Kỳ vọng thuế suất 0%...
Quy mô rộng lớn của TPP sẽ mang đến những lợi ích to lớn cho Việt Nam, bao gồm cả thương mại, đầu tư, công nghệ, nâng cao trình độ trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, tạo điều kiện cũng như động lực cho Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Một ưu đãi đặc biệt khi tham gia vào TPP là hàng rào kỹ thuật thương mại sẽ giảm thiểu, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời thúc đẩy quá trình cải cách bên trong mỗi doanh nghiệp để cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa.
Nếu TPP được ký, những nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam vào các thành viên TPP chủ yếu là nông, lâm, thủy hải sản; dệt may, da giày, túi xách; điện thoại, máy tính và linh kiện. Trong đó, nhóm hàng điện thoại, máy tính và linh kiện đang được khối doanh nghiệp FDI nắm ưu thế; thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng thủy sản vào Australia, New Zealand, Peru đang áp 0%.
Hiện nay, hàng dệt may chủ yếu xuất vào thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, trong đó hàng xuất vào Hoa Kỳ đang chịu thuế suất bình quân khoảng hơn 17 - 32%, nên khi chính thức gia nhập vào TPP, các doanh nghiệp dệt may có thể kỳ vọng mức thuế áp là 0% hay thấp hơn mức hiện tại, qua đó thúc đẩy sự phát triển của ngành.
Cũng ở thị trường Hoa Kỳ, ngành giày dép các loại sẽ là ngành tiếp theo được hưởng lợi rõ rệt vì Hoa Kỳ cũng là thị trường chủ lực, với tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nhanh, mà thuế suất bình quân đang áp cho nhóm hàng này khoảng 14%.
… Nhưng không thiếu “chông gai”
Tuy nhiên, theo nhận định của ông Nguyễn Đình Lương - nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ (BTA), bên cạnh những rào cản kỹ thuật không dễ vượt qua, Việt Nam phải đối mặt với ba vấn đề đầy chông gai khi tham gia TPP: Một là, quyền lập hội của người lao động; hai là, cạnh tranh bình đẳng giữa khối doanh nghiệp nhà nước với các thành phần kinh tế khác cũng như sự bình đẳng tiếp cận các nguồn lực, tài nguyên, vốn và thị trường; ba là, vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Việt Nam còn phải hoàn thiện khung pháp lý, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, nội địa hóa, quy hoạch vùng, xây dựng và phát triển cụm ngành, các doanh nghiệp buộc phải cải tiến nhanh hơn nữa để kịp thời ứng phó và cạnh tranh khi thành viên TPP tham gia sâu rộng hơn vào thị trường nội địa – đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ, tài chính... Và đặc biệt, trong ngắn hạn, ngân sách có thể bị sụt giảm nguồn thu thuế nhập khẩu.
Thêm vào đó, TPP sẽ không khiến Hoa Kỳ hạn chế áp dụng các biện pháp phòng vệ đối với hàng xuất khẩu Việt Nam, do đó nguy cơ điều tra chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp không hứa hẹn sẽ giảm trong tương lai.
Theo thông tin từ ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế, đến nay TPP đã hoàn tất 19 vòng đàm phán chính thức và nhiều phiên giữa kỳ, với hơn 20 nhóm đàm phán và gần 30 vấn đề. Các bên đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về hợp tác và xây dựng năng lực, doanh nghiệp nhỏ và vừa, chính sách cạnh tranh, gắn kết môi trường chính sách… Đàm phán TPP đang bước vào giai đoạn quyết định với gần 20 lĩnh vực đang đàm phán như: mở cửa thị trường hàng hóa, quy tắc xuất xứ, mua sắm chính phủ, doanh nghiệp nhà nước, thương mại điện tử…