Hội thảo nhằm mục đích báo cáo các kết quả dữ liệu thu được, ghi nhận đóng góp của các bên, bàn giao mô hình cùng các kết quả cho Ban Quản lý VQG Cúc Phương chuẩn hóa, số hóa, quản lý và sử dụng vào công tác quản lý bảo vệ tài nguyên thiên nhiên tại khu vực này.
Mô hình 3D VQG Cúc Phương. |
Ông Đỗ Văn Lập - Phó Giám đốc VQG Cúc Phương khẳng định: Chúng tôi sẽ dùng sản phẩm này để giới thiệu cho du khách, các học sinh sinh viên, cộng đồng trên địa bàn biết về các giá trị văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học của Vườn, thông qua đó nâng cao nhận thức và kêu gọi mọi người cùng nhau gìn giữ bảo vệ tài nguyên rừng và bảo vệ môi trường của VQG Cúc Phương. Đây cũng là một trong những lộ trình để Cúc Phương hoàn thành tiêu chí để được IUCN đưa vào "Danh lục xanh".
Bà Ulrika Aberg, cán bộ quản lý Chương trình các Khu bảo vệ và bảo tồn IUCN toàn cầu chia sẻ: Việc xây dựng mô hình 3D có sự tham gia của cộng đồng tại VQG Cúc Phương bao gồm 4 hợp phần chính là: xây dựng phương pháp, thu thập dữ liệu và chuẩn bị vật liệu; họp tham vấn một số đại diện cộng đồng địa phương và cơ quan tổ chức để xây dựng bảng chú giải các trường dữ liệu; xây dựng cốt mô hình với sự tham gia của học sinh tại địa phương; họp tham vấn các bên liên quan, thu thập và trình diễn dữ liệu về điều kiện tự nhiên và kiến thức bản địa trên lên mô hình 3D.
Dự án xây dựng Mô hình sa bàn 3D VQG Cúc Phương được khởi động từ tháng 5/2022 và hoàn thành vào tháng 7/2022, thông qua sự phối hợp của 3 đơn vị là Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), Ban quản lý VQG Cúc Phương và Trường THPT Nho Quan B (Ninh Bình).
Quá trình thu thập thông tin, chú giải bản đồ có sự tham gia của hàng trăm người dân đại diện cho 18 thôn bản, thuộc 14 xã, một thị trấn của ba tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa. Dự án đã chọn khu vực lập bản đồ bao gồm vùng lõi VQG và một phần vùng đệm. Các chiều của khu vực này ước tính 31 km x 20 km và tạo ra một mô hình 3D tỷ lệ 1: 10.000 với kích thước 3,1m x 2,0m.
Mô hình 3D sau khi được IUCN bàn giao cho VQG Cúc Phương sẽ liên tục được cập nhật với sự tham gia của các bên liên quan và sự hỗ trợ của công nghệ số, internet góp phần đưa VQG trở thành một điểm đến du lịch bền vững.
Thông qua các hoạt động trên, người dân lần đầu tiên thấy được bức tranh toàn cảnh về cộng đồng trong mối tương quan với VQG cũng như những tiềm năng kinh tế và lợi ích to lớn mà VQG có thể mang lại nếu như được bảo tồn và sử dụng một cách bền vững.
Du lịch tại các Khu bảo tồn là một phần quan trọng của ngành du lịch toàn cầu. Sau đại dịch COVID-19, nhu cầu về du lịch bền vững và trải nghiệm dựa vào thiên nhiên ngày càng tăng. Do đó, trong khuôn khổ hai dự án "Du lịch bền vững và các Khu Bảo tồn trong thế giới hậu COVID" và "Các giải pháp cho các Khu Bảo tồn", IUCN đang phối hợp cùng Quỹ Planeterra làm việc với cộng đồng địa phương và các nhà quản lý Khu bảo tồn thực hiện các hoạt động quản lý công bằng hiệu quả nguồn tài nguyên, chia sẻ lợi ích cộng đồng, góp phần đưa du lịch không chỉ trở lại như trước đây mà còn làm tốt hơn cho người dân, động vật hoang dã và hệ sinh thái.
Đại diện VQG Cúc Phương và IUCN trao chứng nhận tham gia chương trình xây dựng mô hình 3D cho các em học sinh Trường THPT Nho Quan B. (Ảnh: Nguyễn Lựu) |
Tại hội thảo, đại diện cộng đồng địa phương và nhóm tư vấn chính thức bàn giao mô hình và dữ liệu cho đại diện VQG Cúc Phương. Đại diện IUCN và nhà tài trợ trao chứng nhận tham gia cho đại diện cộng đồng, học sinh và đại diện Trường THPT Nho Quan B.