Uơm mầm những ước mơ xa
Là một trong 2 ấp thuộc diện nghèo của xã Long Thạnh, ấp Long Trường 2 thường được nhắc tới là ấp “3 không”: không đường, không điện, không nước. Ông Nguyễn Văn Hồng, Trưởng ấp Long Trường 2 cho biết: “Toàn ấp có khoảng 395 hộ, thì trong đó có khoảng 139 hộ là nghèo và cận nghèo, đời sống hết sức khó khăn, chủ yếu nhờ vào rẫy mía, vườn cây ăn trái hay làm thuê làm mướn”.
Ngoài con đường đất ven kênh, có khi phải len lỏi qua những ruộng mía là con đường chính thì phương tiện di chuyển chủ yếu của người dân đều nhờ vào chiếc xuồng. Nhưng vì bận rộn mưu sinh và không phải nhà nào cũng có xuồng để đưa rước con em, nhất là các em cấp I đến trường mỗi ngày. Cảm thông với hoàn cảnh của bà con nơi đây và không muốn nhìn cái cảnh các cháu mình và những đứa trẻ trong ấp sau này vướng vào cái vòng luẩn quẩn “nghèo- dốt”, bà Bảy bàn với chồng vay Nhà nước 10 triệu đồng mua võ lãi và máy để chạy đưa ruớc học sinh.
Mỗi ngày trên đường đưa cháu đi học hễ thấy đứa nào đi bộ là bà ghé lại cho quá giang. Dần dà thành thói quen, cứ đến giờ là các em lại đứng chờ bà trên bến. Sau này, các mạnh thường quân từ TP HCM biết được việc làm ý nghĩa của bà nên đã tài trợ cho bà Bảy một chiếc vỏ máy lớn hơn, phục vụ cho việc đưa rước các em được đảm bảo an toàn hơn. Ngoài áo phao, bà Bảy còn tự trang bị một tấm bạc cao su nhằm che cho các em khỏi bị ướt bởi những cơn mưa bất chợt.
Bất kể ngày mưa hay nắng, như một guồng quay lặp đi lặp lại, cứ tờ mờ sáng là bà Bảy gọi cháu nội mình thức dậy. Sau đó bà chuẩn bị áo phao, tát nước, lau chùi xuồng sạch sẽ để đúng 5h30 là xuất phát đi rước học sinh. Như một thói quen chỉ cần nghe tiếng xuồng máy là các em tự động ra bến trước nhà chờ bà Bảy cặp đò vào rước đi.
Cứ như vậy, hết bờ phải rồi bờ trái, khi trời vừa hửng sáng cũng là lúc bà rước đủ 18 em học sinh, mỗi một em bước xuống võ lãi bà không quên nhắc nhở phải mặc áo phao vào để đảm bảo an toàn. Trên con đò nhỏ vang dậy tiếng cười đùa, tiếng gọi nhau í ới hòa lẫn tiếng máy nổ làm xao động cả một khúc sông. Hôm nào các em học 2 buổi thì 10h30 bà chở các em về cho các em nghỉ ngơi, cơm nước, 13h bà lại tất tả chở các em quay lại trường tiếp tục việc học buổi chiều.
5 năm không lỗi một chuyến đò
Cô Phạm Ngọc Ửng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Long Thạnh 2 bộc bạch: “Ấp Long Trường 2 thuộc dạng nghèo. Trường có khoảng 415 học sinh thì trong đó có khoảng 125 em thuộc hộ nghèo. Ấp Long Trường 2 này còn rất nhiều khó khăn và thiếu thốn, đặc biệt là vấn đề đi lại của các em học sinh. Đa phần nhiều em phải lội bộ qua đoạn đường đất này.
Trời nắng còn đỡ, những hôm trời mưa đường trơn trượt, nhiều em đến lớp mà người lấm lem bùn lầy, tập sách ướt mem. Một số khác thì đi trễ do nhà quá xa, nhưng từ ngày có cô Bảy đưa rước, tình trạng trên không còn nữa, nhà trường và các phụ huynh cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều”.
Vì là vùng sâu lại thuộc diện nghèo, các em học sinh ở đây được tài trợ cơm nước miễn phí. Trong thời gian các em học, bà Bảy không về mà ghé lại căng tin trường phụ các cô ở đây lo cơm nước. Cô Ửng nói: “Việc làm của cô Bảy mấy ai mà làm được. Công việc nhà cô để chồng gánh vác còn mình hàng ngày đưa rước, chăm sóc con người khác không hề nề hà, luôn cố gắng làm tròn trách nhiệm. Bên cạnh đó, cô còn giúp nhà trường chăm lo việc cơm nước, vệ sinh cho các bé. Hành động của cô đáng được nêu gương người tốt việc tốt. Sắp tới nhà trường sẽ cơ cấu đưa cô Bảy lên làm Hội trưởng hội cha mẹ phụ huynh học sinh”.
Gia đình bà Bảy có 3 người con, các con bà lên Sài Gòn làm công nhân. Nguồn sống gia đình chủ yếu phụ thuộc vào 2 công đất trồng mía. Mỗi năm sau khi thu hoạch, trừ hết tất cả chi phí còn lời hơn chục triệu, đắp đổi qua ngày. Để trang trải thêm cuộc sống, hàng ngày chồng bà phải đi giăng lưới kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Nhưng không vì vậy mà ông kêu ca oán trách công việc của bà Bảy, trái lại ông còn động viên và tạo mọi điều kiện cho bà Bảy hoàn thành công việc của mình.
Suốt 5 năm qua, bà Bảy vẫn làm công việc này một cách lặng lẽ, không bỏ dở buổi nào. “Tôi đâu dám nghỉ vì hễ nghỉ một bữa là tụi nhỏ mất bao nhiêu kiến thức, với lại việc đưa rước này thành thói quen rồi, hôm nào tụi nhỏ được nghỉ là tôi thấy buồn, thấy nhớ. Hơn nữa tôi mong mình góp chút ít sức nho nhỏ cho bọn trẻ, sau này chúng học thành tài quay trở về giúp ít phần nào cho quê hương, hay ít nhất cũng biết cái chữ nghĩa mà thoát ra khỏi cảnh nghèo khó” - bà Bảy tâm sự.
Bà Bảy vui nhất là khi được lãnh giấy khen, bà luôn là người tụi nhỏ khoe đầu tiên. Vậy đó nên bà tự nhủ khi nào còn sức khỏe là bà vẫn còn làm dù công cho bà Bảy chỉ trái bầu, trái bí hái trong vườn nhà của các phụ huynh, thắm đượm nghĩa tình.
Ghi nhận trước việc làm đầy ý nghĩa của bà Bảy, UBND huyện Phụng Hiệp đã 2 lần tặng giấy khen “Người tốt việc tốt” cho bà. Bên cạnh đó, ngoài võ lãi mới, các mạnh thường quân còn hỗ trợ thêm cho bà mỗi ngày một lít xăng, phần nào vơi đi gánh nặng trên đôi vai nhọc nhằn của con người đầy lòng thiện nguyện vì tương lai của lũ trẻ vùng sông nước.