Nỗi bất hạnh của cô giáo khuyết tật
Cô Lý từng ước mơ học trường sư phạm,trở thành một cô giáo được đứng trên bục giảng. Nhưng rồi, ước mơ của cô cũng vụt tắt. Khi mà sau cơn bạo bệnh, đôi chân của cô học trò lớp 12 Phạm Thị Lý bị teo lại, vĩnh viễn không thể đi lại được. Việc di chuyển cũng như sinh hoạt hàng ngày của cô phụ thuộc hoàn toàn vào chiếc xe lăn và sự giúp đỡ của người thân.
Căn bệnh quái ác và chấn động về tinh thần khiến cô suy sụp hoàn toàn. Nhớ lại những ngày tháng ấy, cô vẫn còn rất xúc động: “Những ngày đầu đối diện với sự thật đôi chân của mình, cô không thể kìm lòng được, buồn và thương mẹ rất nhiều”. Bố cô mất sớm, không lâu sau khi cô bị bệnh, người mẹ luôn yêu thương, chăm lo cho cô cũng vĩnh viễn ra đi. Ngôi nhà khi ấy cũng chỉ còn mình cô làm bạn với chiếc xe lăn, người chị của cô đã có gia đình riêng chỉ có thể thi thoảng ghé thăm cô được. Thương hoàn cảnh đặc biệt, hàng xóm thay phiên nhau sang thăm hỏi, giúp đỡ cô rất nhiệt tình giúp cô vơi đi phần nào nỗi buồn và sự mặc cảm bản thân.
Lớp học tình thương-nơi chắp cánh ước mơ
Cô Lý là một người rất thích đọc sách. Khi không thể đi học để thực hiện ước mơ của mình, cô dành gần như toàn bộ thời gian cho việc đọc sách, tìm hiểu kiến thức nhiều lĩnh vực. Mọi người xung quanh cảm phục tinh thần học hỏi của cô và một số phụ huynh trong xóm đã gửi con cho cô dạy kèm. Lớp học đặc biệt được mở ra chỉ rất tình cờ.
Lớp học ban đầu của cô chỉ có hai em học sinh lớp một. Sau khi được cô Lý dạy kèm thêm, hai bé tiến bộ rõ rệt trong học tập. Phụ huynh nhờ cô kèm cặp cho các em cũng nhiều hơn. Từ năm 2009 đến nay, một lớp học đặc biệt mở ra với giờ học không cố định; miễn phí hoàn toàn; học sinh ở nhiều độ tuổi khác nhau, có trẻ mới chuẩn bị vào lớp 1, có bạn đã học lớp7. Căn nhà của cô giờ đây không bao giờ thiếu vắng nụ cười con trẻ, cô cũng không cảm thấy cô đơn với chiếc xe lăn nữa. Cô tìm lại niềm vui và ý nghĩa cuộc sống với lớp học và những “đứa con” của mình. Cách các bé gọi cô Lý ở đây cũng lạ lẫm và thân thương: cô, bác và cả... “mẹ” Lý. Lớp học có khi đông đủ, khi thì chỉ có một cô một trò bởi không có quy định giờ học cố định ở đây, chỉ cần rảnh là học sinh sẽ đến.
Khi hỏi về khó khăn trong khi dạy các em, cô kể rằng, cô không được đào tạo nghiệp vụ sư phạm nên mới đầu rất khó khăn, bỡ ngỡ, nhưng cô luôn cố gắng học hỏi qua sách vở những phương pháp dạy học dễ hiểu và phù hợp nhất với các cháu. Học sinh được cô kèm thuộc mọi lớp trong cấp tiểu học nhưng lần lượt, ai cũng được chữa bài, từ Toán đến Văn, Tiếng Anh. Bao giờ cô Lý cũng chữa hết bài tập trên trường, còn thời gian mới củng cố thêm kiến thức và làm đề do cô soạn ra.
Dù lớp học chỉ vỏn vẹn khoảng 20 m2 nhưng cơ sở vật chất cũng khá đầy đủ vì cô Lý muốn tạo môi trường học tập tốt nhất cho các bé. Năm 2016, cô Lý mới mua thêm một chiếc máy in để tiện in đề cho các bé. Toàn bộ đề đều do cô tự tay soạn và in ra dựa trên năng lực của từng học sinh. Cô Lý xoay xở với học sinh của mình hết dạy chữ, rồi dạy Toán và dạy các kỹ năng sống, bài học làm người qua những câu chuyện sinh động, với mong muốn các em nhỏ sẽ học tập thật tốt, theo đuổi được mơ ước của mình.
Em Nguyễn Thị Lương, học lớp 7 cũng là học sinh nhiều tuổi nhất trong lớp học nói về cô Lý với rất nhiều tình cảm: “Em rất vui vì đã gắn bó với lớp học của cô Lý được 6 năm. Lên lớp 7, cô nói rằng không thể kèm em tiếp vì kiến thức của em đã cao hơn so với thời cô học. Mặc dù vậy, cứ tan học là em và hai em của mình lại đến lớp. Toàn bộ sách vở của em đều để ở đây, thậm chí sinh hoạt của em đều diễn ra ở nhà cô giáo Lý. Em cũng giúp cô kiểm tra lại bài và kèm cho các em khác”. Lương là một trong số nhiều bạn trong lớp học của cô Lý có thành tích cao trong học tập như đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp trường, cấp huyện.
Lớp học của cô đến nay có khoảng hơn hai mươi em học sinh theo học, có rất nhiều bạn có hoàn cảnh khó khăn. Ước mơ trở thành giáo viên hay bác sĩ, công nhân của các em vẫn còn là một hành trình dài học tập. Và cô Lý đã trở thành tấm gương về ý chí, nghị lực phi thường để các em học sinh có thêm động lực học tập thật tốt và thực hiện ước mơ của mình. Có thể cô không thực hiện được ước mơ làm giáo viên đứng trên bục giảng của mình nhưng cô lại hoàn thành ước mơ khi mang đến tri thức nhiều hơn cho các em học sinh.