Để được đến trường học chữ, hàng ngày các em phải tự đi bộ, cơm nắm đến trường, có em đi bộ hàng chục cây số trong điều kiện đường sá, thời tiết khắc nghiệt.
Xã Thành Công là một trong những xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Nguyên Bình (Cao Bằng). Từ trung tâm huyện, chúng tôi phải đi theo những con đường ngoằn nghèo, uốn khúc. Càng lên cao sương mù càng dày đặc, thấp thoáng xa xa là những ngọn đồi mờ ảo, tạo nên một bức tranh kỳ vĩ. Hiện nơi đây vẫn giữ được diện tích rừng tự nhiên, cùng hệ thống thảm thực vật phong phú. Mùa đông nhiệt độ xuống thấp, thường dưới 10 độ C, sương mùa dày đặc khiến cho việc các em học sinh vì phải dậy sớm vượt gần 10km mới đến trường là một hành trình cực kỳ gian nan.
Giữa cái tiết trời lạnh lẽo đầu đông, chúng tôi đã tìm đến điểm trường tiểu học Nhà Máng (thuộc Trường Tiểu học Phia Đén, xã Thành Công). Cô La Thị Mùi, người đã bám bản dạy học suốt 26 năm nay tại phân trường Nhà Máng chia sẻ: “Đa phần các em ở đây đều là con em đồng bào dân tộc, ở các bản rất xa, có những em cách điểm trường cả chục cây số. Đa phần các em đều tự đi bộ đến trường trong thời tiết mưa dầm, rét buốt của mùa đông. Mùa hè thì sợ nhất là mưa lũ, đường trơn trượt, các em lại phải lội qua sông suối”.
Theo lời cô Mùi, học sinh ở đây 100% là người Dao đỏ, tập trung ở hai xóm chính là Nhà Máng và Lũng Quang. Đời sống kinh tế của bà con nơi đây chỉ dựa vào lúa nương, trồng ngô là chính nên rất nghèo. Nhiều gia đình vẫn chưa lo đủ quần áo cho con, vào mùa đông có nhiều em vẫn phải mặc áo phong phanh đến lớp.
Hiện tổng số học sinh ở điểm trường tiểu học Nhà Máng là 36 em, trong đó có 28 em học sinh mầm non. Cô Mùi tâm sự: “Cái khó của các cô là việc truyền thụ kiến thức cho các em. Học sinh ở đây không biết tiếng phổ thông. Ví dụ như mình dạy âm E chẳng hạn, mình phải nói tiếng dân tộc sau đó thì mới dịch sang tiếng phổ thông. Để dạy được kiến thức cho các em, các thầy cô giáo đều phải nói được hai thứ tiếng. Hiện ngôn ngữ tiếng Việt của các em chưa nhiều, giáo viên hướng dẫn được bằng nào thì có bằng đấy. Để viết được một đoạn văn từ 5 đến 6 câu rất là khó”.
Cô giáo Nông Thị Thơm góp chuyện: “Học sinh mẫu giáo ở đây cũng không có phụ huynh đưa đón như dưới xuôi đâu. Hàng ngày các em mẫu giáo phải đi học cùng anh chị. Hiện ở phân trường tiểu học Nhà Máng chưa có nhà ăn bán trú nên các em vẫn phải mang cơm đi học. Nhà báo chưa nhìn thấy tô cơm của các em đấy thôi, chứ nhìn thương hại lắm. Phần ăn của các em chỉ có rất ít cơm, còn lại toàn hạt ngô thôi, không có thức ăn. Các em cho cơm vào một cái âu nhỏ, nhà nào không có âu thì cho vào túi bóng. Nhìn các con ăn ngon lành mà các thầy cô không kìm được nước mắt”.
Theo lời cô Mùi, thỉnh thoảng cũng có các đoàn từ thiện đến tặng quà.Trong dịp nghỉ hè vừa rồi có một tổ chức ở Mỹ họ tặng cho mỗi em một cái cặp, một cái áo. Đây chính là nguồn động lực thắp sáng ước mơ cho các em học sinh nghèo đến trường.
Ngoài việc truyền thụ kiến thức cho các em, giáo viên còn kết hợp với y tá của xóm truyên truyền vận động người dân thực hiện việc sinh đẻ có kế hoạch, nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống… Hiện cô Mùi kiêm nhiệm công tác xóa thôn bản “trắng” đảng viên. Cô Mùi được giao nhiệm vụ giới thiệu những người có uy tín ở trong xóm để kết nạp Đảng. Hiện công tác Đảng ở vùng sâu, vùng xa đang còn yếu kém, chính vì vậy nên việc tìm những người có uy tín để giới thiệu kết nạp vào Đảng rất là quan trọng.
Thầy Hà Thanh Hoài - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phia Đén cho biết: “Ngoài việc truyền thụ kiến thức cho các em, các thầy cô giáo còn phải truyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho người dân. Các thầy cô phải tuyên truyền vận động làm sao để người dân họ tin mình, tích cực động viên con em đi học”.
Theo thầy Hoài, đa phần các em đều phải đi bộ, trung bình là 6km đường bộ. Ở đây chỉ có một vài hộ dân gần trường, 80% là nhà cách xa, có em nhà giáp Bắc Kạn. Thầy Hoài nói: “Sợ nhất là mùa đông vì ở trên đây có khí hậu khắc nghiệt, có hôm nhiệt độ giảm sâu, chỉ từ 3 đến 4 độ C. Hầu như phụ huynh đều phó mặc việc học của con em cho nhà trường nên rất là khó khăn”.
Cũng theo thầy Hoài, vào mùa mưa bão rất là nguy hiểm, chủ yếu là đường suối. Vào mùa tháng 3 tháng 4 các em còn phải lội qua suối. Suối bình thường nước nhỏ, chứ mùa lũ là nước rất lớn, còn hơn cả sông. Ngoài sự nguy hiểm rình rập bởi các con sông, suối, các em còn phải đối diện với đất, đá, cây cối. Các thầy cô giáo luôn phải nhắc phụ huynh không được cho các em mạo hiểm đi học vào mùa mưa lũ.
Đợt mừa lũ hồi tháng tám vừa rồi, do ảnh hưởng của cơn bão số ba nên điểm trường đã bị tốc mái. Được biết nguồn phòng chống bão lũ là do huyện đã bàn giao cho xã làm chủ đầu tư, tuy nhiên việc thực hiện sửa sang xã tiến hành chậm.
Về chế độ cho các em, theo quy định của Thủ tướng Chính phủ các em được hỗ trợ 15kg gạo một tháng. Theo tiêu chí xác định, con em dân tộc thiểu số cách xa điểm trường 1km đi bộ, 3km đi theo quốc lộ là được hưởng chế độ này. Tuy nhiên, năm nay chế độ học bán trú có sự thay đổi tăng lên là đi bộ 4km phải qua đèo, qua suối mới được hưởng. Hiện trường chưa tổ chức ăn bán trú vì chưa xây dựng được điểm trường bán trú nên hàng tháng vẫn trả 100% tiền cho các em, tức 160 nghìn đồng/tháng/học sinh.
“Trường có bán trú thì cả học sinh và giáo viên đều đỡ vất vả hơn. Nhưng Phin Đén chưa xây được trường bán trú vì xã chưa tìm được đất. Được biết vừa rồi Nhà nước cấp 6 tỷ xây dựng trường bán trú cho một số xã trên địa bàn nhưng do xã mình không tìm được đất nên lại chuyển cho xã khác”- thầy Hoài ngậm ngùi tâm sự.