa, chứ không thông qua người được ủy quyền vì tính chất quan trọng và phức tạp của vụ việc, cộng với số tiền thất thoát đặc biệt lớn. SBBS được biết đến là công ty môi giới chứng khoán hoạt động tại Việt Nam, có cổ phần của Tập đoàn Berjaya (Malaysia). Bà Yei Pheck Joo cho rằng, SBBS mở tài khoản gửi tiền ở ngân hàng quốc doanh và chuyển trực tiếp 225 tỉ đồng vào Vietinbank chứ không phải vào tài khoản cá nhân Huyền Như hay vào các công ty của Huyền Như. 
“Chúng tôi sửng sốt khi biết nhân viên của ngân hàng chiếm đoạt tiền của chúng  tôi mà Vietinbank từ chối bồi thường. Các bạn bè của chúng tôi, những nhà đầu tư Malaysia và Singapore đang theo dõi sát sao vụ án vì nó ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của họ ở Việt Nam. 
Cũng giống như SBBS, họ hiện đang gửi các khoản tiền lớn trong các ngân hàng quốc doanh của Việt Nam. Phán quyết của Tòa sẽ ảnh hưởng đến quan điểm và sự tin tưởng của các nhà đầu tư vào hệ thống ngân hàng Việt Nam” - bà này nói. Cuối cùng, bà Yei Pheck Joo đề nghị Tòa tuyên buộc Vietinbank phải bồi thường cho SBBS 210 tỉ đồng.
Còn đại diện Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) yêu cầu Huyền Như và 12 đồng phạm giúp sức cho Như chiếm đoạt tài sản phải bồi thường cho VIB, không yêu cầu Viettinbank trả số tiền này vì cho rằng trường hợp của mình khác những trường hợp khác. 
Với đề nghị của VKS kiến nghị thu hồi sung công quỹ tài sản do các bị cáo phạm tội mà có đã được cơ quan điều tra thu giữ, VIB không đồng ý với kiến nghị này. Theo VIB, bị cáo Huyền Như thừa nhận số tiền chiếm đoạt gần 4.000 tỉ, bị cáo dùng để trả tiền nợ, tiền lãi trong hợp đồng, lãi ngoài hợp đồng và tiền môi giới. Vì vậy, số tiền các bị cáo thu lợi bất chính trong vụ án này đều được nhận từ tiền của bị cáo Như.
Vì vậy, khi cơ quan tố tụng thu hồi được số tiền này thì phải trả lại cho người bị hại (Điều 76 Bộ luật Tố tụng Hình sự) chứ không thể sung công quỹ như VKS kiến nghị. Vì số tiền được thu giữ là của các bị hại chứ không phải của bị cáo Như, nên VIB đề nghị VKS xem xét rút lại kiến nghị này. 
Đồng thời, trước khi bị khởi tố, bị cáo Lành đã bán nhà, nộp vào tài khoản của cơ quan điều tra 15 tỉ đồng để khắc phục thiệt hại cho VIB, nên VIB đề nghị HĐXX tuyên trả ngay số tiền 15 tỉ đồng cho VIB khi bản án có hiệu lực. 
HĐXX sẽ tiếp tục vào sáng ngày 20/1 với phần tranh luận của các luật sư. 

Đọc thêm

Triệt phá đường dây chế độ vũ khí quân dụng

Các đối tượng bị bắt giam về tội "Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng" cùng tang vật (Ảnh: CACC).
(PLVN) -  Cơ quan CSĐT quận 4 (TP HCM) vừa triệt phá đường dây “độ, chế”, tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ liên tỉnh/thành; khởi tố, bắt tạm giam 5 đối tượng về tội “Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng”.

Kỷ luật 2 lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp

Kỷ luật 2 lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã ký các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành kỷ luật đối với Phó Chủ tịch và nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp.

Bắt đối tượng vận chuyển gần 12.000 viên ma túy tổng hợp

Tang vật vụ án.

(PLVN) - Ngày 13/1, thông tin từ Công an huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) thuộc đơn vị đang tiếp tục mở rộng điều tra về hành vi “Mua bán trái phép chất ma túy” đối với Lê Văn Q (SN 1980, trú tại xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ).

Vụ án tại Trung tâm R&D thuộc BQL Khu CNC TP HCM: Cựu lãnh đạo Sở KH&ĐT nhận tiền tỷ khi duyệt dự án

Bị cáo Minh tại một phiên tòa hồi tháng 7/2024. (Ảnh: Hải Duyên)
(PLVN) - Dự kiến từ ngày 15/1, TAND TP HCM sẽ đưa bị cáo Trần Thị Bình Minh (cựu PGĐ Sở KH&ĐT), Phan Tất Thắng (cựu Phó phòng Kinh tế) ra xét xử về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ trong vụ án xảy ra tại Trung tâm nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao (Trung tâm R&D) thuộc Ban Quản lý Khu công nghệ cao (BQLKCNC) TP HCM và các đơn vị liên quan.