Trước đó, UBND huyện Sa Pa đã nhiều lần ra văn bản cấm các cơ sở kinh doanh đông nam dược không được buôn bán chè Nhật trồng tại Sa Pa do tác hại khôn lường của loại chè. Tuy nhiên, đã có không ít người hám lợi tìm cách né quy định cấm kinh doanh chè Nhật bằng cách nhập nhèm gọi là “Cỏ ngọt Sa Pa” để đánh lừa người sử dụng, nhất là khách du lịch khi tới Sa Pa tìm mua dược liệu quý hiếm làm quà tặng.
Trà Nhật biến thành Cỏ Ngọt |
Các gói “Chè ngọt Sa Pa” kể trên đều có dán nhãn mác in sơ sài giới thiệu về công dụng của chè ngọt là chống bệnh tiểu đường, huyết áp cao... nhưng lại không ghi địa chỉ nhà sản xuất và cơ sở kinh doanh dược liệu theo quy định của ngành y tế và cơ quan quản lý thị trường. “Trà Nhật” Sa Pa dưới tên mới “Chè ngọt Sa Pa” cũng được bán công khai với số lượng lớn trong chợ trung tâm thị trấn Sa Pa với giá 100.000 đồng/kg.
Theo BS Nguyễn Ngọc Hinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Pa, cho biết: “Lâu nay người tiêu dùng và khách du lịch hay bị nhầm lẫn giữa cây trà Nhật với cây cỏ ngọt có tên khoa học là Stevia. Cây cỏ ngọt được dùng như một loại trà dành cho người bị bệnh tiểu đường, chứng béo phì hoặc cao huyết áp. Hiện nay cây cỏ ngọt này chưa được trồng tại Sa Pa”.
Viện dược liệu TƯ đã nhận từ ông Tanaka là đại diện Công ty Hônso Nhật Bản loại cây này và đã triển khai trồng thử nghiệm ở ba địa điểm gồm huyện Sa Pa, huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) và huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc). Kết quả cây “trà Nhật” thích nghi và sinh trưởng tốt ở Sa Pa và đã xuất 1 tấn lá khô theo hợp đồng ký với Công ty Hônso Nhật Bản.
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Dược liệu TƯ xác định độc tính cấp của dịch chiết lá trà Nhật là LD50 = 37,5g/kg cân nặng chuột (đường uống). Trị số LD50 xác định được cho thấy lá trà có độc tính khá cao. Viện Dược liệu TƯ đã đề nghị nghiêm cấm việc lưu hành sản phẩm này trên thị trường.
UBND huyện Sa Pa yêu cầu nếu từ nay đến cuối năm 2011, các hộ còn sản phẩm chè Nhật phải bán cho một công ty ở Hà Nội chế xuất thành sản phẩm phục vụ công nghiệp, nghiêm cấm mua bán sản phẩm chè Nhật với tên gọi là “Chè ngọt Sa Pa”, khuyến cáo khách du lịch phân biệt cây chè ngọt với chè Nhật khi mua sản phẩm dược liệu để tránh tình trạng “tiền mất tật mang”. Bên cạnh việc tuyên truyền phổ biến cho nhân dân biết tác hại của cây chè Nhật để từ năm 2012 chuyển hướng gieo trồng thay thế bằng các loại cây trồng khác phù hợp với đồng đất Sa Pa.
Thanh Lam (tổng hợp)