Theo đó, giúp cho việc cập nhật được nhật ký khai thác của các tàu cá, truy xuất nguồn gốc các loài thủy, hải sản được đánh bắt; đưa ra các bản tin dự báo thời tiết, cảnh báo sự cố thiên tai về mưa, bão trên biển để ngư dân chủ động phòng tránh.
Tuy nhiên, còn tình trạng một số thiết bị VMS mất tín hiệu kết nối gây khó khăn cho việc quản lý tàu cá. Một số nguyên nhân như do chủ tàu chưa đóng cước phí thuê bao dịch vụ giám sát hành trình, do không có nguồn điện thiết bị VMS, thiết bị lỗi, thiết bị hư hỏng... Ngoài ra, còn một số trường hợp thiết bị VMS mất tín hiệu kết nối chưa rõ nguyên nhân, do chưa có đủ cơ sở để xác định.
Tỉnh Cà Mau hiện có 8 đơn vị cung cấp thiết bị VMS với trên 1.500 tàu cá đã được lắp đặt thiết bị VMS. |
Tính từ ngày 26/6/2022, tại Cà Mau có khoảng 263 tàu/1.539 tàu có thiết bị VMS mất kết nối tín hiệu, chiếm tỉ lệ khoảng 17%, trong đó có 135 tàu do chưa đóng phí vệ tinh; 56 tàu chưa rõ nguyên nhân, 61 tàu vào bờ; 10 tàu do lỗi thiết bị; một thiết bị mất tín hiệu do tàu bị chìm.
Các doanh nghiệp có thiết bị VMS mất kết nối như: Zunibal: 145 thiết bị/691thiết bị, chiếm tỉ lệ 21%; Viettel: 33 thiết bị /396 thiết bị, chiếm tỉ lệ 8%; Bình Anh: 20 thiết bị /360 thiết bị, chiếm tỉ lệ 1,4%; VNPT: 49 thiết bị /84 thiết bị, chiếm tỉ lệ 50%; Bách Khoa: 15 thiết bị/66 thiết bị, chiếm tỉ lệ 23%; L’TRAn: 1 thiết bị/5 thiết bị, chiếm tỉ lệ 20%.
Mặc dù tỉnh Cà Mau đã ban hành Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 15/7/2021 thực hiện hỗ trợ cước thuê bao dịch vụ giám sát hành trình tàu cá (phí vệ tinh) từ ngày 1/1/2022 nhưng một số đơn vị cung cấp thiết bị còn lúng túng và chậm làm các thủ tục để nhận được hỗ trợ.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trần Quốc Chính cho biết: “Để thực hiện tốt công tác phòng, chống khai thác IUU trong thời gian tới, một số biện pháp được ngành chức năng tỉnh đề xuất như: Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở NN&PTNT và các cơ quan, đơn vị có liên quan cung cấp thông tin, kịp thời xác định rõ nguyên nhân mất tín hiệu kết nối thiết bị VMS trên biển để có cơ sở phục vụ công tác quản lý tàu cá, xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định”.
Các đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình tàu cá phải bổ sung đầy đủ nội dung trong hợp đồng cung cấp dịch vụ bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quy định của của pháp luật có liên quan. Đồng thời, nghiêm túc thực hiện các thủ tục nhận hỗ trợ cước phí vệ tinh theo quy định.
“Ngành chức năng tỉnh đang đề xuất UBND tỉnh kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét, bổ sung quy định thêm trách nhiệm và xử phạt đối với đơn vị cung cấp thiết bị không đảm bảo chất lượng hàng hóa. Tổng cục Thủy sản: thường xuyên kiểm tra, giám sát chất lượng thiết bị giám sát hành trình tàu cá được phép cung cấp cho người dân” – Ông Trần Quốc Chính cho biết thêm./.