“Nói thật, tôi không biết”
Với câu hỏi ngắn gọn: “Xin bạn cho biết TPP là gì?”, phóng viên Báo PLVN và cộng tác viên đã thực hiện một cuộc khảo sát “bỏ túi” với khoảng 50 bạn trẻ là sinh viên (SV) đang theo học tại các trường đại học ở Hà Nội. Nhưng thật bất ngờ và đáng buồn khi gần 50% số người được hỏi lắc đầu hoặc cười trừ.
M.A (SV năm 3, Khoa Quản trị nhân lực – ĐH Kinh tế Quốc dân) tỏ ra lúng túng: “Mình không biết TPP là gì, thực sự mình không quan tâm nhiều đến vấn đề đó”. M.T (SV năm cuối ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng thật thà chia sẻ không biết đến TPP, cũng không biết TPP là gì và có vai trò hay mang thông điệp gì đối với Việt Nam. T.D (SV năm cuối Khoa Quản trị kinh doanh - ĐH Thương mại) lắc đầu: “TPP là gì vậy? Dạo này mình thấy báo đài cũng nói nhiều đến TPP nhưng mình không quan tâm lắm”.
Có cùng câu trả lời với những sinh viên trên, Nguyễn Thùy Linh (SV năm 3 ĐH Ngoại thương) cho rằng TPP khá lạ lẫm đối với bạn. Đây là lần đầu Linh được hỏi về TPP cũng như lần đầu được biết TPP là gì.
Không chỉ những sinh viên nói trên “mù tịt” về TPP mà còn rất nhiều bạn trẻ khác cũng chỉ biết cười trừ khi được hỏi về hiệp định thương mại quan trọng này.
Trở ngại lớn nhất: Chất lượng nguồn nhân lực
May mắn là bên cạnh các sinh viên như vậy cũng có rất nhiều bạn trẻ chủ động tìm tòi, nghiên cứu về TPP.
Nguyễn Phương Hoài (SV năm 3 Khoa Ngôn ngữ Anh - Học viện Ngoại giao) cho biết: “Mình rất quan tâm đến vấn đề Việt Nam gia nhập TPP. Vì hiệp định này nghe xa xôi nhưng có thể tác động trực tiếp đến chỗ làm của mỗi người”.
Trong những ngày vừa qua, Hoài luôn tìm đọc các thông tin về TPP qua các phương tiện thông tin đại chúng và đang đón chờ toàn văn tiếng Việt các cam kết chính thức được công bố.
Cùng quan điểm với Hoài, Minh Khanh (SV năm 4 Khoa Kinh tế đối ngoại – ĐH Ngoại thương ) chia sẻ: “Mình học kinh tế đối ngoại, do vậy lượng kiến thức kinh tế của mình đòi hỏi khá cao và phải vững. Vì vậy, mình có theo dõi trên các trang mạng điện tử cũng như trên truyền hình việc Việt Nam chính thức là thành viên của TPP. Theo mình được biết, TPP đem lại rất nhiều lợi ích to lớn đối với nền kinh tế Việt Nam, thúc đẩy nền kinh tế nước ta phát triển”.
Mấy ngày trước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Chính phủ Báo cáo thực trạng và giải pháp nâng cao năng suất lao động của Việt Nam. Theo đó, mặc dù năng suất lao động của Việt Nam trong những năm qua đã được cải thiện đáng kể, tuy nhiên giả định Việt Nam và một số nước vẫn duy trì liên tục tốc độ tăng trưởng năng suất lao động trung bình như trong giai đoạn 2007 - 2012 thì phải đến năm 2038 chúng ta mới bắt kịp năng suất lao động của Philippines, đến năm 2069 mới bắt kịp năng suất lao động của Thái Lan.
Theo một báo cáo khoa học của PGS.TS Nguyễn Bá Ngọc và Ths. Phạm Minh Thu (Viện Khoa học Lao động và Xã hội), một vấn đề quan trọng là đào tạo nguồn nhân lực ở Việt Nam chưa gắn kết với nhu cầu của thị trường cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng. Rất nhiều doanh nghiệp phản ánh học sinh, sinh viên ra trường không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.
Năm 2012, Ngân hàng Thế giới công bố kết quả khảo sát về mức độ đáp ứng các kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp đại học so với yêu cầu của nhà tuyển dụng tại 7 quốc gia Đông Á, trong đó có Việt Nam, thì thái độ làm việc được đánh giá ở mức thiếu hụt nghiêm trọng, các kỹ năng tư duy sáng tạo, kỹ năng công nghệ thông tin, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng giải quyết vấn đề thiếu hụt lớn.
Từ một cuộc khảo sát “bỏ túi” có thể thấy trở ngại lớn nhất khi Việt Nam tham gia “sân chơi” toàn cầu không phải nằm ở con số phần trăm cắt giảm thuế quan mà chính là chất lượng nguồn nhân lực./.